Chuyện danh họa Nguyễn Phan Chánh và "cô gái nhảy dây"

Chuyện danh họa Nguyễn Phan Chánh và "cô gái nhảy dây"
TP - Từ ngày cha Chánh mất, cảnh nhà Chánh ngày càng sa sút. Mẹ Chánh mới ngoài ba mươi, trong làng nhiều người đến hỏi. Nhà không có vốn liếng gì, nhiều khi mẹ đã nghĩ đến một chỗ nương tựa. Nhưng nhìn Chánh, nhìn hai em, mẹ không muốn đi bước nữa.
Chuyện danh họa Nguyễn Phan Chánh và "cô gái nhảy dây" ảnh 1
"Trốn tìm" - Tranh Nguyễn Phan Chánh

Mẹ đi vay lãi, lấy tiền chạy chợ, nhà lâm vào cảnh tiền ngày nợ góp. Vay một đồng bạc, cứ mỗi ngày phải trả một hào lãi. Từ gà gáy mẹ đã phải dậy thổi cơm, kịp đi chợ Đạu, chờ Cừa, tối mịt mới về.

Đôi quang, cái mẹt, dúm muối, sợi thừng… được vài hào, phải trừ ra một hào trả lãi. Ngày mưa không đông chợ, không trả được lãi thì nợ con lại đập vào nợ mẹ, thành đồng mốt, đồng hai.

Và từ hôm sau, lãi đã lên hào một hào hai một ngày. Chánh nhận lời ngồi dạy học ở chợ Chùa, đỡ miệng ăn cho mẹ. Nhà chủ có mấy trẻ, quanh xóm gửi thêm vào ít đứa nữa cho cậu giáo.

Sáng ra, khi cả nhà đã đi làm, Chánh lại cầm lấy chiếc roi song chỉ vào bốn góc phòng, mỗi trẻ bước ra một góc, lần lượt học thuộc lòng bài Khuyến học mà mười năm về trước các thầy đã dạy Chánh.

- Trò Xân đọc câu đầu.

Cậu bé gọi là Xân đưa tay kéo lưng quần, lên giọng:

Khoa mục triều đình mở rộng thay

Chánh giơ roi chỉ sang đứa trẻ đứng ở góc bên cạnh. Cậu bé thứ hai gần như hét lên:

Khuyên con bấm chí học hành cho hay

Chánh chỉ tiếp đứa trẻ thứ ba:

Cơm ngày ba bữa cha cày cấy

Cứ thế, mấy đứa trẻ đứng lom khom, tay khoanh trước ngực, lo lắng nhẩm sẵn trong miệng, chờ người trước mình đọc xong là đọc nối ngay câu tiếp theo vào:

Áo mặc bốn mùa mẹ vá may
Câu phú, câu thơ thường đọc miệng
Sách kinh, sách sử chớ rời tay
Một mai thi đậu ngôi hoàng bảng

Đến câu cuối cùng, Chánh chưa kịp giơ roi chỉ thì một cô bé tên Thoa nhanh miệng sợ bạn đọc tranh mất, đã gân cổ:

- Thưa thầy, Nổi tiếng tiên nhân đẹp mặt thầy ạ.

Cô con gái nhà chủ đang nấp sau cánh cửa xem cậu giáo dạy học, không nén được, bật cười. Chánh phải làm nghiêm, nhân nghĩ đến “thoa” có nghĩa là đẹp, anh hỏi lảng:

- Thầy đố các trò, trong lớp ta ai là người đẹp nhất?

Mấy đứa trẻ chưa đứa nào kịp trả lời thì người con gái nhà chủ đã từ sau cánh cửa vừa nói vừa bỏ chạy ra vườn:

- Thầy ạ!

Chánh đỏ mặt. Từ ngoài vườn đã loáng thoáng giọng hát dặm của cô gái:

Quạt chợ Nghệ một chiếc đôi quan
Mua cho em được mấy
Gửi cho nàng được mấy

Tan buổi học, cô gái mang nước vào. Học trò đã về hết, còn mình Chánh trong gian nhà rộng. Chánh nói có ý trách:

- Sao nói thế cho rầy?

Người con gái cúi đầu e thẹn:

- Thật đó ạ.

Cô gái trạc tuổi Chánh. Cô có cảm tình đặc biệt với cậu giáo nghèo, giỏi giang, hiếu thảo. Cứ mỗi sáng, biết Chánh thích hoa, khi vào dọn phòng học cho cậu giáo, cô lại mang theo khi thì một cụm hoa lý giàn nhà, khi một bó hoa đồng nội còn lẫn mấy lá cỏ.

Chánh mến cô gái nhỏ tinh nghịch nhưng tốt bụng, dễ thương. Những đêm sáng trăng, dưới giàn hoa thiên lý, Chánh dạy cô gái đọc thơ. Cô hát cho anh nghe những câu ví dặm.

Một buổi sáng, tiếng gà gáy làm Chánh tỉnh giấc mơ màng. Anh cuộn tròn trong chiếc chăn ấm áp. Chánh chợt nghĩ đến mẹ giờ này đã dậy chạy chợ nuôi con.

Nghĩ đến cô gái con nhà chủ, Chánh thấy hai gia đình chênh lệch quá. Chánh nghĩ, mình mười bảy tuổi, chưa giúp mẹ được gì, công danh sự nghiệp chưa đâu vào đâu.

Bạn cùng lứa con nhà giàu đứa học Huế, đứa học Vinh, đứa được hoàn cảnh tốt đã làm nên thầy nọ thầy kia. Nghĩ buồn vì đèn sách dang dở, Chánh tự nhủ phải cố học đã. Mấy ngày sau, anh quyết xin thôi dạy trẻ, từ giã tất cả cảnh đẹp tình vui để về tỉnh học.

Tờ mờ sáng ngày Chủ nhật, nhà chủ cho một chú người nhà quảy hòm sách, áo quần, hai thầy trò hướng đường cái ra đi. Cô con gái chủ nhà lấy cớ đưa cậu giáo cái bút bỏ quên, chạy theo, nước mắt lưng tròng. Ven đường, những hạt sương sớm còn đọng trên những cánh hoa sim màu tím.

Nhiều năm trôi qua, cậu giáo trẻ trở thành họa sĩ. Một ngày hè năm 1939, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh mở triển lãm tranh ở Hà Nội. Nhiều bức tranh rất đẹp: “Con cá quẫy”, “Chim sổ lồng”, “Mờ sương đi cày”, “Thiếu nữ chơi cá vàng”, “Cô gái nhảy dây”, “Công chúa hoa râm bụt”…

Buổi sáng hôm ấy, có hai vợ chồng người Pháp đến mua tranh. Người chồng còn trẻ, đẹp trai, hai vợ chồng sắp về nước. Chồng chọn được bức tranh ưng ý. Người vợ nhìn mãi bức tranh “Cô gái nhảy dây”.

Cô thiếu nữ tươi tắn trong tranh đang nhảy trong những vòng dây quay sinh động. Tà áo dài trắng của cô bay lên. Sợi dây không rõ nét nhưng dường như đang điều khiển cả thân hình duyên dáng và vẻ đẹp tinh nghịch của cô gái.

Chánh đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để vẽ bức tranh này. Cô gái trong tranh là hình ảnh cô bạn gái ngày xưa đã chạy theo anh dọc đường hoa sim tím…

- Cho tôi mua bức tranh này.

Người đàn ông trả tiền cho bức tranh của mình, không nói gì đến bức “Cô gái nhảy dây”. Nhìn mắt người thiếu phụ tha thiết lặng ngắm bức tranh, anh Chánh không giấu được vẻ xúc động.

Anh biết, quyền mua tranh là ở người chồng. Nhìn người thiếu phụ, Chánh chợt nghĩ: Có lẽ giờ đây, cô bạn gái ngày xưa của mình cũng trạc tuổi người thiếu phụ này. Anh sẽ sàng cuốn bức tranh lại:

- Bà thích bức tranh này?

Đôi mắt thiếu phụ hơi ửng đỏ, lúng túng:

- Vâng, tôi thích lắm.

Anh Chánh trao cho cô bức tranh, nói:

- Tôi xin tặng bà bức tranh này.

Cô sững sờ, xúc động:

- Xin cảm ơn, rất cảm ơn.

Người thiếu phụ đã đi rồi, anh Chánh còn đứng mãi ở cửa phòng tranh. Anh bâng khuâng như chia tay lần nữa với cô bạn thời thơ ấu của mình, cô gái của một thời hoa sim tím. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.