Ai được như ông Nguyễn Ánh 9?

Ai được như ông Nguyễn Ánh 9?
TP - Một số nghệ sĩ, mỗi khi ra album lại lên báo lập ngôn để gây chú ý. Nhưng người lập ngôn ở đây là Nguyễn Ánh 9. Một nhạc sĩ tưởng như hiền lành, ở tuổi hưởng thú điền viên vẫn không thể câm nín trước thực trạng nhạc Việt.

> Á hậu người Việt ở châu Âu gây sốt tại Sao Mai 2013
> Chat với nữ sinh 'tài năng Việt' ở xứ sở Hoa anh đào

Một ông già ngoài 70 tuổi làm dậy sóng làng nhạc bằng những nhận định nhấn chìm những gì đang được gọi là đỉnh của nền ca nhạc nước nhà. “Ông hoàng nhạc Việt” được ông đánh giá là ca sĩ loại C, đáng hát lót ở phòng trà; “nữ hoàng nhạc nhẹ” một thời thì đóng kịch nhiều hơn hát, hát không có hồn bằng ca sĩ nghiệp dư... Ông là Nguyễn Ánh 9 và bài phỏng vấn thực hiện vào thời điểm ông đang cao hứng vì vừa được nhạc sĩ Đức Trí sản xuất cho chiếc đĩa than.

Thường trong giới, sự nể nang nhau được nêu cao. Thi thoảng mới có người sểnh miệng lộ ra một câu dìm hàng đồng nghiệp. Nhưng dìm quyết liệt, bài bản” như Nguyễn Ánh 9 là vô cùng hiếm. Hẳn là tuổi cổ lai hy không bị ràng buộc bởi các quan hệ nhì nhằng của thị trường mới tạo điều kiện cho ông lên tiếng.

Nguyễn Ánh 9
Nguyễn Ánh 9.

 Ca sĩ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc, make-up cho đẹp và lên sân khấu hát thì sau lưng có một đám múa. Nhưng ít chú trọng xúc cảm, không để tâm hồn vào bài hát. Có những giọng ca còn để tiếng đến bây giờ như Lệ Thu, Thanh Thúy, Thái Thanh… nhưng bây giờ ca sĩ giọng tốt đếm trên đầu ngón tay, đã vậy lại bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc 

Nguyễn Ánh 9, trích bài phỏng vấn

Bấy lâu nay làng nhạc Việt vẫn phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm. Tất cả đều thành công trở lên, đều là những ngôi sao, ông hoàng bà chúa trong sự tung hô của một bộ phận truyền thông đại chúng. Nền âm nhạc Việt Nam được gọi là chuyên nghiệp đấy nhưng không hề có một tạp chí chuyên về âm nhạc (dù chỉ là nhạc pop) đúng nghĩa, và hầu như không có bài phê bình mang tính chuyên môn. Các nhà phê bình âm nhạc có ăn học như thể đã quay lưng với âm nhạc, nhất là âm nhạc đại chúng.

Trong hoàn cảnh đó, khán giả tha hồ tự bơi từ chiến dịch lăng-xê này sang đến thương hiệu, nhãn mác tự gắn kia. Về phía nghệ sĩ, ai có khả năng định hướng, lèo lái dư luận thì sẽ thành công mà chẳng cần mài giũa chuyên môn. Vì có bộ phận nào thẩm định, phê bình đâu. Không chỉ khán giả, mà nghệ sĩ cũng bị bỏ mặc. Không ai “thèm” đánh giá họ về nghề. Họ hát kiểu gì, tạo ra cái gì cũng chẳng ai để ý phân tích. Dần dần, họ sẽ chết chìm về chuyên môn trong những lời khen, sự tung hô ảo của số đông không rành nhạc.

Điều đáng lo ngại là thế hệ kế tiếp cứ học theo công thức thành công của các ngôi sao đương thời mà đi tới. Cứ xem những cuộc thi hát nhan nhản trên truyền hình thì thấy các giọng ca to, lạm dụng kỹ thuật đang lấn át giọng ca hay, có tình. Không ít người ra sức bắt chước đàn anh đàn chị nhưng kỹ thuật chưa tới. Thế nhưng vẫn nhận được sự ưu ái từ người cầm cân nảy mực. Có thể những người chấm cũng thực tâm cho rằng thời buổi này phải hát như hét mới chinh phục được thị trường. Thử cắt nghĩa tình trạng này, thì một là giám khảo phớt lờ khán giả, hai nữa là chính tai họ bị hỏng.

Các cuộc thi ca nhạc cũng thiếu hụt ở bộ phận giám khảo. Vòng chung kết toàn quốc Sao Mai, BGK hầu như không xuất hiện. Cuối cùng “tự nhiên” có một kết quả từ trên trời rơi xuống quyết định thí sinh nào đi tiếp. Trong đêm chung kết Sao Mai nhạc nhẹ 24/8, giọng hát được khán giả đánh giá cao nhất (chiếm 1/3 lượng tin nhắn) đã bị BGK loại không thương tiếc!

Còn ở những cuộc kiểu Giọng hát Việt, giám khảo chỉ là một trong những vai mà các ngôi sao ca nhạc thể hiện. Họ còn phải huấn luyện, diễn xuất, giải trí cho đám đông... Và cũng chẳng mấy khi họ dẫn ra những lý lẽ thuyết phục về chuyên môn để lựa chọn thí sinh. Những lời khen có cánh được ban phát vô tội vạ để làm sang cho chương trình. Khán giả được chứng kiến cuộc thi thố của toàn ngôi sao!

Không loại trừ trường hợp người được đặt vào vị trí tuyển sao lại không có được cái tâm sáng, hoặc bị các thế lực bên ngoài chi phối. Nếu phải làm trái với chuyên môn, với lương tâm thì chắc rằng có đến tuổi 70 hoặc hơn nữa, họ cũng chẳng dám lên tiếng động chạm ai như ông Nguyễn Ánh 9.

Thanh Lam, Mỹ Linh giọng rất đẹp, cái gì cũng tốt nhưng đều bị vướng kỹ thuật nên nhiều lúc nhạc cảm không có, tâm hồn bài hát không có. Hồng Nhung hát tốt hơn Mỹ Linh, Mỹ Linh tốt hơn Thanh Lam. Nghe Thanh Lam hát Cô đơn của tôi, tôi buồn lắm! Nó không ra cái cô đơn, thua một ca sỹ nghiệp dư vì hát không có hồn dù giọng đẹp thiệt!

Hồng Nhung, Trần Thu Hà hát xong có để lại ấn tượng, còn Mỹ Tâm chỉ nghe vui mắt vui tai, nghe qua xong rồi thì thôi. Giọng Hồ Ngọc Hà yếu lắm, khều khào không à! Quang Dũng hát được vài bài của Trịnh Công Sơn chứ không phải tất cả. Bằng Kiều cũng giọng tốt nhưng sau này khoe giọng quá, cố hát lên cao vút để không ai bắt chước được. Đàm Vĩnh Hưng hát Ai đưa em về của tôi, tôi bảo Con đừng hát bài của bố nữa, tội nghiệp bố lắm…

(Trích nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trên VTC)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG