70 năm 'Cuốn theo chiều gió' - kỳ 2

70 năm 'Cuốn theo chiều gió' - kỳ 2
TP - Nếu như đến tận phút chót những người làm sách vẫn không biết Margaret Michell quyết định gọi nhân vật chính của mình là gì - cái tên Scarlett được nghĩ ra tại nhà xuất bản, trước đó nữ văn sĩ định gọi nhân vật của mình là Pensy, Robin, Storm… - thì đến tận cuối cùng người ta vẫn không biết phải chọn nữ diễn viên nào đóng vai chính trong phim.

>> kỳ 1

70 năm 'Cuốn theo chiều gió' - kỳ 2 ảnh 1

Vivien Leigh và Clark Gable (ảnh dưới) trong phim “Cuốn theo chiều gió”

Cô gái Anh trở thành nữ công dân Mỹ

Cả nước Mỹ hồi hộp theo dõi việc chọn diễn viên, vì đối với họ “Cuốn theo chiều gió” gần như là “di sản dân tộc”. Có hơn 1.400 ứng viên tham gia thi tuyển, trong đó có cả những minh tinh nổi tiếng.

Người có khả năng được chọn nhất là nữ minh tinh màn bạc Bett Devis, nhưng cô đang có hợp đồng dài hạn với Warner Bros. Hãng này đồng ý cho Devis tham gia “Cuốn theo chiều gió”, với điều kiện vai nam chính trong phim đó phải do biểu tượng tình dục những năm 30-40 Errol Flynn thủ vai. Bette Davis khước từ đề nghị đó, vì cho rằng Flynn quá nữ tính.

Polett Goldar, vợ cũ của vua  hài Charles Chaplin, về sau kết hôn với nhà văn Erich Maria Remarque, được chọn đóng vai Scarlett, nhưng rồi hợp đồng bị hủy.

Cuối cùng, nữ diễn viên người Anh chưa ai biết tên tuổi Vivien Leigh được chọn đóng vai nhân vật nữ nổi tiếng nhất trong nền văn học Mỹ.

Diễn viên Anh Laurence Olivier, người tình, về sau thành phu quân của Vivien Leigh, đã khuyên cô đi tuyển đóng vai Scarlett.

Đáng ngạc nhiên là Vivien Leigh không hề là người hâm mộ thiên diễm tình Mỹ nổi tiếng, bà thích bộ phim “Cầu Oatenlo” do bà thủ vai năm 1940 hơn nhiều.

Tuy vậy, chính “Cuốn theo chiều gió” đã mang lại cho bà giải Oscar đầu tiên. Sau “Cuốn theo chiều gió”, những bộ phim nổi tiếng nhất mà bà tham gia là “Quý bà Hamington”, “Caesar và Cleopatra”, “Chuyến tàu mang tên dục vọng” (Giải Oscar thứ hai).

Vivien Leigh qua đời năm 1967 sau một trận ốm kéo dài. Ngay từ năm 1945 bác sĩ đã phát hiện là bà bị bệnh lao, nhiều khi bị những cơn điên loạn, vì vậy mà Laurence Olivier ruồng bỏ bà.

Nhiều lần Vivien Leigh phải vào điều trị trong bệnh viện, phải chữa trị bằng sốc điện. Sau khi bà chết mới phát hiện rằng khi điều trị bệnh lao bác sĩ đã kê đơn cho Vivien Leigh những loại thuốc gây rối loạn thần kinh.

Làm nên sự nghiệp chỉ bằng một cú liếc tình

Trên thực tế, diễn viên Clark Gable, thủ vai chính hầu như được duyệt ngay lập tức. Trong số các ứng viên tham gia tuyển chọn vai này có các ngôi sao nổi tiếng thập kỉ 30 và cả Errol Flynn, như đã nói ở trên. Nói thêm là Gable đang làm việc cho studio MGM và không được quyền khước từ vai diễn.

“Tôi thấy mình chẳng giống Rett Butler chút nào! Tôi không hiểu vì sau người ta lại chọn mình”. Clark Gable  nói và lo lắng không đáp ứng nổi những hy vọng lớn lao của đạo diễn.

Thế nhưng sau khi bộ phim ra đời, tiếng tăm của Clark Gable có lẽ còn lớn hơn cả Vivien Leigh, mặc dù ông không nhận được giải chính thức nào cả.

“Anh ta đã làm nên sự nghiệp bằng mỗi con mắt trái,” –báo chí đã viết như vậy về Clark Gable, người đã chinh phục hàng triệu khán giả nữ vì ánh mắt tình tứ say đắm. Còn đàn ông trên thế giời thì thi nhau để bộ ria theo kiểu Rhett Butler.

Nếu như ở trường quay Vivien Leigh luôn điềm tĩnh và tập trung thì Clark Gable hoàn toàn ngược lại. Leigh làm việc ngày 16 tiếng đồng hồ, còn “Rhett Butler” cứ đúng 18 giờ là ra về.

“Hệt như một gã công chức ở hãng tư vấn luật pháp” – một lần cô thốt lên như vậy. Trả thù câu nói đó, trước khi phải đóng cảnh tình tứ Clark Gable thường ăn rất nhiều hành.

Thế cho nên, chủ nhiệm phim đã hoài công lo lắng hai diễn còn viên chính sẽ phải lòng nhau trên trường quay, ảnh hưởng tới công việc đóng phim. Hơn nữa, khi đó Vivien Leigh đang phải lòng Laurence Olivier, Clark Gable thì đang mê đắm nữ diễn viên Carole Lombard.

“Cuốn theo chiều gió” là bộ phim chính của Clark Gable và cũng là bi kịch lớn nhất đời của ông. Ba năm sống hạnh phúc với nhau sau đám cưới, Carole Lombard đã qua đời một cách bi thảm.

Chiếc máy bay mà nàng đến với chồng bị tai nạn, lao thẳng vào núi. Ba năm ròng Clark Gable bỏ tiền tìm nơi chiếc máy bay bị tai nạn. Ông nhận ra thi hài vợ nhờ đôi hoa tai gắn kim cương và ngọc rubi mà chính ông tặng nàng nhân dịp Giáng sinh.

Clark Gable dìm nỗi đau khổ của mình trong rượu, rồi đột ngột gia nhập quân ngũ. Ông tham gia năm trận không chiến, trong đó có một trận tấn công nước Đức.

Sau khi vợ chết, Clark Gable tái hôn, thú nhận rằng ông say rượu như chết khi tỏ tình. Đến 54 tuổi ông lại lần nữa kết hôn với một phụ nữ thường cố bắt chước Carole Lombard trong mọi việc, trước khi đứa con duy nhất của ông ra đời 5 tháng. Bà đã làm theo nguyện vọng của chồng và chôn cất ông bên cạnh Carole.

Anh hùng hay điệp viên bí mật?

Số phận của diễn viên Lesli Hovard thủ vai Ashley Wilkes cũng khá bi thảm. Vốn là sĩ quan dự bị, sau khi đóng phim “Cuốn theo chiều gió”  ông đã tình nguyện ra mặt trận.

Năm 1943 chiếc máy bay do ông lại bị bắn rơi. Ông không muốn đóng phim “Cuốn theo chiều gió”, vì khi đó ông đang có ý định làm một bộ phim ca nhạc riêng, nhưng bị kiểm duyệt bắt sửa đổi rất nhiều chỗ trong kịch bản.

Chủ nhiệm phim David Selznik hứa sẽ giúp ông trong chuyện này, nếu ông đồng ý đóng vai Ashley trong “Cuốn theo chiều gió”. Hovard kí hợp đồng, nhưng sau đó Selznik không giữ lời. Thành ra trong tháng 5.1939 Hovard đóng đồng thời hai bộ phim.

Khi các nhà báo hỏi cảm tưởng khi đóng “Cuốn theo chiều gió”, diễn viên này đã trả lời: “Tất nhiên là tôi đồng ý nhảy từ vai này chuyển sang vai khác sau 15 phút đồng hồ, nhưng chắc gì tôi kịp thay trang phục nhanh như thế”.

Năm ngoái nhà văn Tây Ban Nha Jose Rey-Ximena tuyên bố rằng Lesley Hovard là điệp viên bí mật (The Guardian). Đồn rằng anh ta đã lợi dụng người tình cũ là nữ diễn viên Tây Ban Nha Conchito Montenegro để tiếp cận tướng Franco, và trên thực tế là người trung gian giữa nhà độc tài này và Churchill. Năm ngoái nhà văn Tây Ban Nha biết chuyện này do Montenegro kể lại trước khi bà chết một thời gian.

Về những người khác tham gia “Cuốn theo chiều gió”, có một chuyện đáng chú ý là nữ diễn viên Barbara O'Neil trong vai mẹ Scarlett, trên thực tế chỉ lớn hơn Vivien Leigh một tuổi.

Thoạt đầu người ta định cho bà đầu bếp của tổng thống Mỹ Franklin Ruzvelt đóng vai bảo mẫu da đen của Scarlett, nhưng cuối cùng Hattie McDaniel đã được chọn thủ vai này.

70 năm 'Cuốn theo chiều gió' - kỳ 2 ảnh 2

“Tấm gương làm suy đồi xã hội”

Ngày 15-12-1939 phim “Cuốn theo chiều gió” được công chiếu lần đầu tiên ở Atlanta. Chính quyền tuyên bố toàn thành phố được nghỉ việc trong ngày này.

Cả đoàn làm phim được mời đến Atlanta. Ngay ở cửa vào phòng chiếu, Clark Gable, diễn viên đóng Rett Butler dẫm phải chân một phụ nữ bé nhỏ - cao 1,46m- mặc bộ váy áo màu hồng hoa văn cầu kỳ. Hóa ra dó là tác giả tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” – Margaret Mitchell.

Về sau, Margaret Mitchell nói rằng bà hài lòng về diễn xuất của Vivien Leigh: “Đó chính là Scarlett của tôi.” Về Rett Butler, bà nói đùa rằng vai đó giá để diễn viên hài Groucho Marx - nổi tiếng với bộ ria xồm xoàm - đóng thì hơn. Nói chung, Margaret Mitchell hài lòng về bộ phim, tuy bà nhận xét rằng ngôi nhà ở Tara cần phải giản dị khiêm tốn hơn nhiều.

Chịu sức ép của nhà thờ Ki tô giáo, kiểm duyệt chỉ cho chiếu “Cuốn theo chiều gió” trong một số rạp phim và trong những giờ nhất định, vì “đạo đức thấp kém của các nhân vật chính không phải là tấm gương cho xã hội noi theo”, vì trong phim có “những cảnh bạo lực và quá dâm đãng”.

Thế nhưng hôm công chiếu “Cuốn theo chiều gió”, khoảng 300.000 người đã tập trung trước rạp để hoan nghênh những người làm phim. Hôm đó, vé được bán với giá 10 USD (theo mức giá hiện nay là 100 USD), nhưng những kẻ phe vé đã bán đắt gấp 20 lần.

Gần 60 năm sau, tháng 7-1998, bộ phim huyền thoại ấy lại được chiếu trên toàn nước Mỹ. Tại rạp Screen” ở Atlanta, đến nay bộ phim này vẫn được chiếu mỗi ngày hai lần. Khán giả vẫn đến xem “Cuốn theo chiều gió”, mặc dù như Vivien Leigh nói đùa, “đó là một thử thách nặng nề cho cặp mông” - phim kéo dài gần 4 giờ đồng hồ (238 phút).

Chinh phục toàn thế giới

“Cuốn theo chiều gió” là bộ phim chiếm được cảm tình của khán giả và các nhà phê bình. Phim được đề cử 14 giải Oscar và được trao 8 giải, trong đó có giải Oscar chính là Phim xuất sắc nhất năm 1940, Đạo diễn xuất sắc nhất. Vivien Leigh đoạt giải Diễn viên nữ xuất sắc nhất.

Cho đến nay, “Cuốn theo chiều gió” vẫn là bộ phim lợi nhuận cao nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ. Đến năm 1943, doanh thu của phim là 32 triệu dollar, trong khi chi phí chỉ hơn 4 triệu, kể cả tiền quảng cáo.

Đợt chiếu toàn quốc thứ hai nâng con số này lên đến 76,7 triệu dollar. Theo tính toán của các chuyên gia, tính cả lạm phát và thay đổi giá cả thì doanh thu của “Cuốn theo chiều gió” thậm chí có thể sánh ngang với bộ phim huyền thoại “Chiến tranh giữa các vì sao”.

Theo điều tra dư luận Anh, trên quê hương của Vivien Leigh, người ta coi tình yêu say đắm của Scarlett OHara và Rett Butler là một trong những thiên diễm tình đẹp nhất thế giới.

Nguyên Chi
Theo rian.ru

MỚI - NÓNG