NSƯT Chí Trung có 'liều lĩnh'?

NSƯT Chí Trung có 'liều lĩnh'?
Chia sẻ với PV, NSƯT Chí Trung cho biết, anh thực sự cảm thấy bất an khi chuẩn bị đưa những vở kịch của Nhà hát Tuổi trẻ tiến về phương Nam.

> Minh béo vừa béo vừa... liều
> “Mùa hạ cuối cùng” của Chí Trung

Với cương vị Phó giám đốc phụ trách biểu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Chí Trung không khỏi băn khoăn khi đảm nhiệm trách nhiệm dẫn gần 50 nghệ sỹ của nhà hát vào Nam để tổ chức đêm kịch Lưu Quang Vũ với hai vở diễn “Lời thề thứ 9” và “Mùa hạ cuối cùng”.

Anh kể, cách đây 8 năm, anh đã không hề do dự trên con đường Nam tiến và đã có rất nhiều thành công khi chinh phục khán giả TP HCM. Nhưng trong thời buổi khó khăn với ngành sân khấu miền Bắc nói riêng và sân khấu cả nước nói chung thì sự bất an của Chí Trung cũng là điều dễ hiểu.

Theo Chí Trung, đã lâu rồi, không có đoàn kịch phía Bắc nào “dám” vào diễn tại mảnh đất “giàu tình cảm nhưng cũng hết sức đông đúc ồn ào” là phương Nam.

Nhớ lại tại Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ vừa rồi, có khoảng 10 vở diễn của 7 đoàn nghệ thuật tham dự. Nhưng hầu hết sự nhiệt tình tham gia liên hoan chỉ có ở các đơn vị nghệ thuật phía Bắc, còn các đoàn nghệ thuật phía Nam lại hết sức thờ ơ. Bởi, hầu hết các đoàn kịch phía Nam từ xưa đến nay chưa từng diễn kịch Lưu Quang Vũ. Vậy liệu đưa kịch Lưu Quang Vũ vào Nam lần này của Chí Trung có làm nên chuyện ?!

Theo NSƯT Thành Lộc, lâu nay các nhà hát phía Bắc dường như đang ngủ quên trên chiến thắng bởi có lẽ các nghệ sỹ quan niệm rằng khi đã thành danh thì cứ diễn mãi thế, trong khi nghệ thuật (dù là chính thống hay giải trí) đều cần có tính thời trang, luôn cập nhật cái mới.

Thế giới bây giờ khác rồi, giờ người ta có thể sử dụng mọi thứ ngôn ngữ nghệ thuật miễn là ngôn ngữ đó đẩy được thông điệp đến khán giả. Bất chấp luật lệ.

Chúng ta sống trong thế giới phẳng, bất cứ thông tin nào đến khán giả nhanh nhất thì đó là thành công. Nhiều vở đạt huy chương cũng hay nhưng cái hay đó theo kiểu của thời kỳ cách đây đã gần hai chục năm, chứ chưa mang nét của thời hiện tại.

Người mà nghệ sỹ Thành Lộc công nhận “có nghề” là nghệ sỹ Chí Trung, cách đây ít lâu, sau khi xem Chí Trung diễn vở “Nhà ôsin”, Thành Lộc đã “rùng mình”. Phong cách diễn kịch Bắc không ồn ào, không khoa trương, không theo hình thức sáo mòn, hiện đại và gần gũi như đời sống thật có vẻ ăn điểm với một nghệ sỹ kịch có tiếng phía Nam- Thành Lộc.

Chỉ cần nhìn vào các lịch diễn của các nhà hát phía Bắc, có thể nhận ngay được một điều: Hai miền Nam- Bắc khác hẳn nhau, một phía đông vui, rộn ràng, một phía tĩnh lặng.

Nhà văn Chu Lai từng kể, hồi những năm đất nước mới thống nhất, kịch Bắc vào Sài Gòn rất ăn điểm. Nhưng không thể mãi “ăn mày dĩ vãng” vào các đạo diễn gạo cội, nên tin tưởng vào tài năng của những đạo diễn trẻ có lẽ không khí của kịch Bắc sẽ rộn ràng và hiện đại hơn?!

Chính vì được diễn thường xuyên, nên đạo diễn, biên kịch, tác giả, diễn viên trong Nam đêm nào cũng được mang ra mài sắc bằng thị hiếu của khán giả nên họ sắc lẻm.

Trong Nam, thị hiếu khán giả luôn được đặt lên hàng đầu, còn ngoài Bắc kịch là phải đa chiều, sâu nghĩa nhưng có hợp thị hiếu khán giả chưa thì nhiều nghệ sỹ gạo cội còn chưa thể khẳng định.

Cũng phải thẳng thắn một điều rằng, chính sự bao cấp của một số nhà hát phía Bắc so với sự xã hội hóa của các đoàn kịch phía Nam cũng đã thể hiện rõ ở đâu sức ì lớn hơn. Cái gì bỏ tiền túi của mình ra để làm cũng sẽ được tính toán lỗ lãi cẩn thận sát sao hơn. Vì được bao cấp tiền dàn dựng nên nhiều vở diễn phải đi theo định hướng phục vụ, định hướng thẩm mỹ, tiếc rằng khán giả lại không thích bỏ tiền ra xem kịch “định hướng”.

Thực tế, số khán giả bỏ tiền ra mua vé đi xem những vở kịch này đếm được trên đầu ngón tay. Không còn cảnh khán giả xếp hàng dài chen lấn trước cổng nhà hát.

Không còn những cuộc trao đổi thường ngày chốn văn phòng về những vở kịch đang được công diễn. Không còn những đôi tình nhân tặng nhau vé xem kịch hay dập dìu bên nhau vào nhà hát trong những tối cuối tuần.

Mức giá trung bình của một suất xem kịch hiện nay không phải quá cao so với thu nhập của người Hà Nội và càng thấp hơn nhiều so với một chương trình ca nhạc của những ngôi sao showbiz mà người ta sẵn sàng bỏ ra cả vài trăm đến vài triệu đồng.

Chỉ có một lý do rõ ràng và duy nhất ở đây là khán giả không thích. Vì không thích nên rẻ hay miễn phí hoàn toàn thì họ cũng ngại đi xem. Khán giả Hà Nội đã quen đi xem các vở diễn bằng vé mời.

Lần vào Nam này, ngoài hai vở của Lưu Quang Vũ, NSƯT Chí Trung và Nhà hát Tuổi trẻ mang theo cả chùm hài kịch “Đời cười chọn lọc” và hài kịch “Nụ cười chiến sỹ”, anh “phân tích”: “Tôi đoán có khoảng 1 triệu 478 người dân miền Bắc sinh sống và làm ăn tại TP HCM.

Tức là trong số họ có khoảng già nửa nhớ giọng miền Bắc, có nhu cầu muốn xem kịch Bắc cũng đã là thành công. Ngoài ra thì phải hướng tới khán giả trong Nam.

Tuy hài kịch ở Bắc mang tiếng cười thâm thúy hơn một chút, nhiều tính ẩn dụ, đôi khi quá tay đến nỗi khán giả về đến nhà mới hiểu ra và... bật cười”. Hi vọng NSƯT Chí Trung thành công với khán giả miền Nam.

Theo Thái Phương
Pháp Luật Xã Hội

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG