Núi thần, Thomas Mann và Ngô Bảo Châu

Núi thần, Thomas Mann và Ngô Bảo Châu
TP - Tôi từng hỏi GS Ngô Bảo Châu, anh thích nhất nhà văn nào. GS nghĩ ngợi một chút và nêu tên Thomas Mann. Đến khi Núi thần ra mắt, hỏi có phải cuốn của Mann mà anh thích nhất không, GS bảo đúng rồi.

> GS Ngô Bảo Châu muốn làm nghề bán sách
> GS Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn được tài trợ 1 triệu USD

Trong Rừng Nauy của Haruki Murakami, khi lên thăm người tình tại một khu nghỉ dưỡng, nhân vật chính Toru đã mang theo một cuốn sách, chính là Núi thần (được Trịnh Lữ dịch là Núi thiêng). Điều trùng hợp là trong Núi thần, nhân vật chính Hans cũng lên thăm anh họ tại một khu nghỉ dưỡng.

Cả hai khu nghỉ dưỡng trong hai cuốn sách đều tách biệt với thế gian và đều nằm ở vùng núi. Đều là bối cảnh của những câu chuyện tình (Rừng Nauy thì tình yêu đậm đặc hơn). Đến mùa đông khi tuyết phủ kín, cả 2 nơi đều “đẹp đến mê hồn”.

“Đều” một lần nữa: 2 tiểu thuyết đều kể về những người trẻ rời bỏ cuộc sống thường ngày ở đồng bằng để đi đến nơi họ có thể lắng mình suy tưởng. Tất nhiên, những điều họ suy tưởng có khác nhau.

Rừng Nauy được sáng tác sau Núi thần 63 năm. Không có gì ngạc nhiên, Murakami, người Nhật - tác gia đương đại - rất yêu thích và chịu ảnh hưởng từ nhiều tác gia đầu thế kỷ, trong đó có Thomas Mann, người Đức, Nobel Văn chương năm 1929. Nhân giới thiệu Núi thần, tôi kể ra một ví dụ để thấy các tác phẩm văn học lớn có sức ảnh hưởng lẫn nhau và các tác gia vĩ đại có khả năng đồng điệu bất chấp thời đại.

GS Ngô Bảo Châu trong buổi ra mắt Núi thần và 2 đầu sách khác trong bộ Cánh cửa mở rộng hôm 1/8
GS Ngô Bảo Châu trong buổi ra mắt Núi thần và 2 đầu sách khác trong bộ Cánh cửa mở rộng hôm 1/8.

 “Đối với Thomas Mann, việc viết Núi thần là một cực hình. Tôi tin rằng ai yêu Chết ở Venice cũng sẽ yêu Núi thần”.  

GS Ngô Bảo Châu

Núi thần với Murakami, một người cầm bút, thì là sự cộng hưởng văn chương như vậy, còn Ngô Bảo Châu, anh đến với Núi thần hoàn toàn từ tư cách người đọc. Và sau này là người giới thiệu: “Mỗi lần đọc tôi đều không thể bỏ sách xuống mà đọc liên tục trong 2, 3 ngày”. Và: “Tác phẩm không có những xung đột kịch tính mà chủ yếu là về tâm tưởng nhân vật, bối cảnh là một nhà điều dưỡng. Điều đó thể hiện thiên tài của Thomas Mann, với những chất liệu như vậy mà ông có thể viết nên một câu chuyện cuốn hút”.

Trái với cảm giác nặng nề mà những từ như “triết lý”, “tư tưởng” mang lại, đây là một tác phẩm bán chạy ở châu Âu. Chính xác là “tái bản hàng trăm lần trong vài năm” như chính tác giả Thomas Mann kể lại. Thực tế đó vừa thể hiện gu đọc đẳng cấp của người châu Âu vừa chứng tỏ tác phẩm không phải là khó đón nhận.

Núi thần là trường hợp đặc biệt trong bộ sách Cánh cửa mở rộng (do GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt giới thiệu, NXB Trẻ ấn hành), vì ngoài việc đây là tác phẩm “yêu thích nhất của nhà văn yêu thích nhất” của GS Châu, cuốn sách còn được chuyển ngữ bởi một chuyên gia về Thomas Mann khác- dịch giả Nguyễn Hồng Vân. Chị dịch từ tiếng Đức nguyên bản. Nguyễn Hồng Vân từng dịch tiểu thuyết ngắn Chết ở Venice cũng của Mann. Chết ở Venice là một trong những cuốn thành công nhất của Cánh cửa mở rộng cho đến nay.

Chính xác hơn, thì mới có một nửa cuốn Núi thần ra mắt độc giả Việt Nam đầu tháng 8, vì sách chia làm hai tập, đợt này ra tập 1 dày 670 trang. Tập 2 được NXB Trẻ dự kiến ra mắt năm sau.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG