Quê vợ

Quê vợ
TP - Quê vợ tôi là một vùng đất màu thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình sản vật chẳng có gì đặc sắc. Xưa thì trồng thuốc lào, sau chuyển sang trồng ớt. Mùa hè đến nhà nào trong làng cũng nồng nàn mùi lá thuốc, mùi ớt khô.

> Nghị án đời người
> Bức ảnh thứ hai

Minh họa: Lê Trí dũng
Minh họa: Lê Trí dũng.

Đặc sản duy nhất và độc đáo của vùng này là món phở cá mà người địa phương gọi là canh cá. Nói đến phở cá mọi người tưởng là tanh nhưng thực ra món này được chế biến thơm ngon tới mức ai đã một lần ăn đều mong muốn có dịp quay lại.

Bí quyết thành công của món phở này là phải có cá rô đồng vàng ruộm, tươi rói. Sau khi luộc chín trong nước gừng, cá được gỡ bỏ xương, ướp tẩm gia vị rồi rim kỹ hàng tiếng trên lửa nhỏ liu riu.

Sau đó hành củ thái mỏng phi thơm trong mỡ rồi đổ tiếp vào cá rim đun đến khi cá cứng mình như cá rán mới được. Nước dùng ninh bằng xương lợn và xương cá. Điều quan trọng nữa là bánh phở được dùng chính là bánh đa khô phơi một hai nắng.

Bánh ướt chỉ cần thái mỏng nhúng nước sôi đổ ra bát, rải cá xào khô lên trên, chan nước dùng, rắc thêm hành mùi ta sẽ có một bát phở cá thơm lừng, béo ngậy mà không thể có ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Mỗi lần về quê vợ dù cả nhà đã vì mình mà chuẩn bị toàn những món ngon tôi vẫn thậm thụt lẻn đi tìm canh cá Quỳnh Côi!

Cuối năm thứ 2 đại học tôi yêu một cô bạn cùng lớp người Thái Bình. Cô bé năm đó 19 tuổi cũng thuộc diện hoa khôi của khoa Văn nên nhiều anh rình rập tán tỉnh. Mình cũng đâu thua kém, đường đường là trai Hà Nội, hình thức được, Đảng viên trẻ lại còn kiêm lớp trưởng nữa.

Nên khi hai đứa yêu nhau khối kẻ ghen tỵ, lắm lời gièm pha. Chẳng ai tin là tôi sẽ lấy một người ngoại tỉnh làm vợ, ngay cả cô ấy. Nên một cuộc tình dù mới bắt đầu nhưng không ít nghi ngờ, dằn vặt. Thực ra người ta không tin mình là cũng có lý.

Trước đó tôi đã yêu một cô học sinh trường sân khấu cũng 19 tuổi, cao ráo, xinh xẻo. Một cô diễn viên tương lai người Hà Nội hẳn hoi. Cũng thề non, hẹn biển cuối cùng vẫn đứt gánh. Mà nguyên nhân là do tôi. Nhiều khi những ân hận về quá khứ khiến con người ta tu tỉnh hơn trong hiện tại.

Tôi đã từng làm một người đau khổ và không muốn thêm một người nữa đau khổ tôi nghĩ vậy, thế là quyết định cưới. Cho đến giờ dẫu có lúc đã trải qua nhiều biến cố, tưởng chừng không qua được trong cuộc sống vợ chồng, tôi vẫn không ân hận về quyết định chóng vánh năm ấy.

Là người luôn được tin cậy nên việc tôi quyết định lấy vợ được cả nhà đồng thuận, vấn đề còn lại chỉ là thuyết phục nhà gái bằng lòng cho làm lễ cưới mà thôi. Không còn cách nào khác là tìm về quê gặp trực tiếp bố mẹ của cô ấy. Vậy là chúng tôi khăn gói lên đường.

Nhờ chuyến đi ấy mà lần đầu tiên tôi đến Thái Bình, lần đầu tiên nhìn thấy dòng sông bên bến phà Tân Đệ, lần đầu tiên ăn chiếc bánh khúc nóng hổi, thơm phưng phức khi phà vừa cập bến để rồi nhớ mãi hương vị một miền quê.

Hôm về đến nhà gái, tôi được đón tiếp chu đáo nhưng có phần khách khí. Cơm nước xong định thưa chuyện thì ông bố tất tả bỏ vào làng vì có hẹn. Bà mẹ kéo con gái vào buồng tâm sự, còn trơ mỗi mình. Ngồi mãi vô duyên, tôi thả màn chui vào giường nằm. Âm điệu miền quê yên ả chẳng mấy chốc đã ru tôi vào giấc ngủ.

Bỗng tôi nghe thấy ai giật giọng gọi tên mình:”Anh Hùng, dậy! Dậy!”. Tôi choàng tỉnh và nhìn thấy ông bố vợ tốc màn đứng đầu giường ánh mặt lộ vẻ giận dữ. “Tôi muốn nói chuyện với anh”, giọng ông bức xúc. Tôi lồm cồm bò dậy và ngồi ngay ngắn trên ghế như tội phạm chờ xét hỏi. “ Anh nói đi, anh quan hệ với con gái tôi như thế nào? Anh về đây làm gi? Tại tôi vừa vào làng thấy người ta nói rác tai lắm, rằng con rể ông Thược về ra mắt. Mà anh thấy đấy, anh đã nói với tôi được câu nào”.

Hóa ra vấn đề chỉ có vậy, tôi thở phào nhẹ nhõm và trình bày rành rọt toàn bộ kế hoạch cưới hỏi đã được tôi và bố mẹ tôi bàn thảo kỹ càng. Nghe xong ông cười lớn. Nụ cười ánh mắt của ông làm khuôn mặt vốn đã đẹp lão giờ càng đẹp.

Từ khi tôi thành con rể, bố con lúc nào cũng tâm đầu ý hợp. Có chuyện gì trong nhà ông cũng đợi tôi về để tâm sự, bộc bạch thế thái nhân tình. Mỗi lần về bên vợ tôi đều nhớ mang theo một ít cà phê, ông khen cà phê tôi pha ngon, việc bếp núc cũng khéo.

Những chuyện đó giờ đã là dĩ vãng. Lần nào về thăm quê vợ, tôi cũng ra đồng viếng mộ ông. Nhìn tấm ảnh trên bàn thờ, tôi lại như được gặp lại thấy nụ cười ông năm nào, một nụ cười mãn nguyện.

Vợ tôi có cái tên của một loài hoa dân dã: Lý. Loài hoa mà tôi rất quí, mùi thơm ngan ngát của nó mỗi sớm mai sao mà gần gũi với tôi làm vậy. Mùa hạ nấu nồi canh cua không thể quên bỏ một nắm hoa này vào, hoa thiên lý mang xào lên với tỏi cũng là món rau ngon thượng hạng. V

ợ chồng tôi sống ở Hà Nội. Một năm hai lần chịu cảnh vợ chồng Ngâu. Đó là dịp các con nghỉ hè và dịp Tết. Mẹ vợ tôi ngày đó có một gian bán hàng tạp hoá, còn gọi là hàng xén, trên chợ huyện. Vào dịp Tết hàng bán chạy lắm, thu nhập nhiều khi bằng cả năm nên phải san bớt hàng cho con cháu bán đỡ.

Tết năm nào vợ tôi cũng phải ôm con về trước cả chục ngày. Dạo đó tuổi còn trẻ, sức đang hăng, tình còn nồng nên chỉ cách mặt một ngày đã ra nhớ vào mong. Cho nên chẳng ngại chen chúc ô tô để về gặp vợ con.

Ngồi trên xe khách qua phố huyện thấy vợ đang nghiêng nón bán hàng là tim đã đập xốn xang. Có lần về đến thị xã bị nhỡ chuyến xe về huyện nên đành tìm vào nhà người chú đằng vợ để nhờ vả. Chú bảo: “Hết xe rồi, thôi ngủ đây, sáng mai về chuyến sớm”. Tôi nghe mà buồn hết chỗ nói. Ở lại đây một đêm là xa vợ thêm một đêm. Thấy mặt mình rầu rĩ chú bảo: “Hay lấy xe đạp của chú đạp về. Từ đây về đấy chỉ khoảng ba chục cây chứ mấy”. Với thanh niên nông thôn chuyện đạp xe mấy chục cây trong đêm là chuyện thường. Nhưng với thằng con trai Hà thành như tôi, đường sá không thuộc, lại can tội sợ ma thì đây là cả một thử thách lớn.

Ngần ngừ một lúc tôi quyết định đạp xe về. Cái lạnh thấu da của đêm giáp Tết không làm tôi ngại nhưng một mình lùi lũi đạp xe trên con đường đá răm lồi lõm, vượt qua những nghĩa địa lập loè đom đóm nghĩ mà sởn gai ốc. Đêm đó cả nhà đều hân hoan nhất là cô vợ khi tôi đến nhà.

Nghỉ một lát tôi lăn vào bếp bê nồi nước lá mùi ra giếng rồi che cái nong, múc nước cho vợ tắm. Chềnh chàng cơm nước mãi rồi cũng đến lúc tôi được chui vào cái phòng nêm chật ních đồ hàng xén, ôm vợ trên chiếc giường thơm mùi rơm nếp, hít hà hương lá mùi từ vợ. Đấy có lẽ là thời mặn nồng nhất của tình vợ chồng và đã lùi xa cùng năm tháng. Giờ đây ngồi viết lại một vài kỷ niệm xưa thay cho bó hoa thơm tặng vợ nhân ngày sinh nhật.

(Những ngày ở Quỳnh Côi, quê vợ 4/2013)

Quê vợ ảnh 2
Nịnh vợ ! Rất có thể với một người từng là lính chiến trong thời chống Mỹ, rồi là sinh viên Tổng hợp Văn và nghiên cứu viên văn học tại Viện Văn học Hà Nội và cả Liên Xô (cũ).

Dẫu sao thì tản văn này cũng chất chứa cảm xúc thật của một người con Hà Nội làm rể Thái Bình nhưng lại định cư ở Berlin - Đức trong cuộc bươn chải mưu sinh ngoài văn học suốt 25 năm nay.

Tạp văn của
Hùng Lý
(từ Berli)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG