'Bội thực' tiếng hát truyền hình

'Bội thực' tiếng hát truyền hình
TP - Những cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc đang nở rộ trên sóng truyền hình khiến khán giả “bội thực”. Hội chứng bội thực này đã tạo sức ép không đáng có giữa các cuộc thi và dần dà nảy sinh những “thảm họa”.

> The Voice: HLV 'diễn' nhiều hơn cả thí sinh
> Giọng hát Việt 2013: 'Nữ hoàng chiêu trò' Hồng Nhung

Người người thi hát

Chỉ tính riêng các kênh sóng của Đài Truyền hình VN, hiện có hơn chục cuộc thi ca hát trên truyền hình. Bên cạnh cuộc thi Sao Mai, Sao Mai Điểm Hẹn hai năm tổ chức một lần còn có nhiều sân chơi ca nhạc khác như Đồ Rê Mí, Việt Nam Idol, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Cặp đôi hoàn hảo, Hợp ca tranh tài… Bên cạnh đó, các Đài Truyền hình địa phương cũng có nhiều cuộc thi ca hát như Đài Truyền hình TP.HCM với: Tiếng ca học đường, Ngôi nhà âm nhạc, LH tiếng hát măng non, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Chuông vàng vọng cổ truyền hình… hay Đài Phát thanh- truyền hình Hà Nội với cuộc thi Giọng hát hay Đài PTTH Hà Nội (gần đây đổi thành LH Tiếng hát mùa thu). Nhiều chương trình kéo dài hàng tháng trời với hàng chục liveshow được truyền hình trực tiếp như Sao Mai, Sao Mai Điểm Hẹn, Việt Nam Idol… ít nhiều làm khiến khán giả cảm thấy “bội thực”.

Dương Hoàng Yến từng tham gia Sao Mai điểm hẹn 2008 và Giọng hát Việt 2013
Dương Hoàng Yến từng tham gia Sao Mai điểm hẹn 2008 và Giọng hát Việt 2013.

Đó là chưa nói, các cuộc thi ca hát truyền hình không chỉ hướng tới đối tượng thí sinh trẻ tuổi với mục đích tìm kiếm tài năng âm nhạc mà có các sân chơi dành cho mọi lứa tuổi. Nở rộ nhất đương nhiên vẫn là các cuộc thi dành cho những người trẻ. Những thiếu niên và nhi đồng mê ca hát cũng có nhiều sân chơi để thi thố khả năng với Đồ rê mí, Giọng hát Việt nhí, Liên hoan tiếng hát măng non… Người cao tuổi có thể đăng ký thi hát với Tiếng hát mãi xanh… hay những nghệ sĩ tay ngang cũng thử sức ca hát với Cặp đôi hoàn hảo… Nói không quá là mở ti vi ra là thấy các cuộc thi ca hát. Người người thi hát, ngành ngành thi hát cứ cảm tưởng như cả nước như đua nhau thi hát trên truyền hình.

Cảm giác bội thực thi hát trên truyền hình còn khiến khán giả mệt mỏi. Bởi nhiều cuộc thi hát không chỉ được truyền hình vài tiếng đồng hồ liên tục mà còn được phát sóng hết tháng này sang tháng khác như Sao mai, Sao mai điểm hẹn, Việt Nam Idol, Giọng hát Việt… Sức hấp dẫn của các cuộc thi hát cũng vì thế mà vơi giảm khi hết cuộc thi này lại đến cuộc thi khác được tổ chức.

Thậm chí có những thời điểm nhiều cuộc thi ca hát cùng song hành lên sóng như hiện nay khi hai chương trình ca nhạc dành cho khán giả nhí là Đồ rê mí và Giọng hát Việt nhí cùng lên sóng, hay khi chương trình Giọng hát Việt đang gay cấn với vòng Đối đầu thì Sao Mai 2013 lại bắt đầu lên sóng…

Lộ diện những “thảm họa”

Những “dấu lặng buồn” hay thậm chí là những scandal, “thảm họa” âm nhạc bắt đầu lộ diện ngày càng nhiều trong các cuộc thi hát trên truyền hình.

Đơn cử sức ép buộc phải thay đổi như LH tiếng hát truyền hình toàn quốc Giải Sao Mai. Bắt đầu được tổ chức từ năm 1997, là một trong những cuộc thi ca hát trên truyền hình thuộc diện lâu năm và uy tín nhưng trước sự nở rộ của các cuộc thi hát trên truyền hình nói riêng và sự ra đời của nhiều chương trình giải trí khác trên các kênh sóng VTV ít nhiều đã buộc Sao Mai 2013 phải thay đổi.

Trước hết là lịch phát sóng, thay cho “sân nhà” quen thuộc là VTV3, Sao Mai 2013 buộc phải dời sang trình chiếu trên sóng VTV1 vì các cuộc thi hát trên VTV3 giờ đã kín sóng.

Năm nay, lần đầu tiên cuộc thi được mở rộng quy mô tổ chức tại khu vực châu Âu để tạo ra sức hút mới, nhân tố mới. Bởi lẽ, nhìn lại cuộc thi gần đây, những quán quân Sao Mai như Thúy Trang, Tố Loan, Nguyệt Anh của năm 2011... chưa thực sự thuyết phục giới chuyên môn và khán giả, hay có thể nói là thua kém xa những “đỉnh” của Sao Mai trước đây như Trọng Tấn, Anh Thơ...

Thí sinh nhí Cao Khánh quá sức với bài hát của người lớn. Nguồn: VTV
Thí sinh nhí Cao Khánh quá sức với bài hát của người lớn. Nguồn: VTV.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh về sức hút thí sinh lẫn sức hấp dẫn với khán giả giữa các chương trình cũng đã có những “dấu lặng buồn”. Ngay trong lần đầu tiên trình làng vào năm 2012, Giọng hát Việt 2012 đã gắn liền với nhiều scandal như nghi án dàn xếp kết quả hay Việt Nam Idol có scandal thí sinh cài máy ghi âm chửi bậy, tố nhau… Lẽ dĩ nhiên, sự ra đời của nhiều cuộc thi hát trên truyền hình cũng đem đến cho các bạn trẻ nhiều cơ hội thi thố nhưng sự trùng lặp các thí sinh khiến cho các cuộc thi hát kém phần hấp dẫn.

Chương trình Giọng hát Việt nhí cũng có một “thảm họa” nữa khi thí sinh Hữu Đại trước sức ép của thi hát trên truyền hình, do không nhớ lời, thể hiện không đạt ý tưởng của HLV đã bật khóc trên sân khấu.

Thậm chí, các cuộc thi hát đã và đang trở thành nơi để các ca sĩ trẻ đánh bóng tên tuổi của mình bằng việc tham gia hết cuộc thi này đến cuộc thi khác.

Như ca sĩ trẻ Hà Linh, vốn đã từng lên đỉnh thi hát trên truyền hình với quán quân Sao Mai 2009 nhưng không có nhiều dự án âm nhạc có tính cống hiến mà chỉ thực sự được khán giả nhớ đến khi lần lượt tham gia các cuộc thi hát như Sao Mai Điểm Hẹn 2010, Giọng hát Việt 2013. Hay Hoàng Yến sau Sao Mai Điểm Hẹn không mấy ấn tượng lại tiếp tục tham gia Giọng hát Việt 2013 và ít nhiều đã tạo sức hấp dẫn trong làng showbiz…

Đáng lo hơn, “thảm họa” âm nhạc đã dần lộ diện một cách đáng tiếc trong các cuộc thi hát được phát sóng cho hàng triệu khán giả xem truyền hình.

Trong chương trình Giọng hát Việt nhí diễn ra vào đúng dịp Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, thí sinh nhí Cao Khánh thực sự bị quá sức khi thể hiện ca khúc Vết chân tròn trên cát.

Đã đành bài hát này có ý nghĩa trong dịp chương trình lên sóng, nhưng rõ ràng đây không phải là ca khúc dành cho thiếu nhi nên không chỉ âm vực của Cao Khánh chẳng theo được với tầm bài hát mà đến lời bài hát cậu bé cũng hát sai. Nguy hại hơn, các HLV của chương trình vẫn “ca ngợi” hết lời tiết mục của Cao Khánh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG