Nhớ 'ông Tổng' ân tình

Nhớ 'ông Tổng' ân tình
Nguyên Tổng giám đốc Vietnam Airlines Nguyễn Xuân Hiển vừa qua đời ngày 4/6. Trong đám tang của ông 6/6 có rất đông văn nghệ sĩ, bởi họ từng được ông đối xử bằng tình bạn chân thành.
Nhớ 'ông Tổng' ân tình ảnh 1

Mới đó thoắt đã hơn hai mươi năm, cái ngày chúng tôi gặp Nguyễn Xuân Hiển ở Nội Bài, nơi bây giờ là nhà ga T1 Sân bay Nội Bài. Từ dáng vẻ đến lời ăn tiếng nói, cộng với vị trí đứng đầu của Hàng không Việt Nam, Nguyễn Xuân Hiển khiến người gặp lần đầu ấn tượng. Nhưng ẩn đằng sau cái phong độ kiêu hùng của một phi công có kỹ thuật bay hàng đầu (thời bấy giờ) là một tấm lòng, trái tim nhân hậu và tài năng nghệ sĩ.

Nhắc đến ông người ta nhắc người duy nhất bay thử nghiệm thành công chiếc máy bay đầu tiên mang tên Tự Lực do Việt Nam chế tạo. Người tham gia nhiều chiến dịch lịch sử thời chiến tranh chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc; chiến dịch biên giới Tây Nam (mặt trận 479). Cũng là người tham gia xây dựng Trung đoàn không quân vận tải 918, và ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.

Trước khi nghỉ hưu ông để lại nhiều dấu ấn cho Hàng không Việt Nam, nhất là giai đoạn phát triển hiện đại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhà ga T1, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ mới từ một đất nước nghèo nàn lạc hậu sau chiến tranh.

Tất cả những điều đó có thể vẫn chưa gây ấn tượng bằng bản chất văn hóa sinh động trong Nguyễn Xuân Hiển. Ông thích đàn hát, chơi đủ loại thể thao từ bóng rổ, bóng bàn, bóng chuyền. Ông còn thích nấu ăn. Và đặc biệt, nhiều văn nghệ sĩ là chỗ quen biết của ông, ít nhiều được ông chăm sóc: Đỗ Chu, Chu Lai, Chu Minh, Văn Dung, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Ngọc Tân, Thùy Dung, Hồng Ngọc…

Cách đây hơn hai mươi năm, đất nước còn nghèo, nhiều người còn nghèo. Trần Tiến, Ngọc Tân, Trung Đức, Quang Lý, Hồng Ngọc, Lâm Xuân, Nhã Phương, Bảo Yến… phải bươn chải diễn xa nhà, những show diễn vặt với phương tiện là tàu biển hoặc ô tô. Cát xê chỉ đủ sống tùng tiệm. Khán giả đôi khi chưa quen với khái niệm mua vé thưởng thức nghệ thuật. Nguyễn Xuân Hiển đã tìm được cách để các nghệ sĩ có thể sáng tác và biểu diễn. Ông không chỉ để tâm tổ chức các hoạt động nghệ thuật thường xuyên mà bất chợt, nếu một nghệ sĩ “kêu cứu”, “thiếu đói” là ông tạo ngay một đêm diễn. Nhờ đó, quân (cán bộ công nhân viên chức) trong đơn vị ông được thưởng thức nghệ thuật, còn nghệ sĩ được sống bằng nghề.

Ông tạo cơ sở vật chất cho môn bóng chuyền, đóng góp sức lực và tâm trí cho Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Thời kỳ “hét ra lửa” cũng như khi về hưu, cứ nghe điện thoại của văn nghệ sĩ là nhất định ông để lại một lời hẹn. Khi thì tự tay nấu nướng món cá bỏ lò, gỏi cuốn, khi thì mời bia hơi, ra quán. Nấu ăn cho bạn và cho gia đình những ngày đặc biệt là niềm vui của ông, ông coi đó cũng giống như một sáng tạo nho nhỏ. Nhất là những khi ngồi nghe bạn hát, lối nghe tận tình thấm suốt của ông làm cho người biểu diễn thấy xúc động, được tri âm.

Nguyễn Xuân Hiển đã về với bè bạn Ngọc Tân, Hoàng Phúc Thắng, Lương Hải, A Khuê… vào 17 giờ 25 phút ngày 4/6. Tang lễ đông vô kể, người đến tiễn đưa không chỉ là đội quân hùng hậu của Hàng không VN mà còn là bao bạn bè văn nghệ sĩ. Bài viết này như một nén nhang tưởng nhớ ông, người hết lòng vì văn hóa, thể thao, nghệ thuật, hết lòng vì bạn bè.

Nhà văn Trần Thị Trường

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.