Bên kia Bức Tường là... gạch vụn?

Bên kia Bức Tường là... gạch vụn?
TP - Để xây lên bức tường tử tế cần nhiều viên gạch tốt. Còn những gạch vụn rơi vãi thì để vào đâu? Có vẻ như rocker Trần Lập đưa chúng vào một cuốn hồi ký mà theo anh có thể giúp ích cho thế hệ đi sau.

> Giọng hát Việt: Trần Lập nói ít vẫn chán
> Thu Minh làm khán giả chán ngán

Những dòng đầu tiên làm nên hồi ký Bên kia Bức Tường được tác giả Trần Lập đặt bút từ 18 năm trước, đưa lên trang web của ban nhạc. Đó chính là căn cứ để nhà sách Nhã Nam tìm đến đặt rocker hàng đầu Việt Nam làm một cuốn hồi ký.

“Phía bên kia của thành công là sự bất thành. Cuốn hồi ký này hy vọng sẽ có ích cho ai đó đang nuôi ước mơ, khát vọng,” thủ lĩnh Bức Tường tâm sự trong buổi giao lưu ra mắt sách.

Phần đầu sách viết về thời niên thiếu, giai đoạn làm ca sĩ sàn nhảy, âm thầm kiếm thành viên cho nhóm nhạc The Wall... đúng là hồi ký thật, đọc khá hấp dẫn. Hồi nhỏ Trần Lập thường xuyên bị nhốt ở nhà. Do quá sợ ma nên anh hát suốt ngày. Vì thế mà chị ruột tiên đoán sau này Lập sẽ thành ca sĩ.

Trần Lập trông thế mà từng một tay nội trợ vừa đi học vừa nuôi bố mẹ già yếu khi anh chị đều ở xa... Hình ảnh Trần Lập khi đó tiêu biểu cho một lớp thanh niên nghèo thành thị thời bao cấp nuôi khát vọng, vượt lên hoàn cảnh.

Phần lớn mọi người biết đến Trần Lập khi anh đã nổi tiếng với ban nhạc Bức Tường. Rồi tùy gu âm nhạc mà người ta sẽ có yêu thích anh hoặc không. Nhưng với những trang viết khá sinh động về thời tiền Bức Tường, anh sẽ lấy được nhiều cảm tình của độc giả nhiều giới hơn.

 “Sách là cái gì lớn lao, phải đảm bảo nói sự thật. Vì vậy tôi có lời xin lỗi với những ai được nhắc đến trong sách nếu họ có gì đó không hài lòng. Hy vọng mọi người hiểu được sự chân thành mà tôi chia sẻ”.  

Trần Lập dành nhiều dòng để nói về sự sa sút của Rockstorm (trước đây)- là lý do khiến anh bỏ không làm đạo diễn cho chương trình này nữa dù là một trong những người sáng lập. Anh cũng phân tích hạn chế “muôn thuở” của các rocker Việt Nam- không chuyên nghiệp, không chịu hy sinh các công việc khác nhưng vẫn thích nhận show và được khán giả thừa nhận.

Có thể thấy được cái lợi của việc viết hồi ký qua trường hợp Trần Lập. Vì anh có thể tự “bảo vệ” và chỉ chia sẻ những gì anh muốn chứ không phải là những gì bạn đọc tò mò hay trông đợi. Có lẽ theo quan niệm của anh thì những gì không thể nói thật thì tốt nhất là không nói.

Tại những buổi diễn đầu tiên, Trần Lập thường xuyên bị các thành viên khác bỏ đói bằng cách bắt ngồi trông nhạc cụ để họ đi ăn với bạn gái. Anh chỉ được giúi cho mẩu bánh mì ngay trước giờ lên sân khấu hát hơn chục bài, đến nỗi có lần ngã ngất tại sân khấu...

Tàn cuộc, các bạn lại lấy cớ đưa bạn gái về mặc cho Lập ở lại dọn dẹp chiến trường. Ấm ức đó giờ Trần Lập mới nói ra. Tiếp theo, anh mang hoa được tặng trong buổi diễn về cho cô hàng xóm- nhân vật trong bài Bông hồng thủy tinh về sau trở thành bà xã của anh. Đó là tất cả những gì bạn đọc có thể biết được về đời sống tình ái của Trần Lập.

Dường như không còn gì nhiều để chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề (chuyện tình thì tuyệt nhiên không rồi), phần sau của sách xoay sang viết về những thú chơi: Phượt, xe máy phân khối lớn, xăm mình...

Trần Lập cũng chia sẻ khá thẳng thắn về các loại chất kích thích, tuy nhiên sau đó anh viết: “Tôi chỉ biết sơ sơ nhưng đủ để khẳng định giới rock ở Việt Nam không sa đọa chơi bời như đã bị thành kiến. Có chăng cũng chỉ một số nhỏ mà thôi”. Ngoài vài đoạn có vẻ hấp dẫn kiểu đó thì phần thú chơi có vẻ hơi chuyên môn sâu, e khó làm độc giả đại trà quan tâm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG