8X đam mê Tuồng

8X đam mê Tuồng
TP - Bố làm trong nhà hát nên từ nhỏ Xuân Vũ đã được theo các đoàn hát đi lưu diễn, những lời ca câu hát như ngấm dần vào máu thịt, để rồi đến với Tuồng như duyên trời định.

Xuân Vũ không thể giải thích tại sao từ khi còn nhỏ đã yêu thích những lời thoại, những vở diễn đến thế. Hơn nữa, đây lại là môn nghệ thuật “kén” người (cả người nghe lẫn người diễn).

Nhưng cũng thật dễ hiểu khi nhiều bạn học trong lớp là con nhà “nòi”. Tuồng như cái nôi, như lời hát ru, như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn họ từ tấm bé như Dũng, Học, Hoài Anh…

Bên cạnh nhiều bạn đã đến với Tuồng bằng sự rung cảm đầu đời, bằng những cảm nhận và sự hiểu biết thì có người đã đến với Tuồng như một sự tình cờ.

Cô gái Hà Giang (sinh năm 1987) đến từ Yên Bái là một điển hình. Cô gái nhỏ nhắn này đã bộc bạch về con đường đưa mình đến với bộ môn nghệ thuật còn nhiều bỡ ngỡ này: “Chẳng ai nghĩ em xuống Hà Nội thi Tuồng cả vì môn mà em thích là Cải lương.

Trước đây, chưa bao giờ em bỏ thời gian ngồi xem hết một vở Tuồng. Thế mà giờ đây sau hai năm học tại trường, em đã nghiện Tuồng”. Nhắc đến Tuồng là mắt cô bé lại sáng lên.

Thế nhưng, cho dù bằng con đường nào thì họ cũng đang mang trong mình niềm đam mê cháy bỏng. Mỗi ngày họ đều từ tâm niệm phải phấn đấu hơn nữa để đưa được bộ môn nghệ thuật này đến với mọi người.

Mồ hôi trên sàn tập

Ngoài việc sáng học văn hóa, chiều học chuyên ngành, thì học Tuồng còn tập đều đặn cả tuần. Ngày nào cũng tập từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Mỗi lớp chia thành nhiều nhóm nhỏ theo thầy lên sàn tập vai mẫu. Mỗi vai trung bình phải tập từ một tháng đến tháng rưỡi.

Đam mê cháy bỏng bộ môn nghệ thuật tuồng là những sinh viên khoa Dân tộc, trường Đại học Sân khấu điện ảnh, và trong đó đặc biệt phải kể đến sinh viên khoa Tuồng.

Đặc biệt bởi đây là khoa mà cứ 7 năm mới có một lớp tuyển sinh học hệ cao đẳng, số sinh viên được đào tạo cũng không nhiều (23 người).

Mỗi buổi tập là một buổi khổ luyện. Tôi đã được xem một buổi tập của các bạn. Những câu hát lời Việt cổ được các bạn thể hiện một cách trơn tru, mạch lạc.

Xuân Vũ tâm sự: “Thường thì bọn mình được các thầy giảng trước để hiểu lời, nhưng quan trọng vẫn là tự học. Không những phải học thuộc lòng mà phải hiểu để nhập tâm vào nhân vật, bởi người nghệ sĩ lên sân khấu không phải là đọc lời mà phải qua lời truyền tải được nội tâm nhân vật.

Thế nên phải nắm được hồn cốt của từng câu thoại để khi mình hát lên không phải là sự thuộc lòng mà đó như là lời nói phát ra từ chính nhân vật. Những buổi đầu tiên học lời rất khó, nhất là với bọn trẻ tụi mình. Quen rồi lại thấy hay, bây giờ mình còn thích nghe Tuồng hơn cả nhạc trẻ”.

Bên cạnh lời hát thì Tuồng cũng rất coi trọng vũ đạo. Đây là một bộ môn nghệ thuật có diễn xuất mạnh mẽ nhất. Vũ đạo góp phần quan trọng trong việc lột tả tính cách nhân vật, nên khi học bộ môn này, các bạn còn phải học múa.

Sau mỗi buổi học là quần áo ai cũng lem bẩn, bởi phải múa, phải quỳ, lăn lộn cùng vai diễn. Để lời hát và vũ đạo kết hợp nhuần nhuyễn và thuần thục các bạn phải tập nhiều lần. Trong tiết trời mùa đông lạnh giá, mà cả căn phòng tập như nóng lên, những giọt mồ hôi lăn dài trên má khi mỗi động tác chưa được, mỗi câu hát chưa đạt.

Bằng đam mê và nhiệt huyết tuổi trẻ 23 sinh viên của lớp đang hy vọng vào một tương lai rộng mở cho nghệ thuật Tuồng Việt Nam. 

MỚI - NÓNG