Cuộc đời chỉ là may mắn, hoặc không

Cuộc đời chỉ là may mắn, hoặc không
TP - Người Mỹ cầu mong Philip Roth sẽ đoạt giải Nobel trong tương lai gần. Họ có lý. Cuốn sách cuối cùng của ông, tác gia lớn nhất của văn học Mỹ đương đại - Báo ứng (Nemesis) vừa ra bản tiếng Việt, cho thấy mong muốn đó không phải hoang đường.

> 'Báo ứng'

Roth, nhà văn gốc Do Thái, tuyên bố gác bút vào tháng 11/2012 khi đã gần 80, và tuyên bố ông hoàn toàn mãn nguyện với sự nghiệp lẫy lừng gồm 31 cuốn tiểu thuyết.

Thiên tài, có nghĩa là Roth viết một kiểu văn không chạy theo thời thượng và theo kiểu của ông. Tiểu thuyết ngắn Báo ứng không phải là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, nhưng vì là tác phẩm cuối cùng, cuốn sách cũng mang ý nghĩa một “dấu chấm hết” nào đó cho sự nghiệp văn chương đầy sáng tạo và triết lý mà Roth đã xây dựng trong hơn 30 năm.

Cái tên Nemesis của Nữ thần báo ứng trong thần thoại Hy Lạp cho thấy cái nhìn nghiêm trọng về cuộc đời của một con người đã vào hồi cuối cuộc đời.

Cuốn sách hoài cổ, lấy mốc thời gian năm 1944 ở thành phố Newark nước Mỹ. Bucky Cantor, thanh niên 23 tuổi, người Do Thái và giáo viên thể dục và trông coi sân chơi cho trẻ em.

Cuộc đời non trẻ của Bucky có cả đau đớn và phước lành: mẹ qua đời khi anh còn nhỏ, bố là kẻ trộm và bỏ đi từ lâu, nhưng anh được ông bà và những người tốt nuôi nấng và khích lệ. Ở tuổi thành niên, Bucky có thị lực kém và không thể tham gia quân ngũ cùng bè bạn, mặc dù vậy anh vẫn rắn rỏi và rất cường tráng.

Nhưng trong mắt những đứa trẻ học trò trong cộng đồng Do Thái, Bucky là người hùng thực sự. Đây là vấn đề: Bucky cũng muốn thế. Anh muốn dạy chúng trở thành những người Do Thái mạnh mẽ và vững vàng về thể chất, không chỉ có trí óc thông minh.

Anh gặp phải thử thách vào mùa hè năm 1944 khi trận dịch bại liệt tràn đến Newark, “một cuộc chiến thực sự”, có cả sự tàn sát. Dịch bệnh dần dần giết chết hoặc làm tê liệt những đứa trẻ.

Bìa tiểu thuyết Báo ứng
Bìa tiểu thuyết Báo ứng.

Bucky rơi vào khủng hoảng vì chứng kiến quá nhiều mất mát. Không đủ liều lĩnh để ở lại và đối mặt, anh chọn đính hôn với cô bạn gái Marcia và rời đi, đến một trại hè nơi vẫn chưa bị dịch bệnh tấn công. Nhưng, sự đời khó có thể nói trước được, đa phần diễn biến theo kiểu ta không ngờ tới. Đây là vấn đề: cuộc đời Bucky diễn biến theo hướng không ai trên đời này mong muốn cho cuộc đời của chính mình.

Đầu cuốn sách, người kể chuyện (về sau cũng trực tiếp xuất hiện) nhắc đến Cựu Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt, nạn nhân nổi tiếng nhất của căn bệnh bạo lực, người sau này đã đạt đến đỉnh cao thành đạt và quyền lực, chỉ để tạo thành sự so sánh có tính đối lập. Bucky Cantor thuộc vào trường hợp thứ hai, chẳng may mắn chút nào, có lẽ vậy.

Đó cũng là cách giải thích của tác giả, Roth. Ông viết: “Có lúc bạn may mắn và có lúc thì không. Bất kỳ bản tiểu sử nào cũng là cơ duyên, và, bắt đầu từ việc được hoài thai, cơ duyên - ông vua của ngẫu nhiên – là tất thảy. Cơ duyên là điều tôi tin thầy Cantor muốn nói khi thầy chỉ trích thứ thầy gọi là Chúa”.

Bucky là người Do Thái mất niềm tin vào Chúa, khởi đầu cuộc đời với cả bi kịch lẫn hạnh phúc và sau đó dần dần mất đi một thứ- anh không may mắn khi thứ mất đi lại là hạnh phúc. Và có lẽ cũng là không may mắn khi sống trong một thập niên của chiến tranh, bom nguyên tử và bại liệt. Đến tận năm 1962, vắc xin bại liệt mới được cấp phép. Bao nhiêu cuộc đời đã bị tàn phá trong vòng gần 20 năm? Lịch sử không ghi lại con số đó.

Không hiểu sao Roth, ở tuổi gần 80, có thể kể một câu chuyện đau đớn, không hề nhẹ nhõm, đến thế. Tôi vẫn nghĩ phép màu của văn chương là sự hài hước. Ông không có giải pháp nào cho hiện tại, ông không cứu chuộc số phận của nhân vật. Điều đơn giản ông làm là tua ngược cuộn băng cuộc đời, như đoạn cuối cuốn tiểu thuyết: phát lại hình ảnh Bucky tuổi 23, vạm vỡ, để đầu đinh như lính tráng, oai dũng phóng lao và vẫn là người hùng trong mắt những đứa trẻ.

Giá mà Roth được dịch nhiều hơn ở Việt Nam, kiểu như Haruki Murakami. Để khởi đầu cho hiểu biết về Roth, Báo ứng không phải là một lựa chọn thích hợp. Một nhà phê bình từng khuyên nên chọn The Human Stain (tạm dịch: Vết nhơ trần thế), cuốn tiểu thuyết đã được dựng thành phim cùng tên do Anthony Hopkins và Nicole Kidman đóng vai chính.

Báo ứng (Nemesis) do hai dịch giả Hà Nguyễn, Sao Mai dịch, nằm trong tủ sách Cánh cửa mở rộng của GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt, NXB Trẻ ấn hành.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG