Đeo kính xem phim mờ

Đeo kính xem phim mờ
TP - Alô! Ông làm gì mà gọi mấy lần không nghe máy? Giọng Phan gắt gỏng.

> 'Hiền nhân' giữa chốn thị phi
> Ngô Thảo & chùm lá quế

- Ngày nghỉ là ngày cúc cung phục vụ vợ con mà. Ông đang ở đâu mà ồn thế? Có chuyện gì không mà gọi vào giờ này?

- Giờ này là giờ nào. Có chuyện thì mới gọi chứ. Đang ở hàng kính, trên Lương Văn Can. Lên đây đi, rồi đi uống bia.

- Mới có mười giờ mà đi uống bia, ông có bị con gì cắn không đấy?

- Cứ cho là thế đi. Kiểu gì cũng phải kiếm cớ ra khỏi nhà đi uống với tôi hôm nay. Phi lên đây ngay. Tôi chờ.

- Nhưng…

- Không nhưng gì cả. Không trình bày nhiều. Giọng Phan chắc nịch. Nói xong hắn cúp máy.

Tôi đành phải nghe theo lệnh hắn, trong khi đang dở dang việc sơn cửa. Dắt xe ra khỏi cổng, trước ánh mắt nghi ngại sâu sắc của vợ, tôi vù ga phi thẳng. Đường phố thênh thang. Ổn thật, khác hẳn chiều qua, ninh ních những người những xe. Chỉ mười lăm phút sau tôi đã có mặt. Phan đứng trên vỉa hè, ghếch một chân lên xe, chờ. Hắn đeo cái kính đen, to đùng hàng hiệu. Đúng kiểu dân chơi. Mặt hắn vênh vênh, ngạo nghễ, khác hẳn mọi ngày.

- Có thế chứ, nhát cả đời rồi, nay cũng phải vùng lên một tý. Hắn cười khùng khục. Ông dựng xe sát vào đây, rồi vào chọn một cái đi. Hắn hất hàm chỉ vào hàng kính.

- Nhưng tôi không có nhu cầu.

- Lại nhưng, không có nhưng gì ở đây cả. Thích cái nào thì lấy đi, tôi chi tiền. Cái này của tôi hơn mười triệu đấy. Đẹp không? Này, kiếm cái nào xêm xêm của tôi thôi nhé, đừng xịn hơn là được. Hắn cười nhăn nhở.

- Nhưng lấy đâu ra xèng mà chơi xịn thế? Vừa trúng quả gì à?

- Lại nhưng. Chán bỏ mẹ. Chẳng trúng gì. Quỹ đen đấy. Vẻ mặt hắn hỉ hả.

Tôi và Phan học cùng nhau từ bé đến lớn. Nghịch ngợm đủ trò. Trốn học ra bãi sông Hồng bơi, bẻ ngô nướng ăn tại trận. Có bận suýt chết vì chủ bãi phát hiện, hai thằng chạy thục mạng. Mùa hè đến thì trèo sấu, bắt ve, câu cá trộm. Trò nào, Phan cũng là trùm sò, tôi chỉ biết làm theo mọi chỉ đạo của hắn. Chỉ khi vào đại học mới mỗi đứa một trường. Nhưng không vì thế mà xa nhau. Ngày đi học, tối đi chơi, đi cưa cẩm, làm chân gỗ cho nhau. Tôi “đeo gông” trước hắn.

Từ ngày đó, tôi và hắn phải chơi với nhau theo kiểu thậm thụt. Biết hắn buồn nên rỗi lúc nào là tôi gọi hắn ngay. Rồi một ngày đẹp trời, hắn cũng “đeo gông” như tôi. Vậy là thở phào. Hắn sẽ nếm hương vị “tù ngục” và thông cảm cho người khác. Chứ cái kiểu chạy rông như hắn, nếu không vướng vào “lao lý” làm sao hắn bỏ qua cho tôi được. Mừng cho hắn. Mừng cho tôi. Tôi tạm ăn ngon ngủ yên được khoảng dăm năm. Trong khoảng thời gian đó, giữa nhà tôi và nhà hắn diễn ra nhiều kiểu giao lưu, ăn uống, vui chơi theo đúng nghi thức ngoại giao. Hắn và tôi đóng vai những ông chồng tốt, ăn uống nói năng hiền hòa, mẫu mực. Nhớ đời nhất là ngày vợ hắn sinh con, mà lại sinh đôi. Lúc ấy, hắn bắt đầu nếm đủ vị lâu nay chưa nếm. Hắn tơi tả, tả tơi quẩn vào vòng xoáy cuộc đời đó.

Tất bật, hối hả, phờ phạc. Mắt trũng sâu những đêm không ngủ vì con quấy, con khóc, con ốm. Cao to khỏe mạnh như hắn mà chỉ vài năm bị vợ con tàn phá, đã xuống cấp trầm trọng. Từng trải qua nên tôi thấy thương hắn nhưng cũng thấy hả dạ. Có thế hắn mới thấy hối hận những lúc tổng sỉ vả tôi vì không đi uống với hắn được. Bây giờ thì đáng đời nhà con nhé.

Năm tháng qua đi, con cái lông lống tý chút, tôi và hắn bắt đầu kẽo kẹt nâng lên đặt xuống kiểu chớp nhoáng những lúc đưa đón con đi học thêm học nếm. Những lúc ấy, chúng tôi như những con chim được sổ lồng, hót vặt đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Cả chém gió nữa. Nhưng cái thái độ hắn hôm nay lạ lắm. Như có gì đó nổi loạn. Không phải hắn ngày xưa mà cũng chẳng phải hắn bây giờ. Hay hắn bị sang chấn tâm lý vụ gì?

Quán bia vắng tanh. Chưa có ma nào tập kết. Mới mười một giờ. Chỉ có hai thằng với nhau.Vắng vẻ thế này được ân cần phục vụ, không khí thoáng đãng cũng sướng. Hết một chầu, hắn mới lên tiếng:

- Từ nãy giờ chắc ông băn khoăn lắm hả? Cái mặt đã nhàu mà lại còn đần ra như ngỗng ỉa thế kia, trông tội nghiệp lắm. Hắn cao giọng, giễu cợt.

- Thì thấy hôm nay ông phởn quá, mà chưa biết lý do.

- Làm gì có lý do. Chỉ có anh em mình phải sống cho ra sống. Chứ cứ dặt dẹo quá, chết là tiếc đời đấy.

- Đừng có cứ nói gở. Anh em mình đang chạy tốt mà.

- Đời chẳng biết đâu mà lần. Sáng sớm nay tôi vừa đi đám ma thằng cùng phòng. Nó ngỏm khi chưa đến bốn mươi. Tuần trước vào thăm trong bệnh viện, thấy nó có biểu hiện chán cơm thèm đất rồi nhưng không nghĩ lại đi nhanh thế. Phan hạ giọng. Âm hưởng pha chút đau đớn. Mà ông có biết lúc mọi người chào ra về, nó vẫy tôi lại nói gì không? Nói gì?

Nó ghé sát tai tôi thì thầm: Em thèm kem quá. Lần sau vào, anh mua cho em chục cái kem cốm Tràng Tiền nhé. Nhưng anh nhớ giấu bác sỹ đấy. Trời ơi, tưởng gì. Tưởng nó thèm hàng quốc cấm hay con ca…v mà phải thì thầm, bí mật. Thèm là một chuyện mà chắc nó xấu hổ sao lại có thể thèm kem kia chứ. Một thằng bợm nhậu mà thèm kem như trẻ con. Đắn đo mãi, cuối cùng tôi cũng có dám mua kem cho nó đâu. Sợ nó bị ung thư vòm họng, ăn vào tỏi sớm nên quyết định không mua. Nào ngờ, nó không được ăn kem mà cũng chẳng trụ được lâu. Biết thế, tôi cứ liều mua để nó ăn cho đã!

À, hóa ra hắn vừa đi đám ma. Một thằng đệ của hắn. Quả như tôi dự đoán, hắn bị sang chấn tâm lý. Xưa nay, hắn không phải là thằng lâm li bi đát, nếu không nói có phần ngổ ngáo, lạnh lùng. Ăn nói thì tía la tía lia, xem giời bằng vung. Thế mà giờ hắn ngồi trước mặt tôi, trầm ngâm như một ông già, u uẩn.

Bất giác hắn thở dài, rồi nói tiếp: Đưa ma nó xong, tôi chạy về cơ quan lục tủ lấy quỹ đen. Tôi phải mua cái kính này. Tôi đã ghiền nó lâu rồi nhưng không dám mua. Cứ lần lữa tiếc tiền. Mua xong, thích rồi định về nhưng lại nghĩ đến ông. Đấy, hết thắc mắc chưa? Nào, cụng tý cho nó giải tỏa. Chết chẳng tiếc đời. Này, chẳng may tôi ngỏm ông nhớ đeo cái kính này cho tôi nhé. Xuống dưới ấy nhìn đời cho mát mẻ. Hắn cười phớ lớ. Mà có khi từ ngày mai, ngồi làm việc trong phòng tôi cũng cứ đeo cái kính này.

- Có bất tiện không? Bọn nó tưởng ông dở hơi, sĩ diện.

- Dở hơi đ… gì. Cho nó mờ bớt phim. Có mắt mà cũng như mù, mãi cũng phải mở, mà mở thì thấy ngứa. Ông có biết hàng ngày tôi và hơn hai chục đứa nữa phải dưới váy con đĩ kia, nhìn nó điều hành nghe nó chỉ đạo không? Một con ngu như thế mà lên làm giám đốc. Nó ngu nhưng cái mồm nó dẻo, xôi nó to. Cái thân hình Phó Đoan của nó rung lên phần phật mỗi khi có hơi giai cấp trên ông ạ.

Sau năm lần bảy lượt bỏ phiếu không quá bán, nó vẫn được bổ nhiệm. Từ ngày nó ngồi vào cái ghế ấy, xôi nó càng phưỡn lên. Nó ngoảy đít vào mặt những đứa không công nhận nó giỏi, chống phá nó, không muốn nó tiến bộ. Nó chễm chệ cái chức đó, đè lên hẳn năm đứa tiến sỹ, bẩy đứa thạc sỹ, còn bọn đại học chính quy thì thôi không thèm tính. Ừ thì bà mày chỉ có bằng đại học tại chức đấy, nhưng bà đang rửa mặt bằng cái bằng cao học ban đêm.

Kệ đứa nào nói dốt chuyên tu ngu tại chức. Rướn tý nữa bà mày kiếm luôn bằng tiến sỹ cho chúng mày khỏi phải băn khoăn mè nheo về trình độ. Thiên tài phát lộ ở tuổi ba tư. Tại chức thương mại nhưng lóe sáng kinh nghiệm quản lý chóp bu một trung tâm công nghệ có tiếng. Có lần, tôi nghe thấy nó đong đưa, vóng vót qua điện thoại với cấp trên nào đấy ngoài hành lang về dự án.

Nó cố tình nói to cho mọi người nghe thấy. Nghe để mà kiềng nó ra, từ rày biết thân biết phận, đừng đứa nào trêu vào ngươi nó. Anh thấy em thế nào? Nó thẽ thọt. Giỏi anh nhỉ. Thử hỏi đã đứa nào kiếm được dự án tiền tỷ về cho chúng nó làm như em chưa mà dám chê? Em được thế là cũng nhờ anh nhón tay đấy. Hí hí.

Nghe đến đoạn ấy mà tiết xộc lên óc. Nhưng phải câm thật ông ạ. Vì cơm áo gạo tiền mà phải câm như hến cả lũ. Hèn quá. Nếu cứ thế này, chẳng chóng thì chầy tôi cũng phải kiếm cửa chuồn thôi. Tôi bị stress nặng vì con này. Chẳng phải mình tôi đâu, tụi cơ quan chúng nó cũng nản lắm rồi.

Sáng ra, bà Phó Đoan đi úy lạo một vòng qua các phòng, kéo rê cái mùi nước hoa nồng nặc tôi đã lợm giọng, muốn nôn lắm. Sau đó là nó ra vành ra vẻ, cầm tay chỉ việc từng người. Cục tức nó dồn đầy cổ mà đ… làm gì được trong khi chỉ muốn hắt cả cốc nước thừa vào cái mặt trơ tráo, trát bự phấn của nó. Đấy, lý do đấy.

Hôm nay tôi có rất nhiều lý do để mua cái kính này. Mua cho đã cơn thèm và cũng vì cái công dụng tuyệt vời của nó. Đắt một tý nhưng sẽ giúp quãng đời tiếp theo của thằng bạn ông dễ thở hơn một tý. Nào lên đi, vì cái kính xịn nhìn mặt trời mà không chói lóa. Hai thằng mình là những thằng tử tế xem phim mờ. Hắn giơ cao cái kính lên trời cùng lúc ngửa cổ làm một hơi hết cốc.

- Ừ, khốn thật nhưng ông cũng phải từ từ rồi tính. Thời buổi suy thoái kinh tế, chết hàng loạt ông ạ. Đã khó lại càng khó hơn. Dạo này, bên tôi sếp cũng đành cho nghỉ không lương một số rồi. Tôi cũng chưa biết tính nước gì đây.

- Đấy, ông lại hèn chẳng kém gì tôi và hơn hai chục đứa cơ quan tôi. Lại vẫn cơm áo gạo tiền. Nhưng thôi, cái tư duy cơm áo gạo tiền nó như con đỉa vậy, đeo bám lắm. Nhưng nói thật nhé, đôi khi cái không khí và môi trường làm việc còn quan trọng hơn rất nhiều. Vì tiền mà cống hiến cũng phải thôi nhưng vì sự say mê, nhiệt huyết mà cống hiến nó mới sướng. Lúc trước, thủ trưởng cũ anh em làm việc phê như tê tê luôn. Sang đến đời con này, chán hẳn.

Ông mày có ý tưởng đấy, có hoài bão đấy nhưng ông mày đắp chăn để đấy. Chết, ông mày mang đi theo. Vĩnh viễn mang theo. Còn mày mang tiền tỷ về đấy, giao thì tao làm nhưng làm theo kiểu đời sống thực vật, làm theo kiểu chết lâm sàng. Nào lên đi, thôi không nói nữa. Chấp nhận rồi. Nhẹ lòng rồi. Uống xong chầu này anh em mình ngược. Mụ vợ tôi dạo này nó sắp cắt khẩu chuyển vùng vào Hà Đông rồi. Thôi, anh em mình tránh động vật hoang dã chẳng xấu mặt nào. Lấy đó mà an ủi. Hắn lại cười nhăn nhở.

Tôi và Phan chia tay ở ngã tư thứ hai. Hắn gật đầu chào, rồi phóng bạt tóc.

Hắn không muốn tiếc đời nên mua cái kính đắt tiền mà bao ngày hắn ao ước. Đeo vào để xem phim mờ như hắn nói phải chăng là một cách giải thoát tạm thời, hiệu quả? Liệu sau này, khi sắp lìa đời, hắn có hối hận về một quãng đời trai trẻ hắn đã sống mờ nhạt, không dám đối diện thực tại?

Trong một truyện ngắn kiệm chữ, hiện lên hàng trăm thứ chuyện: Chuyện vợ chồng, chuyện bạn bè, chuyện nghề nghiệp, chuyện cấp trên cấp dưới… thậm chí cả chuyện chết sống. Đa phần các chuyện (vốn) đều rất đáng kính, nhưng qua cách viết của Mai Hương, thảy đều nham nham nhở nhở. Nhưng chính vì thế, nó thật còn hơn cả sự thật. Hoặc, có thể gọi đây là thứ sự thật được chưng cất. Quan trọng hơn, nó có duyên.

Nhiều điều gây ngạc nhiên đến từ tác giả: Văn phong khẩu khí như thế, nhưng lại là nữ nhà văn, lại còn là trưởng phòng quản lý xuất bản của Cục Xuất bản.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.