Nước dưới chân cầu

Nước dưới chân cầu
TP - Che mưa che nắng qua ngày qua đêm, gọi là nhà. Biệt thự bê tông cốt thép hay lều tranh vách nứa cũng nhà. Dưới gầm cầu, vá víu mấy tấm nylon vây quanh trên một tấm phao tự chế, cột dây vào trụ cầu lỡ ngủ quên khỏi trôi ra cửa biển cũng là nhà.

> Tiếp điểm cuối cùng
> Lòng Sông

Minh họa: Nguyễn Văn hổ
Minh họa: Nguyễn Văn hổ.

Ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu. Ông trời chưa mọc đã xách bị gậy đi miết, đến tối mịt mới mò về nằm. Chẳng tốn kém điện nước thuế má gì hết, đêm đêm còn được dập dềnh trên sóng nước ì oạch, nghe bên trên xe cộ re ré rè rè qua lại. Đâu phải dễ kiếm được chỗ này, tao phải tranh giành vật lộn với đám du thủ du thực mấy trận trầy vi tróc vẩy mới được chứ tưởng bở hả?

Lão Gằn đã ngà ngà say. Say là phải nói. Chẳng biết nói gì thì ca đi ca lại bài ca con cá. Thứ rượu đế mấy ngàn một xị, nghe đâu chỉ có nước lã pha cồn Tàu, mà có chết thằng Tây nào đâu. Ngày nào lão cũng uống. Tội gì không uống, nay mai chưa biết đi gặp Lưu Linh lúc nào. Trên vệ đường kế chân cầu là quán bà Mập. Ngày nào khấm khá thì gọi tô xí quách nước lèo húp cho mát cuống họng. Bèo nhất thì gói đậu phộng cũng xong.

Lão uống tới khi hai đứa nhỏ về. Thằng Lọ chừng mười hai tuổi, tiếng bắt đầu vỡ, mặt trổ lang ben như trẻ nít tô màu. Con Lem nhỏ hơn, tóc cột hai bên như hai cái sừng, nắng cháy xem xém. Tụi nó gọi lão Gằn bằng ông, xưng tui. Chẳng ai biết ba cái thân tàn ma dại này máu mủ ruột rà ra sao.

Mấy năm trước, lão Gằn dắt hai đứa nhỏ đến đây, tay xách nách mang nào giỏ nào chiếu, bạ đâu nằm đấy. Chính quyền đuổi trên đường, lão tuột xuống gầm cầu, lén lén lút lút vác đâu được một tấm xốp, dăm vỏ can nhựa của mấy chiếc sà lan chở cát trên sông bỏ đi, dựng được cái “nhà” này. Muốn đặt chân vào nhà, phải bơi chục sải tay. Ba người thay phiên nhau bơi. Bữa nào lão Gằn say quá bơi không nổi thì con Lem qua trước, ném dây cho thằng Lọ đứng trên bờ kéo, dìu lão Gằn qua.

Chẳng vướng víu gì ai, người cùng khổ thương nhau, cư dân chân cầu như bà Mập đẩy xe hủ tiếu gõ bán đồ nhậu lai rai, gã Tong xích lô đường là nhà xe cũng là nhà, ông Già vá xe đêm đêm tá túc dưới tấm bạt của bà Mập mặc nhiên coi “hộ” lão Gằn là hàng xóm mới. Cũng đã mấy mùa mưa nắng trải qua thành phố này.

Ông say rồi thì ngủ đi. Cả ngày đi xin chưa mỏi miệng hả? Thằng Lọ lầm bầm. Để yên cho người ta nghe đài. Vừa nói nó vừa vặn âm thanh cái radio nhỏ bằng bàn tay lớn hơn. Tiếng rè rè nhộn nhạo phát ra.

Bày đặt. Ve chai móc bọc mà báo với đài, nhạc với nhẽo. Lão Gằn gằn giọng. Còn con kia, hôm nay buôn bán ra sao?

Con Lem nãy giờ nằm im thin thít, nghe gọi, giật nảy mình lên. Thút thít. Mất sạch rồi.

Sao mà mất? Lão Gằn quát. Thằng Lọ tắt đài, bật dậy.

Mấy thằng mất dạy làm bộ đổi số trúng, thình lình giật cả xấp vé số lẫn bóp tiền rú ga chạy mất tiêu… Con Lem nức nở. Ngọn đèn xoay vòng trên nóc tòa nhà chung cư cao cấp bên kia sông vừa lia tới. Nó dụi mắt. Đêm nay rằm. Nó yêu chỗ ở tạm bợ này chỉ vì nơi này có hai mặt trăng một thật một giả mà thôi.

Bốp. Một cái tát nảy đom đóm, con Lem né không kịp. Cái phao dềnh qua dềnh lại. Nó chúi xuống. Còn kịp thấy ánh vàng rộm dưới sông tối sầm đi. Khốn nạn. Tao dặn bao nhiêu lần rồi. Có mấy đồng bạc làm vốn mà mất toi thì mai bốc đất ăn. Lão Gằn giơ tay kia lên, toan giáng xuống đầu con Lem cái nữa thì bị thằng Lọ chụp gọn.

Bị người ta ăn cướp chứ ai mà muốn! Thôi đi. Có giỏi thì ông đánh tui nè. Bàn tay khẳng khiu mà mạnh mẽ của thằng Lọ bóp chặt cổ tay lão Gằn. Lão rên lên. Trời ơi là trời. Mày muốn giết tao hả? Tao ngửa tay ăn mày ăn xin đầu đường xó chợ nuôi tụi mày tới giờ để thế này sao? Ăn cháo đá bát.

Lão Gằn sướt mướt. Không biết nước mắt hay mồ hôi lão đang rịn ra, chảy dài xuống khuôn mặt xương xẩu. Nước mắt hay mồ hôi của kẻ nghiện rượu đều có cùng một mùi. Hăng hăng. Hắc hắc.

Thằng Lọ buông tay ra, ngồi xen giữa lão Gằn và con Lem để đề phòng. Ông mà còn đụng tới nó thì đừng trách tui. Bị người ta khinh bỉ suốt đời rồi ông trút hận lên anh em tui hả? Quên đi.

Gió sông thổi dọc. Một chiếc sà lan nặng trĩu tạt sóng chầm chậm trôi qua. Cả lão Gằn, thằng Lọ và con Lem cùng bật dậy, tay ghì chặt mấy sợi dây thừng giữ cho cái phao khỏi lật.

Mẹ kiếp. Khổ hơn chó. Lão Gằn mím môi khi chiếc sà lan đã xa xa.

Chó mà biết uống rượu say thì khổ nỗi gì? Thằng Lọ cười ha há. Con Lem cũng quệt nước mắt hinh hích cười theo. Cầu cho đêm nay không còn chiếc nào ngang qua đây nữa. Cát đâu mà họ hút mãi không hết vậy kìa?

Tổ cha bây. Nghe ba cái báo đài riết mà không biết gì. Chỉ được cái trả treo là giỏi. Người chết thành cát. Chó chết cũng thành cát. Vàng bạc xe cộ sang hèn gì trước sau cũng thành cát. Thì làm sao mà hết. Thôi, trùm mền ngủ đi. Coi chừng muỗi tha mất xác. Mai tao với thằng Lọ gom tiền cho con Lem lấy vé số bán. Không đủ thì hỏi mượn bà Mập. Ở không hư người! Lão Gằn cũng cười, hai gò má hóp đựng đầy ánh trăng. Mờ tỏ. Nhăn nheo.

Chỉ một chốc, tiếng ngáy ư hừ như kéo đàn của lão Gằn cùng nhịp thở đều đều của thằng Lọ đã trỗi dậy, hòa vào tiếng sóng anh ách vỗ chân cầu. Con Lem tiếc đêm rằm, nằm ngửa, manh mền cũ đắp ngang mũi, thò mắt ra nhìn trời. Cây cầu bên trên như con rồng khổng lồ, trùi trũi rùng rình. Khuya lắc. Xe cộ vẫn ào ạt qua lại.

Đi đâu mà đi mãi vậy nhỉ? Một, hai, ba, bốn,… Năm lẻ một, năm lẻ hai,… Khi mới về đây ở, thằng Lọ cũng đếm. Nhưng rồi nó phát hiện ra rằng lỡ như một chiếc xe chạy qua chạy lại nhiều lần thì sao? Một người đi xe này về bằng xe kia thì sao? Không thể nào đếm chính xác số chiếc xe qua cầu mỗi đêm được, nên thôi không đếm nữa, chuyển qua nghe đài.

Con Lem thích nghe nhạc, nhưng làm biếng, vì có lần lão Gằn nói rằng muốn nghe nhạc phải biết suy tư, biết tại sao lúc trầm lúc bổng, khi chậm khi nhanh. Chừng nào biết yêu thì nghe nhạc mới thấy hay. Nhạc đã mù tịt, nói tới yêu lại càng mơ hồ hơn. Cách đây ít lâu, con Lem đang nằm sốt hầm hập không đi bán được thì gã Tong xích lô mò xuống.

Bàn tay nham nhám của gã luồn qua tấm mền, tìm đầu vú bằng hột đậu của con bé chớm dậy thì mà vò. Yêu là như vậy sao? Nhồn nhột. Ran rát. Chịu không nổi, con Lem vùng dậy. Cũng may lúc đó thằng Lọ có mặt kịp thời.

Nó lo con Lem đói lả nên mua hộp cơm đem về giữa trưa. Gã Tong nói tỉnh bơ: Tao lo cho nó nên mới xuống coi nóng lạnh ra sao… Ngoài hai người thân thuộc là lão Gằn và thằng Lọ, con Lem chưa hề nhớ được khuôn mặt nào quá một tuần. Có lần nó hỏi lão Gằn, ngày xưa ông với “bả” yêu nhau hả?

Bả nào? Mẹ mày à? Tao cũng không nhớ nổi.

Yêu mới đẻ ra tui chứ?

Tao cũng hỏi mẹ mày vậy đó. Bả có thèm nói đâu.

Còn tui thì sao? Thằng Lọ chen vào.

Nhức đầu quá. Tụi bây đi tìm bả mà hỏi. Tao không nhớ gì hết.

Thằng Lọ đoán mò: Tao với mày là con riêng của bả. Ông này chắc là hốt vỏ cho người ta.

Hốt vỏ là sao?

Khờ quá Lem ơi. Có nghĩa là thằng cha nào đó lấy bả đẻ ra tao với mày rồi quất ngựa truy phong, ông Gằn dính vô, phải chịu. Rồi bả cũng bỏ cả nhà, đi luôn.

Sao đi luôn? Ông Gằn không bỏ đi sao bả bỏ đi? Bả là mẹ tụi mình mà?

Nhức đầu quá. Đi tìm bả mà hỏi.

Thỉnh thoảng con Lem cũng nghĩ tới việc đi tìm. Nhưng biết người đàn bà đẻ ra mình đẹp xấu già trẻ tóc tai dài ngắn sao mà tìm. Những khuôn mặt người dưng nước lã ngày qua ngày trên đường chào mời rao bán vé số dán kín tâm trí nó. Quên bẵng. Chỉ những khi bị lão Gằn la mắng nó mới tủi thân nghĩ tới.

Trăng vành vạnh thả bóng giữa lòng sông. Ngọn đèn trên nóc tòa nhà chung cư xoay tới, sáng cả một vùng. Mai mốt, bên bờ sông, mấy tòa nhà nghe đâu cao hơn nữa sẽ mọc lên, lại có thêm nhiều ngọn đèn. Con Lem nhiu nhíu mắt thì bất chợt giật mình. Ùm. Một tiếng động mạnh trên mặt nước. Khuya khoắt đêm hôm ai còn vứt rác vậy ta? Con Lem chưa kịp định thần thì thêm một tiếng ùm nữa. Lần này nó thấy rõ một bóng người rơi xuống sông. Nó lay thằng Lọ. Dậy, dậy, mau. Có người nhảy cầu. Liền lúc đó, trên cầu, tiếng la hét, kêu cứu nhốn nháo, vang vang. Thằng Lọ tung mền, phóng xuống nước.

Khổ thân quá! Đã tới chốn bần cùng này mà cũng không được yên thân. Lão Gằn ngáp ngắn ngáp dài. Sao dạo này lắm kẻ tự tử vậy hả?

Ông tỉnh ngủ chưa? Cứu người ta với. Hai người nhảy cầu chứ không phải một.

Lão Gằn lầm bầm gì đó không rõ tiếng, rồi cũng chui ra khỏi mền, phóng xuống sông. Nước lạnh buốt. Lão nhắm hướng trụ cầu giữa bơi tới, có tiếng đập tay khua nước hổm hểnh ngoài đó. Cũng may nước êm, đêm rằm, sóng nhẹ. Trên cầu, nhiều ánh đèn lia xuống, xì xào. Thằng Lọ đã nắm được tóc một người, nó cố sức dìu vào, ngoẹo đầu chỉ hướng cho lão Gằn. Nhanh lên. Còn một người ngoài kia.

Đã cố chết, nhưng tới miệng tử thần thì lại vùng vẫy hòng thoát khỏi. Lão Gằn đã thấy kẻ phá bĩnh giấc ngủ của mình. Tóc dài như rong bập bềnh trong nước. Đàn bà. Cùng quẫn gì mà rủ nhau chết hả mụ? Uổng mấy xị rượu của lão uống cho dễ ngủ, bây giờ tỉnh bơ rồi. Đồ đạc ướt hết. Mai lấy sức đâu mà kiếm ăn nữa chứ.

Thằng Lọ đã đưa được người thứ nhất vào nhà. Một người đàn ông. Áo vest xám. Giày rớt một chiếc, còn một chiếc. A, giàu có đây. Mình nghèo khổ cố sống còn người ta giàu có lại muốn chết. Con Lem đang tháo dây phao, chờ lão Gằn đưa người kia vào rồi đưa họ vào bờ luôn. Bên vệ đường, bà Mập đã dậy. Bà gọi gã Tong xích lô đang nằm ngoẻo cổ trên xe. Rửa mặt đi. Chuẩn bị có khách rồi kìa. Đi đâu? Gã Tong lớ mớ. Ông Già vá xe phụ họa: Còn tỉnh thì lên phường, bất tỉnh thì vô bệnh viện chứ đi đâu nữa. Chuyện như cơm bữa mà còn hỏi. Không lẽ mày muốn chở người ta xuống địa ngục? Công an tới rồi kìa. Họ không chịu xích lô mà đòi đi taxi là công toi. Gã Tong càu nhàu, đẩy xe tới mép sông, ngay lối cỏ dẫn xuống nhà lão Gằn. Gớm, cha con lão ăn mày này sắp trúng số rồi.

Thằng Lọ thở phì phì. Người đàn ông mập mạp, nặng nề đã tỉnh, mắt he hé nhìn. Lão Gằn đang lôi người đàn bà vào, cách chừng hai trụ cầu nữa là đến.

Sà lan kìa, nhanh lên! Con Lem hét. Cái phao duềnh mạnh. Thằng Lọ không kịp nói, phóng xuống nước lần nữa. Nó chụp được người đàn bà.

Lão Gằn hụt hơi. Gân cốt rệu rã cộng với chứng nghiện rượu khiến lão không đủ sức thoát ra khỏi con sóng bất ngờ. Chiếc sà lan tăng tốc. Vài người nữa nhảy xuống tìm lão Gằn cho tới khi trời sáng hẳn vẫn không thấy. Một mạng đổi hai mạng. Hà Bá quen ăn không quen nhịn.

Mất xác, nên cũng chẳng ma chay gì. Bà Mập cúng con gà với lư nhang bên bờ sông. Giấy tiền vàng bạc trôi làng nhàng trên mặt nước.

Chỉ còn Thằng Lọ nắm tay con Lem với ngôi - nhà - phao, chúng quệt nước mắt nhìn thứ gọi là nhà đang bị sông dọa xé ra từng mảnh. Sông nuốt hết. Sóng không chừa thứ gì.

***

Thì ra, hai người tự tử là một cặp vợ chồng đại gia, chủ của cơ ngơi cao tầng có ngọn đèn xoay bên kia sông. Cơn lốc kinh tế đi qua để lại món nợ khổng lồ, vô phương cứu vãn nên muốn tìm đến cái chết. Không chết được thì ở tù. Người vợ hỏi tên người cứu mình, thằng Lọ con Lem chỉ biết gọi là lão Gằn. Tìm trong đống quần áo cũ nát của lão Gằn để lại, thấy có chiếc nhẫn vàng trơn, loại người ta thường làm nhẫn cưới. Mấy trăm ngàn xếp ngay ngắn. Và hai tấm giấy khai sinh. Lật đi lật lại hai tấm giấy, mặt không còn hột máu nào, người đàn bà ré lên rồi gục xuống.

Con Lem hỏi trống không: Từ nay anh em mình có tên rồi hả?

Ừ. Lão Gằn không phải cha mày, cũng không phải cha tao. Nhưng, mỗi năm anh em mình nhớ ghé gầm cầu đốt cho lão vài nén nhang gọi là…

Núi Dinh, mùa Vu Lan 2013

Truyện ngắn của
Trịnh Sơn

Viết về những cảnh đời khốn khổ, dường như là một trách nhiệm tinh thần đối với nhà văn. Với Trịnh Sơn, có vẻ anh quan tâm nhiều đến đề tài này. Và cách anh viết, từ trong ra, một cách cận cảnh, cho thấy một nỗi cảm thông lớn lao với phận người.

Nước dưới chân cầu ảnh 2

Sinh năm 1982 tại Côn Đảo, người viết trẻ này hiện đang sống tại Bà Rịa - Vũng Tàu, làm một nghề có tên là lạ: Cảnh quan hoa viên. Anh làm thơ, viết truyện và tiểu luận, dịch bài về văn hóa - văn nghệ cho một vài tờ báo
trong nước.

Đã xuất bản một tập thơ và một tập tiểu luận, chân dung.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.