Đàm Vĩnh Hưng và vấn đề tâm lý

Đàm Vĩnh Hưng và vấn đề tâm lý
TP - Vụ việc Đàm Vĩnh Hưng nếu để chìm xuồng dần dần thì người chịu thiệt hơn có lẽ vẫn là ca sĩ. Vì thế cũng rất may cho... công chúng là Đàm Vĩnh Hưng đã tới để dàn hòa với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. May là vì từ đây mọi người sẽ không phải tốn thêm năng lượng và thời giờ để theo dõi và bàn tán về vụ việc, trong khi chờ đợi vụ tiếp theo của “giai thoại nhạc Việt”.

> Đàm Vĩnh Hưng rơi lệ, ôm chầm NS Nguyễn Ánh 9
> Nhiều nhạc sĩ lên tiếng về sự hỗn láo của Đàm Vĩnh Hưng

Theo một báo điện tử, chiều 29/8, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã xách lẵng hoa trắng đến tận nơi làm việc của Nguyễn Ánh 9 (một khách sạn lớn ở TPHCM) để ôm hôn và khóc trên vai ông.

Nếu Hưng từng tuyên bố sẽ không bao giờ hát nhạc Nguyễn Ánh 9 thì kết thúc cuộc trò chuyện, nhạc sĩ lại “hy vọng một ngày nào đó lại đứng chung sân khấu và biểu diễn một tiết mục cùng Hưng”- bài báo thuật lại. Đúng kiểu ngôi sao showbiz, cuộc thăm hỏi diễn ra công khai nơi đông người và được phóng viên ghi lại chi tiết từng khuôn hình.

Đàm Vĩnh Hưng có lẽ là một ca tâm lý thuộc dạng độc đáo của showbiz. Anh luôn xử sự theo lối “phản ứng nhanh”, ăn miếng trả miếng, không chịu nhịn nhường ai một li. Theo quy luật thông thường, cho thế nào thì sẽ nhận lại như thế. Cũng có thể cuộc đời đã tương đối khắc nghiệt đối với Hưng, dẫn đến hình thành nên một tính cách xù lông nhím như vậy.

Hãy hình dung một anh cắt tóc ở Đà Nẵng sau một thời gian không dài không ngắn đã trở thành một nhân vật như bây giờ. Tất nhiên “ông hoàng nhạc Việt” cũng chỉ là một loại “ngụy danh” không có gì làm căn cứ. Nhưng qua đó có thể thấy Đàm Vĩnh Hưng đã phải bươn chải như thế nào để có được vị trí hôm nay. Con người đã được trui rèn từ cuộc sống gian nan.

Thử trích một câu trong một bài Đàm Vĩnh Hưng trả lời phỏng vấn giữa năm 2011: “Tôi từng ra chiếu chỉ cho chính mình: Vào nhà tôi, nếu ai chê chỗ nào, tôi đập ngay chỗ đó. Tôi chăm chút từng viên đá, cọng cỏ, bức tranh, ngọn đèn, màu sắc tổng thể toàn bộ căn nhà, tôi tuyên bố thế để đề ra cho ngôi nhà của tôi phải thật hoàn hảo. Hồi trẻ, mẹ con tôi từng bị đuổi khỏi nhà rất nhiều lần, cay đắng lắm, muốn rửa hận lắm chứ. Tôi mua cái nhà to oạch, đẹp nhất để những người xua đuổi tôi ngày xưa phải dấy lên chút ăn năn, xấu hổ với mẹ con tôi”.

Không chỉ kể lại quá khứ đau buồn, trong lời nói trên còn thể hiện một đặc tính khác của Đàm Vĩnh Hưng: Thích lối nói phóng đại, ngoa dụ mà dân gian gọi là “nổ”.

Anh luôn sính những cách miêu tả hào nhoáng, hoàng gia, có phần siêu thực về bản thân. Như ở trên anh dùng từ “chiếu chỉ”, đủ chứng tỏ anh tự coi mình là ai. Một trong những cách Đàm Vĩnh Hưng dùng để bù đắp thiệt thòi của bản thân trong quá khứ là chăm sóc cho nơi ở. Đó có thể coi là hạ sách vì nó không giải quyết được tận gốc nỗi “hận” của anh.

Con người vẫn mang trong mình những ẩn ức từ quá khứ, thì khó có thể hòa hoãn với hiện tại. Điều đó lý giải vì sao Đàm Vĩnh Hưng luôn giương cao vũ khí tự vệ dù chỉ bằng lời nói. Anh sợ sẽ phải thêm một (vài) lần tổn thương như đã từng trong quá khứ. Nhưng anh càng sợ, thì hình như người ta lại càng dọa anh - không chỉ bằng bình xịt hơi cay. Một ca sĩ hàng đầu về lượng người nghe nhưng vẫn không được hoàn toàn công nhận, thậm chí bị chê bai hết lời.

Bàn về cách hát, Đàm Vĩnh Hưng được công nhận có chất giọng hay, thuộc hàng lạ lúc mới xuất hiện. Đó là điều tiên quyết để anh ghi dấu ấn đầu tiên trong thính giả. Nhưng khi anh bắt đầu “thể nghiệm” nhiều dòng nhạc khác nhau, và cũng mạnh dạn tìm tòi để hát theo một kiểu cách khác, thì khán giả của anh bắt đầu có sự phân hóa.

Có người đang thích không thích nữa, hoặc đã ghét lại càng thêm ghét. Nhưng dù Đàm Vĩnh Hưng có hát như thế nào thì đó vẫn được coi là sự sáng tạo của riêng anh, ai thích thì nghe, không thích thì thôi. Ngay trong cách hát thiên về gằn, nghiến của anh cũng thể hiện một sự giằng xé về nội tâm nào đó.

Cách hát sẽ phản ảnh cả tính cách và diễn biến tâm lý của người hát. Khi anh mới vào nghề, còn trong sáng, anh thường hát hiền hòa nhẹ nhõm và khán giả yêu thích anh. Khi anh dấn sâu vào những hệ lụy của nghề, anh hát thường kịch tính, phá phách, dễ dẫn đến loạn chiêu.

Đàm Vĩnh Hưng cũng từng dính khá nhiều scandal đình đám mà gần đây nhất phải kể vụ “hôn sư” ảnh hưởng tai hại đến hình ảnh và công việc làm ăn của anh. Vụ này xảy ra trong thời điểm Hưng đang làm HLV The Voice và cũng kết thúc bằng lời xin lỗi của anh. Rồi động thái xin lỗi Nguyễn Ánh 9 khi The Voice đang vào hồi gay cấn.

Dù sao thì đang đường đường là một “phán quan” trong cuộc thi có tính giải trí cao, anh sẽ phải có những ràng buộc trong việc giữ gìn hình ảnh của bản thân. Nếu khán giả nào trót vì Đàm Vĩnh Hưng mà ghét lây The Voice thì biết đâu giờ lại quay lại. Và như thế tỷ lệ người xem chương trình vẫn được đảm bảo.

Bên cạnh hình ảnh được xây dựng là hình ảnh công chúng hình dung về ngôi sao và hình ảnh gần với con người của ngôi sao, hình ảnh khóc trên vai người chê mình có lẽ ít mang tính “xây dựng”, gần với con người của sao và cũng được công chúng mong chờ. Dù cho thế nào cũng mừng cho người đã khóc được, qua đó tâm lý ngôi sao cũng được giải tỏa phần nào.

Đàm Vĩnh Hưng có lẽ là ca sĩ nhận được nhiều lời chê về chuyên môn từ đồng nghiệp nhất. Đếm sơ sơ thì Quốc Trung, Thanh Lam, Bảo Yến... Gần đây nhất và cũng nặng đô nhất là Nguyễn Ánh 9. “Cuộc đời” vẫn còn khắt khe với Hưng hay sao đó.

Đàm Vĩnh Hưng từng nói: “Tôi muốn trở thành huyền thoại của âm nhạc Việt Nam”. Điều đó bao giờ xảy ra thì chưa biết, nhưng “giai thoại” của ngành giải trí thì có lẽ anh đã xác lập.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG