Chỉ còn yêu thương ở lại

Chỉ còn yêu thương ở lại
TPO - Văn Nguyễn Tiến Toàn khác với các bạn viết, bởi ông viết từ sự trải nghiệm của đời mình chứ rất ít yếu tố hư cấu. Nhà thơ Nguyễn Duy nhận xét, đại ý rằng: Nguyễn Tiến Toàn có năng khiếu viết ký!

Trong buổi ra mắt cuốn sách mới nhất của nhà văn Nguyễn Tiến Toàn vào cuối tháng 4 vừa qua tại TP HCM, nhà văn Ngô Thảo đã ôm lấy ông Toàn, nói rằng: “Trước năm 1975, tôi là một sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam còn anh Toàn là một sỹ quan chế độ Sài Gòn. Chúng tôi đã ở hai chiến tuyến và may mắn chưa phải đối mặt với nhau”.

Ông Thảo tiếp: “Sau năm 1975, chúng tôi từng bắt anh Toàn và kết tội anh ấy là gian thương. Còn hôm nay, tôi và anh Toàn là đồng nghiệp, bạn bè, cùng ngồi chung một chiếc chiếu: văn học. Hơn 30 năm qua, từ một sỹ quan Sài Gòn cũ, anh Toàn đã vượt qua bao khó khăn, thậm chí là cản trở bởi những người như tôi, để vươn lên trở thành một doanh nghiệp lớn - một nhà văn có những cuốn sách đánh thức sự ngủ quên của những người chiến thắng. Anh Toàn xứng đáng là tấm gương tiêu biểu cho sự hoà hợp của dân tộc, giữa những người chiến thắng và những người phía bên kia”.

“Ba chìm bảy nổi”

Nguyễn Tiến Toàn sinh năm 1945 tại làng Hà Bằng, huyện miền núi Đồng Xuân, Phú Yên. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, như nhiều thanh niên khác, ông cũng bị chế độ cũ bắt đi quân dịch. Sẵn có sức khoẻ, ông được cho đi học lái máy bay và trở thành phi công năm 1969.

Với tâm trạng chán nản vì “nồi da xáo thịt” người Việt bắn giết người Việt dẫn đến thiếu tinh thần chiến đấu, nên sau hai năm, ông bị chuyển xuống pháo binh. Nhưng tình hình cũng không thay đổi bao nhiêu, trong tâm trí ông đi lính là bị bắt buộc và ông cũng không hề muốn phải ra trận, phải bắn vào đồng bào mình. Vì thế khi đất nước thống nhất 1975, ông vẫn là sĩ quan cấp thiếu úy. Anh chàng thiếu uý chế độ Sài Gòn Nguyễn Tiến Toàn đã phải đi học tập cải tạo để trở thành người công dân mới.

Trở về nhà sau hơn một năm cải tạo, cuộc sống gia đình Nguyễn Tiến Toàn vô cùng khó khăn nên cả gia đình đã rời quê hương, vào Sài Gòn kiếm sống. Tại đây ông bắt đầu khởi nghiệp bằng việc đi làm thuê cho một ông chủ chuyên nghề đúc nhôm.

Thời đó đồ quân dụng, phế liệu sót lại sau thời chiến tranh còn rất nhiều nên nghề này làm ăn rất khá. Làm thuê một thời gian, thấy mình có thể bung ra làm ăn riêng nên ông đã gom góp, tích cóp để mở xuởng đúc phụ tùng xe đạp. Do khéo léo và chịu khó tìm tòi nên phụ tùng của xưởng ông bán rất chạy, các xí nghiệp sản xuất xe đạp thường chọn hàng của ông để lắp ráp.

Có lần xí nghiệp sản xuất xe đạp yêu cầu ông phải làm được chiếc pedal xe đạp sao cho sáng bóng giống như hàng nhập từ Liên Xô. Ông đã về thử nghiệm không biết bao nhiêu lần mà không được. Một hôm ông đem sự khó khăn đó nói với một người Hoa cùng nghề, anh ta cười: “Nếu ông chi cho tôi một cây vàng thì tôi sẽ chỉ cho ông bí quyết”. Thời điểm đầu những năm 80 thế kỷ trước, một cây vàng có thể mua cả một căn nhà mặt tiền tại Sài Gòn, nhưng ông Toàn vẫn đồng ý và đã có được bí quyết đó. Hàng sản xuất bao nhiêu cũng bán hết. Từ một người làm thuê với hai bàn tay trắng, ông đã có nhà, có xưởng và có một số vốn để làm ăn.

Thế nhưng cuộc đời chưa hết cơ cực khi một lần đi thu mua phế liệu, ông đã bị quản lý thị trường tịch thu toàn bộ hàng hoá trị giá gần sáu cây vàng. Về đến nhà thì nghe tin nhà bị cháy, toàn bộ gia sản tích cóp trong vòng mấy năm trời lao lực mất sạch theo ngọn lửa. Hai vợ chồng hoàn tay trắng. Lần thứ hai trong đời, vợ chồng ông lại bắt đầu sự nghiệp từ vốn liếng là hai bàn tay trắng. Không có nhà ở, cả gia đình phải về ở ké nhà bên ngoại, vợ đi làm xí nghiệp, thời giờ rảnh bán thuốc lá lẻ. Ông Toàn lại đi làm thuê, thời quá cơ cực ông mua bộ đồ sửa xe đạp ra vỉa hè đợi khách.

Ông kể: “Ngày đó nhà tôi cơ cực lắm, tôi và bà xã quần quật ngày đêm để kiếm chút tiền nuôi các con. Một hôm có chuyện làm tôi khủng hoảng tinh thần, đó là vào buổi sáng sớm, khi con bé ra phụ bán thuốc lá vỉa hè cho mẹ nó trước khi đi học, có hai thằng cướp lao đến. Chúng giật hai gói thuốc rồi bỏ chạy. Con gái tôi vừa gào thét thất thanh vừa chạy theo níu áo hai tên cướp. Nghe tiếng kêu, tôi đứng trên gác nhìn xuống thấy cảnh con gái đang tuyệt vọng la hét. Hai tên cướp đã chạy mất nhưng tiếng kêu của con vẫn ám ảnh tôi. Sao cuộc đời chúng tôi lại khổ như thế chứ? Và tiếng kêu của con gái đã cho tôi thêm nghị lực: Phải cố gắng, cố gắng hơn thật nhiều để không phải nghe con kêu thảm thiết vì mất hai gói thuốc lá như thế nữa”.

Năm 1982, khi đã gầy dựng được chút vốn, bắt đầu dựng lại ngôi nhà. Lần này ông Toàn chuyển hướng sang làm khung xe đạp. Ngày đó, khung xe đạp thường được làm bằng tôn cuốn, thứ tôn phế liệu chiến tranh cũng dễ kiếm nên chỉ sau một thời gian, xưởng sản xuất của ông lại trở nên nhộn nhịp không kém gì ngày trước. Tuy nhiên trời vẫn còn phụ lòng ông nên trong một lần kiểm tra hành chính, ông đã bị tịch thu toàn bộ hàng hoá, máy móc. Một lần nữa trắng tay.

Phẫn uất trước tình cảnh cứ làm thì lại bị mất, ông đã đưa vợ con đi tìm chân trời mới, đích đến của ông là Phnôm-pênh (Campuchia), nơi mới được quân đội Việt Nam giúp thoát khỏi nạn diệt chủng, mọi thứ còn ngổn ngang. Ông hy vọng sẽ có cơ hội làm ăn. Đó là năm 1985. Ông Toàn kể: “Nhưng khi qua Phnôm-pênh rồi tôi mới thấy mình đã lựa chọn sai lầm, ngôn ngữ không biết, người dân thì nghèo và tôi loay hoay tìm mãi không ra cơ hội. Mất hơn một năm tìm kiếm cơ hội, tôi rơi vào bế tắc, tương lai hoàn toàn mù mịt. May quá lúc đó mẹ tôi qua thăm tôi, bảo “con hãy về Sài Gòn đi, không đâu có nhiều cơ hội làm ăn như Sài Gòn”. Nghe lời mẹ, tôi đưa gia đình trở lại Sài Gòn, bắt tay vào làm lại từ đầu.”

Và hình như trời không phụ lòng những người kiên nhẫn. Lần lập nghiệp trở lại của ông Toàn, tình hình Sài Gòn đã có nhiều thay đổi. Nghị Quyết 22 của Thành uỷ TP.HCM đã mở cửa cho sự bung ra của năm thành phần kinh tế, những người như ông Toàn đã có cơ hội để phát triển. Dù không có vốn, nhưng sẵn có kinh nghiệm và đầu óc làm ăn, ông Toàn đã có cái nhìn khá tinh về cơ hội, trong đó có một cơ hội mà ông nhớ mãi. Đó là vụ mua con tàu chở sắt bị đắm ở Cần Giờ. Đã có nhiều người không dám mua vì nghĩ khó mà trục vớt được. Riêng ông Toàn khi nhìn hiện trường tàu đắm, ông nghĩ có thể kinh doanh từ con tàu này. Không có vốn, ông đi vay, mượn tàu và đích thân chỉ huy nhóm công nhân làm việc. Đúng như dự đoán của ông, lợi dụng thủy triều lên xuống, ông đã vớt được cả con tàu đó và sau khi hoàn thành, trừ mọi chi phí ông còn dư được hai cây vàng. Đó là số vốn đầu tiên của ông sau lần trở lại kinh doanh. Từ đó, ông vươn lên thành doanh nghiệp.

Nhà kinh doanh làm từ thiện

Thế nhưng kinh doanh cái gì là điều khiến ông trăn trở. Vào những năm đó thị trường xe đạp đã bắt đầu bão hoà khi xe nhập từ nước ngoài đã tràn ngập thị trường, xe đạp nội gần như không có cửa để cạnh tranh. Lúc đó, ông chợt nhớ lại hình ảnh hồi ông mới vào Sài Gòn, khi hai vợ chồng ông chở nhau trên chiếc xe đạp qua cầu chữ Y (quận 8), ông thấy có một người cụt hai chân, bơi trên miếng ván tự chế có bốn bánh xe chạy ngang đường.

Lúc đó ông đã buột miệng nói: “Con cá bơi dưới nước, con người bơi trên bờ” và tự hứa nếu khá giả sẽ phải làm gì đó cho những người khuyết tật. Nhớ lời hứa, ông ngẫm về đất nước đã trải qua biết bao năm chiến tranh, rất nhiều người bị khuyết tật phải tự chế xe để đi. Thế là ông quyết tâm tìm cách sản xuất xe lăn, một công việc vừa ít cạnh tranh trong thị trường bấy giờ, lại có cơ hội để thực hiện lời “buột miệng” năm xưa mà ông ghi dấu trong lòng.

Doanh nghiệp xe lăn Kiến Tường ra đời từ hình ảnh một người tàn tật “bơi trên bờ” bằng tấm ván gắn bốn bánh xe tự chế và là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất xe lăn. Ông Toàn giải thích về tên Kiến Tường: “Kiến” là “thấy”, “kiến tường” đơn giản là thấy bức tường mà nếu vượt qua được mới là người thành công. Đó là năm 1986.

Tuy nhiên ý tưởng thì như thế nhưng để có được những chiếc xe lăn đạt chất lượng tốt, phù hợp với thể trạng và mức độ khuyết tật khác nhau của người Việt là một vấn đề nan giải. Bởi không thể đem mẫu mã xe ngoại nhập dùng cho thể trạng người Việt và cũng không thể có chung một kiểu xe lăn cho tất cả người khuyết tật. Trong khi đó, mẫu xe lăn nhập ngoại nhiều nhưng đa số đều có kết cấu phức tạp và giá thành rất cao không phù hợp túi tiền của người dân đa phần rất nghèo sau chiến tranh và càng đói kém bởi cơ chế bao cấp. Ông Toàn mong muốn một chiếc xe lăn thật rẻ, thật bền và tiện dụng để nhiều người nghèo có thể mua được.

Ông kể: “Tôi phải mất vài năm trời để thử nghiệm. Làm xong chiếc xe nào, tôi lại tới các bệnh viện, trung tâm điều dưỡng thương binh để bệnh nhân đi thử, thấy xe lăn có khuyết điểm gì thì về làm lại. Xe lăn đâu chỉ có một mẫu, người mất tay, người mất chân, rồi xe lăn chạy đường bằng, đường địa hình phức tạp, xe lăn chạy điện, xe xếp gọn… May mắn là sản phẩm của tôi đã được thị trường đón nhận, đó là thành công nhất của Kiến Tường”.

Gần 30 năm trôi qua, doanh nghiệp xe lăn Kiến Tường trở thành tên gọi thân quen đối với người khuyết tật. Thân quen đến độ nhiều người nói vui rằng: “Nhà giàu đi xe Lăn-cui-dơ (Land Cruiser), nhà nghèo đi xe Lăn-Kiến-Tường”. Sản xuất lô hàng nào, xe lăn Kiến Tường cũng tiêu thụ sạch, thậm chí Kiến Tường còn xuất khẩu ra nước ngoài. Thương hiệu Kiến Tường lớn mạnh, có của ăn của để, nhưng ông Toàn vẫn nhớ lời hứa tặng xe lăn cho người khuyết tật ngày xưa. Kiến Tường thường xuyên trao tặng xe lăn cho những người khuyết tật, tài trợ các vận động viên khuyết tận khi thiết kế riêng từng xe lăn cho các vận động viên, nhiều vận động viên đã đoạt giải cao trong nước và thế giới nhờ xe lăn Kiến Tường.

Và nghiệp văn

Hình ảnh cô con gái kêu thất thanh khi bị mất hai gói thuốc lá đã ám ảnh ông Nguyễn Tiến Toàn mãi. Khi đã thành công với thương hiệu xe lăn, ông vẫn luôn nhớ lại ngày tháng cơ cực đó và muốn để lại cái gì đó cho các con, “cái gì đó” theo ông Toàn không phải là vật chất đơn thuần. Ý định để lại “cái gì đó” mà thời gian không thể phá hủy đã thôi thúc ông viết nên những trang hồi ký. Những trang viết, những cuốn sách ông Toàn đã in kể về những điều ông đã trải qua trong đời cùng những dòng tâm sự về cuộc sống, về mối quan hệ nhân sinh cũng như sự hướng thiện để làm người.

Ông Toàn viết văn cũng vì một lẽ, bạn bè thân thiết của ông đa phần là những nhà văn, như Nguyễn Quang Sáng, Thu Bồn, Nguyễn Duy, Ngô Thảo… Văn chương của Nguyễn Tiến Toàn khác với các bạn viết của ông, bởi ông viết từ sự trải nghiệm của đời mình chứ rất ít yếu tố hư cấu. Nhà thơ Nguyễn Duy nhận xét, đại ý rằng: Nguyễn Tiến Toàn có năng khiếu viết ký!

Ngồi với ông trong dịp 30/4, tôi hỏi ông nghĩ gì về ngày này, ông cười phá lên: “Đó là ngày thống nhất đất nước, mọi hận thù đều được xoá đi. Ai có tấm lòng yêu thương cùng đất nước sẽ thấu hiểu được điều này.” Hình như câu này ông nói không chỉ cho riêng ông thì phải.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.