‘Nghi lễ mùa xuân’: Vở balê trăm tuổi mà vẫn mới

‘Nghi lễ mùa xuân’: Vở balê trăm tuổi mà vẫn mới
TPO - ‘‘Nghi lễ mùa xuân’’ là vở ba lê được dựng trên phần nhạc của nhà soạn nhạc thiên tài Igor Stravinsky với phần biên đạo của Nijinski cho đoàn balê Nga huyền thoại của Diaghilev.

Được công diễn lần đầu năm 1913 tại nhà hát Champs-Élysées (Paris) và bị giới phê bình chỉ trích, nhưng sức mạnh cách tân của vở múa đã chiến thắng tất cả và Nghi lễ mùa xuân đã trở thành vở ba lê nổi tiếng đi suốt thế kỷ 20. Khán giả Tp Hồ Chí Minh sẽ có dịp thưởng thức vở múa này ngày 27/6 tại Nhà hát Bến Thành. Ngày 29/6 vở diễn sẽ được trình diễn tại Nhà Hát Tuổi Trẻ, Hà Nội.

Với nhiều biên đạo trên thế giới, có được 1 phiên bản của Nghi lễ mùa xuân luôn là một sự thách thức và sự cám dỗ lớn lao. Có cả trăm phiên bản của vở múa này trong đó phải kể đến các tên tuổi như Pina Bausch, Paul Taylor, Martha Graham, Jorge Lefebre hay Marie Chouinard, Régis Obadia,... và gần đây nhất là Jean-Claude Gallotta đều đã thử sức với tác phẩm này.

Mỗi lần công diễn là một lần giới phê bình dậy sóng bởi phần nhạc mang tính cách tân đến mức chính tác giả Igor Stravinsky phải nhận định là ‘‘không thể múa được’’.

Ông đã đưa một loạt các nghi lễ cổ xưa của người Nga vào âm nhạc của mình và ở đây là nghi lễ hiến tế mùa xuân: một thiếu nữ bị các bô lão kết tội phải nhảy múa đến chết. Nội dung vở múa nguyên bản được chia làm hai phần: "L'Adoration de la terre - Sự tôn thờ trái đất" và "Le Sacrifice - Sự hiến tế". Lần này, biên đạo Gallotta đã đưa ra một cách ‘‘đọc’’ mới tác phẩm này.

Phần một và hai của vở diễn là những màn múa tập thể rồi solo không có nhạc. Như một khoảng lặng trước khi cơn bão âm nhạc của Stravinsky tràn về. Biên đạo Gallotta ‘’thôi miên’’ khán giả trong phần một và hai với câu chuyện của ngôn ngữ cơ thể thuần khiết, của hình khối, chuyện động, hơi thở và sự im lặng.

Phần ba của vở diễn là bốn mươi phút phiên bản Nghi lễ mùa xuân theo cách ‘‘nhìn’’ của ông.

Đây là vở diễn đã thu hút sự chú ý của giới chuyên môn và báo giới Pháp từ năm 2011, thời điểm ra đời của vở diễn, đến các chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của biên đạo Galllotta nhân dịp này.

Với một ý tưởng được hình thành từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường và ‘‘nhìn ngắm’’ những hình ảnh, cảm xúc mà âm nhạc của Stravinsky vĩ đại ‘‘vẽ nên’’, Jean-Claude Gallotta đã mê mẩn phần nhạc của tác phẩm này.

Ông tâm sự trong một cuộc phỏng vấn: ‘‘tôi lập tức bị cuốn hút bởi điệu nhạc khi đó còn lạ lẫm với tôi, mở ra trước mắt tôi những vùng mà tôi vẫn tưởng là nơi cấm, sự gợi cảm, những cơ thể quay cuồng, những xúc cảm không thể diễn đạt, những hơi thở dồn dập’’.

Hàng chục năm sau, nghệ sỹ múa tập sự ngày nào đã trở thành một trong những biên đạo tài năng nhất nước Pháp, giám đốc trung tâm múa đương đại thành phố Grenoble (CH Pháp) đã dàn dựng vở múa mà biên đạo múa kì cựu George Balanchine, người đã dựng tới 20 vở ba lê với Stravinsky, đã đánh giá là ‘‘không thể múa được’’.

Biên đạo Jean-Claude Gallotta đã biên đạo hơn 60 vở múa được trình diễn trên khắp thế giới, trong đó đáng chú ý có các vở Ulysse, Mammame, Bác sĩ Labus, Presque Don Quichotte, Những giọt nước mắt của Marco Polo, 99 duos, Ba thế hệ, Cher Ulysse…

Ông cũng dàn dựng nhiều vở cho các nhà hát danh tiếng của Pháp như Nhà hát vũ kịch Lyon và Nhà hát vũ kịch .

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.