Từ phim bạo lực đến trò chơi sinh tử

Từ phim bạo lực đến trò chơi sinh tử
TP - Trại hè ở Florida được lấy cảm hứng từ câu chuyện của Hunger games (Trò chơi sinh tử) gây nhiều tranh cãi ở Mỹ.

> Jennifer Lawrence tiết lộ tuổi thơ khó khăn
> ‘Nữ chính’ của Oscar bị tố đồng tính

“Thua cuộc nghĩa là chết”. Đây là khẩu hiệu ghi trên tấm biển của một cậu bé tại trại hè Hunger games, tổ chức ở Largo, bang Florida, lấy cảm hứng từ bộ ba cuốn sách nổi tiếng, nay đã được chuyển thể thành phim. Hunger games kể về 24 thanh niên đại diện 12 quận tham gia vòng đấu do chính phủ tổ chức. Ai tồn tại sẽ thắng.

Lisa Gartner, nhà báo của nhật báo địa phương Tampa Bay Times phát hiện sự tồn tại của trại hè này. Tuần qua, cô quan sát thấy 26 đứa trẻ 10-14 tuổi tham gia. Người ta ghi nhận sự nhanh nhẹn, tinh thần thể thao, tinh thần làm việc nhóm và lòng tự trọng. Tuy thế bọn trẻ cũng học bắn cung-một trong những vũ khí mà nhân vật chính Katniss Everdeen (Hunger games) dùng trong cuộc đấu.

Nhưng tinh thần hạ gục đối phương, thường sẽ là cái chết trong Hunger games thì sao? Tại trại hè, lá cờ buộc quanh người bọn trẻ là biểu tượng sự sống. Tuy nhiên, bài báo đăng trên tờ Tampa Bay Times chỉ ra rằng, bọn trẻ không ngừng sử dụng từ ngữ liên quan đến giết chóc.

Tớ không muốn giết bạn- Rylee 12 tuổi nói với cô bạn Julianna. Cô bé này trả lời: Tớ chắc chắn giết cậu đầu tiên. Có lẽ tớ sẽ đâm cậu. Sydney, 14 tuổi hỏi: Chúng ta phải làm gì? Bắt đầu sát hại nhau à? Cậu bé khác: Nếu phải chết, tớ thích trúng tên hơn.

Trước tình trạng bọn trẻ không thể tách bạch giữa thế giới chết chóc của sách vở và phim ảnh, nhà tổ chức tỏ ra bối rối. Họ quyết định sử dụng thuật ngữ “thu thập mạng sống” thay vì “giết chóc”, như một cách để làm dịu tình hình.

Khi sáng lập trại hè này, ông giám đốc kỳ vọng bọn trẻ hiểu ý nghĩa của trò chơi và cho rằng trại hè này không khuyến khích bạo lực. “Bọn trẻ có thể giả chết ở hầu hết các trò chơi. Khi chúng tranh luận và nói Tôi sẽ giết bạn, chúng không hiểu điều chúng nói. Cái chết ở lứa tuổi này không phải sự kết thúc”, Simon Boses, nhà liệu pháp tâm lý nói.

Tuy nhiên số người cảm thông như vị này không nhiều. Rất nhiều người cho rằng ý tưởng lập trại hè này là “không thể tưởng tượng nổi”. Rằng trò chơi có thể mang bọn trẻ đến gần bạo lực- điều chúng thấy trên phim hoặc đọc được từ sách. Có vẻ khó mà ngăn được bọn trẻ nói đến giết chóc, lại còn với giọng dửng dưng.

Câu chuyện về trại hè ở Florida lan tràn trên nhiều phương tiện truyền thông Mỹ. Gawker cho rằng ý tưởng này “điên rồ”, còn Vanity Fair đánh giá “đáng lo ngại”. Năm ngoái phim ra mắt, cũng vấp phải làn sóng phản đối vì cho rằng đạo diễn Gary Ross cố tình phân biệt chủng tộc khi biến hai nhân vật thành da đen.

Bộ ba tập sách Hunger games của nữ nhà văn Suzanne Collins chuyển thể thành phim, tập đầu ra mắt năm ngoái. Jennifer Lawrence vào vai chính Katniss. Phần phim này bị cấm chiếu ở Việt Nam vì hội đồng duyệt cho rằng: Người Mỹ xem phim có thể hiểu ai giỏi, ai gan dạ thì sống, nhưng với Việt Nam thì quá bạo lực, tàn nhẫn dù chỉ là trò chơi. Phần 2 dự kiến ra mắt 27/11 tới.

HẢI TRUNG KIM
Theo Figaro, Express

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG