Fast food Việt ở Séc

Fast food Việt ở Séc
TP - Sống ở Bỉ, phải lên thành phố lớn tôi mới thấy người Việt, mừng rơn vì được nói tiếng Việt. Ở Séc, anh họ tôi bảo “Ra đường là thấy người Việt, chỉ muốn lườm vì lại cạnh tranh cùng nghề, làm khó nhau đây!”.

> Người khổng lồ McDonald’s sắp vào Việt Nam

Có lần, trên phố tôi nghe người đàn ông trung niên điện thoại oang oang “Mua vé rồi, rẻ như bèo, thứ bảy này tao vù sang Séc, mày hẹn anh em làm bữa cháo lòng tiết canh nhé. Bên Bỉ này ít người Việt buồn kinh, nhậu nhẹt thiếu khí thế”. Cứ nơi nào nhiều người Việt, ẩm thực ở đó mới tinh. Nay tôi phải đi Séc, chuyện ăn uống cũng quan trọng chứ!

Người Việt ở nhà chắc biết bên Séc có chợ Sapa tại Praha, chẳng cần tả kỹ nữa, nhưng có những cảnh rất thân quen khiến tôi không kìm lòng được, liên tục reo lên với anh họ khi anh lái xe lòng vòng trong khuôn viên chợ rộng khoảng 6 cây số để tôi khỏi mỏi chân đi bộ “Anh ơi, người Việt vừa đạp xe vừa đi đưa cơm kìa”, “Anh ơi, họ đang rửa cải muối dưa kìa”... Anh tôi phát phì cười “Chuyện thường ngày ở huyện, có gì mà cô cứ reo lên như thế”, nói đoạn anh thò cổ ra cửa xe, nói vọng vào một cửa hàng thực phẩm “Chị Hằng ơi, bữa trước làm đậu thế nào mà em ăn thấy chua thế, hôm nay đền cho mấy bìa đậu mới được không”.

Nhưng ở Séc đâu chỉ có chợ Sapa! Tại ba thành phố tôi ghé qua gồm Ostrava, Brno và Praha, nơi nào cũng dựng chợ hoặc nói sang hơn là trung tâm thương mại của riêng người Việt, do người Việt thuê bao và chia lại cho chính người Việt kinh doanh từng gian hàng xen lẫn vài quầy vải (quần áo) của người Ba Lan. Người Ba Lan bán vải giỏi không kém người Việt.

Riêng ẩm thực Việt ở Séc, đúng là tinh, ngon và phục vụ nhanh. Ở chợ Sapa có thể vào một quán chỉ để ăn chuyên đề vịt: tiết canh, bún vịt xáo măng, vịt nướng, vịt luộc, vịt quay... Người châu Âu đến Việt Nam đánh giá cao dịch vụ ẩm thực ở chỗ vừa ngon vừa dọn món nhanh, đơn giản vì các quán phở hoặc lẩu, bún thang, ốc, bánh cuốn... thường chỉ tập trung một hoặc hai món, gọi là bê bát ngay trong khi các nhà hàng ở châu Âu thường bắt khách đặt chỗ trước, có chỗ rồi vẫn chờ nửa tiếng mới được ăn!

Ẩm thực Việt ở Séc gọi fast food Việt được rồi. Quy mô nhỏ thì mở một hai nhà hàng, từ thị trấn đến thủ đô đều thấy treo biển lớn hoặc menu in đẹp mắt từng món để chọn (kèm ảnh minh hoạ), vừa phở mini, mì xào vừa khoai tây chiên và cả hamburger (bánh kẹp thịt) nếu muốn. Giá bát phở lớn ở Séc chỉ 3- 4 Euro và ngồi 5 phút đã bốc khói trên bàn trong khi ở Bỉ lên tới 9- 10 Euro lại phải chờ gần nửa tiếng.

Quy mô lớn hơn chính là hệ thống nhà hàng Guty và Ngọc Hân đang hiên ngang dựng quầy cạnh tranh với Mc Donald, KFC trong các trung tâm thương mại lớn. Anh họ tôi bảo để đầu tư một cửa hàng ăn nhanh giữa trung tâm thương mại như thế, hệ thống bếp inox sáng choang đặt giữa quầy cho đầu bếp tung chảo đảo lửa- trình diễn nấu ăn trước mặt khách như thế, phải tốn khoảng 250 nghìn đô la Mỹ.

“Nấu trước mặt khách cần có hệ thống hút mùi hiện đại, thế bếp mới đắt, nhưng bán cũng đắt hàng hơn. Cô đã sang đến đây khỏi lo đói”. Dọc đường từ Ostrava lên Brno rồi Praha, cứ thấy trung tâm thương mại lớn là tôi dừng chân, vào Guty hoặc nhà hàng của người Việt ăn uống miễn phí, trực tiếp đầu bếp ra tiếp chuyện và xua tay “Em của bác H. thì coi như người nhà, không lấy tiền”!

Đúng là quan hệ kiểu Việt Nam, nhưng lòng cũng thấy tự hào chứ, ẩm thực Việt có khắp nơi! Đến chơi nhà chị Dương lấy chồng người Séc ở Brno, chị kéo vào bếp khoe mới kiếm được cái máy xay thịt có hệ thống đảo và trộn hoàn hảo. Từ nay đều đều giò bò chả cốm (cốm khô mang từ Hà Nội sang) cho chồng con kẹp bánh mì ăn nhanh, chẳng phải fast food kiểu Việt tiện lợi đó sao!

Ngay giữa một đất nước xa xôi quê nhà về địa lý như Séc, nơi nào hiện diện nhiều người Việt thì văn hoá Việt ở đó cũng quánh đặc. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh tối trời nơi chợ Việt tại thành phố Ostrava, người mua thưa thớt, chỉ toàn người Việt mặc áo da cóm róm trong giá lạnh vừa ngồi rung đùi bần bật vừa tợp ngụm trà nóng chờ khách. Bỗng nghe tiếng bánh xe lộc cộc trên đường gồ ghề sỏi đá, một phụ nữ Séc hiện ra, rao “Cá diếc, cá diếc” còn người đàn ông tóc hung đi bên cạnh ngực áo thập thò tập túi bóng xanh, đợi ai mua là móc nhanh ra bọc cá.

“Sao họ biết mà gọi cá diếc?”, tôi hỏi anh họ, “Người Việt dạy họ rằng cá chép nặng dưới nửa cân chỉ đáng gọi cá diếc thôi. Bọn này chắc vừa đánh trộm được đợt cá nhỏ mới vào đây rao bán, người Việt vẫn mua về nấu dưa ấy mà”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.