Nhí mãi, giờ mới... Việt

Nhí mãi, giờ mới... Việt
TP - Đêm Giấu mặt thứ hai của Giọng hát Việt Nhí nhiều bất ngờ. Những gương mặt nổi bật của đêm đầu ít nhiều đều đã được biết đến từ các cuộc thi khác hoặc từng có quá trình biểu diễn trên sân khấu. Tập hai giới thiệu được những giọng hát hay, đi vào lòng người, “bồi” thêm những câu chuyện cảm động.

> The Voice Kids: Hé lộ vòng 'Đối đầu' đẫm nước mắt
> Giọng hát Việt nhí: Cũng chuộng hát tiếng Anh

Thí sinh mở đầu chương trình mang khao khát kiếm tiền cho cuộc sống gia đình đỡ khổ cộng nước mắt của người mẹ. Và điều bất ngờ là Cao Đức Anh, 14 tuổi, không chỉ thi hát “vì tiền” mà có một giọng hát đẹp tự nhiên, ngọt ngào và sâu lắng.

Bất ngờ hơn là Đức Anh chỉ được Hiền Thục bấm nút. Lưu Hương Giang hé lộ lý do: “Những bạn ở các tỉnh như Nghệ An chẳng hạn, không phải TPHCM hay Hà Nội, không có điều kiện nhiều tiếp xúc với các xu hướng mới nhưng tôi nghĩ chắc đây là cơ hội, và hy vọng đặt cả vào chị Hiền Thục đấy!”.

Thanh Bùi thì gọi việc các em hát những bài tiếng Anh vốn dành cho người lớn là “gu âm nhạc hiện đại”. Thực ra nó đơn thuần chỉ là một gu âm nhạc khác với gu thịnh hành ở Việt Nam mà thôi. R&B thì cũng tựa như nhạc truyền thống của người Mỹ rồi.

Ấy vậy mà các HLV của ta vẫn thường mặn nồng vây quanh các em nhỏ hát nhạc ngoại quốc với phong cách ngoại lai. Cứ hát những bài tiếng Việt có vẻ rề rà là dễ bị ngó lơ. Cứ như họ đang tuyển tài năng để xuất khẩu vậy. Nếu thế thì đúng là “chở củi về rừng”.

Cao Đức Anh với giọng hát đó, với “chí khí” làm giàu đó rất có thể sẽ làm khán giả chú ý. Hơn nữa, cũng chưa ai khẳng định khán giả sẽ ưu tiên (nhắn tin bình chọn cho) ca sĩ nhí hát tiếng Anh sành sỏi hay hát bài tiếng Việt quen thuộc.

Nhiều khi HLV cứ mải chạy theo cái cũ người mới ta, theo tiêu chí của riêng mình mà không để ý đến khán giả, đến môi trường, hoàn cảnh xung quanh.

Không HLV nào “dám” quay lưng lại với Phương Mỹ Chi, kể cả người Tây hóa nhất. Vì quay lưng lại với Phương Mỹ Chi cũng là quay lưng lại với bản sắc, với truyền thống, cũng có nghĩa là với khán giả.

Cô bé 10 tuổi đã hát Quê em mùa nước lũ- âm hưởng đặc sệt dân ca (Nam Bộ), chẳng hề nhí nhảnh, lí lắc mà ngược lại. So với những phong cách “nhờ nhờ” Tây ta lẫn lộn, đúng là dòng dân ca vẫn có sức ảnh hưởng tuyệt đối với tuyệt đại đa số khán giả.

Chi đang nhận rất nhiều ủng hộ của khán giả thể hiện qua bình luận trên Facebook, YouTube... Có người không giấu mong muốn Chi trở thành quán quân GHV Nhí mùa đầu tiên.

Cô ruột của Chi vì bệnh không đi hát được chắc đã dồn cả tâm huyết vào cháu gái, để chúng ta có được một Mỹ Chi ngọt ngào đến thế. Thực ra trẻ em như tờ giấy trắng. Nếu sinh ra trong môi trường đậm chất dân ca, đương nhiên em sẽ yêu và hát được dân ca.

Cũng như thế nếu em sinh ra trong môi trường nói tiếng Anh, giữa những người mê nhạc Mỹ... Cũng không loại trừ là rồi thì nhiều em sẽ hát được cả hai.

Vì thế cũng không nên vội mừng khi các em hát tiếng Anh chuẩn quá, hay cũng không đến nỗi quá lo lắng khi quá ít em chọn dân ca để thể hiện. Theo quy luật, cái gì hiếm sẽ càng trở nên quý. Huống hồ bản sắc dân tộc lại là cái quý giá thật!

Sau GHV Nhí, rất có thể chúng ta sẽ có ngay những ngôi sao chưa tới tuổi vị thành niên. Một trong số đó là Mai Xuân Bách 14 tuổi ở Phan Rang. Không chậm trễ, cả 3 HLV đều lao lên sân khấu vây quanh Bách. Các anh chị trổ hết tài hùng biện, cậu bé tỏ vẻ vẫn bình thản. Bách hát đến độ nghệ sĩ, hoàn toàn thu phục khán giả người lớn. Nhưng không có nghĩa là khán giả người lớn không đánh giá cao các giọng ca nhí còn run rẩy, lúng túng quên lời, như Phương Mỹ Chi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.