'Ả Đào' Thu Huyền đến tuổi... Hoạn Thư ?

'Ả Đào' Thu Huyền đến tuổi... Hoạn Thư ?
Thực ra là NSƯT Thu Huyền, mắt dao cau, nổi tiếng trên chiếu chèo Hà Thành chuẩn bị nhận vai Hoạn Thư. Chị nói, mình chưa đến mức già, xấu xí để không dám nhận vai Kiều, "nhưng tôi thích sự phá cách, tôi có đủ tính cách riêng để tung hoành trong các vai diễn".

Đào lẳng Thu Huyền của chiếu chèo Hà Nội lừng danh đôi mắt dao cau. Là một trong số ít nghệ sĩ truyền thống được coi như ngôi sao, cuộc sống của Huyền giữa Hà Nội nhộn nhịp và… chẳng hề đa đoan như Mầu.

Là vợ ca sĩ Tấn Minh, nhưng thậm chí bà vợ này nổi tiếng hơn cả chồng. Thêm nữa, từng được ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá 11, tư duy và những suy nghĩ về nghề nghiệp chảy trong giọng ca này như một bằng chứng về ý thức bảo tồn truyền thống…

Từ Thị Mầu đến Hoạn Thư

Bước vào chiếu chèo, nữ diễn viên nào cũng phải học qua vở Quan âm Thị Kính. Biết bao người đến, nhưng hẳn phải có duyên lắm mới gắn được một cái tên vào vai điển hình “chèo nhất trong chèo” là Thị Mầu?

Tôi vào nghiệp hát chèo tự thân đã là duyên nghiệp. Gia đình không hề có chút truyền thống nào về hát cả, nhưng từ bé tham gia các hoạt động ca múa thiếu nhi.

Ngày đó, đoàn chèo Hà Nội phát hiện ra một con bé vừa hát vừa múa và cho rằng nó có năng khiếu và tuyển về đào tạo. Và thấm thoắt đã 15 năm tôi thành diễn viên hát chèo.

Đúng là học chèo, không một cô diễn viên nào không tập qua vai Thị Mầu, nhưng đúng là may mắn, tôi được nhớ đến ngay từ lần đầu cầm quạt nhập vai. Mọi người nhìn thoáng, nói ngay con bé này Thị Mầu quá, mắt mũi lúng liếng thế kia cơ mà!

Nhưng rõ là khó lắm đấy, đâu phải ai cũng thành được với những vai diễn kinh điển khi còn là diễn viên mới. Giờ thì nghệ sĩ nào đi sau chị, muốn nhập vai Thị Mầu phải vượt qua cả một NSƯT Thu Huyền?

Tôi thích vai Thị Mầu nhất trong các tích chèo. Phải thích mới nhập vai, và hiểu nhân vật của mình được. Tôi từng học các đàn chị đi trước, làm đúng những gì thuộc về mô phạm, nhưng cần thêm những bản năng và cá tính bộc phát của riêng mình khi nghĩ về nhân vật.

Thị Mầu là một cô gái trẻ đang yêu, dũng cảm vượt qua những định kiến xã hội và khao khát những hạnh phúc con người. Tính cách ấy rất hiện đại, không khó để các diễn viên mới hiểu và nhập vai. Tôi nghĩ chỉ cần hiểu, họ cũng có thể diễn ra nhân vật được ngay thôi.

15 năm làm nghề, giờ không còn có thể gọi chị là tài năng trẻ nữa mà phải là trụ cột của sân khấu chèo truyền thống. Nhưng xem ra, sức hút bạn trẻ theo nghề của sân khấu truyền thống nói chung không còn?

Tôi là con gái thành phố, được tuyển theo đoàn chèo ngày đó là một niềm vui lớn lắm, bởi lúc ấy chèo đang cực thịnh với những nghệ sĩ lớn như Lâm Bằng, Quốc Chiêm với vở Nàng Sita chẳng hạn.

Nhưng cuộc sống hiện giờ có quá nhiều ngành nghệ thuật giải trí để giới trẻ say mê nên không trách họ được. Muốn tìm kiếm tài năng có lẽ phải tìm đến nơi nào chèo còn đất sống và chăm sóc rồi tạo điều kiện thật sự cho các em.

Tôi cũng nghĩ đây là một vấn đề lớn, vì muốn bảo tồn nghệ thuật truyền thống, trước hết phải tạo một môi trường cho nó sống mới có những người nối nghiệp được.

Vậy có thể hiểu, ngôi sao Thu Huyền nhường vai chính Thuý Kiều trong vở mới Kiều của nhà hát chèo Hà Nội cho diễn viên trẻ đàn em là một hành động tạo cơ hội cho bạn trẻ?

Tôi thực lòng không nghĩ đến những gì to tát ấy. Đơn giản là nhà hát mỗi năm dựng được không nhiều vở mới, các vai diễn quan trọng nên san sẻ cho đồng nghiệp bởi mỗi nghệ sĩ truyền thống hiện còn theo nghề thì bản thân họ phải tài năng và yêu nghề lắm.

Tôi đã được xã hội công nhận, được đồng nghiệp tôn trọng rồi, còn những người khác đang cần hơn những vai diễn lớn để khẳng định nghề nghiệp.

Chị đến tuổi Hoạn Thư rồi chăng?

Vai Hoạn Thư tôi tự chọn cho mình. Tuy chỉ xuất hiện có hai lớp diễn nhưng tôi cũng coi đây là một vai diễn lớn và đầy đất diễn. Cũng là một nhân vật điển hình, rất đàn bà trong một tác phẩm lớn.

Tôi chưa nghĩ mình đã già hay xấu xí đến mức không dám đóng Kiều, nhưng thực lòng thì với 15 năm trong nghề, tôi thấy mình đủ trải nghiệm và hợp lý hơn nên nhận đóng Hoạn Thư.

Tôi thích sự phá phách một chút, đủ để tính cách riêng được tung hoành trong các vai diễn. Thuý Kiều hợp dạng đào thương, còn tôi, mọi người thích tôi nhập vai đào lẳng.

Đã yêu là chung thủy

Trong nghệ thuật người ta luôn đòi hỏi nghệ sĩ những sự làm mới, nhưng với chèo làm mới e phá hỏng truyền thống. Chị có coi vai diễn mới là một lần làm mới mình?

Đúng rồi, vai diễn mới là thách thức đối với tôi. Làm mới bản thân tôi là được làm những việc mình chưa được làm. Nghệ thuật chèo có những mô phạm đặt biệt, bởi vậy hiếm hoi lắm chúng tôi lại có những kịch bản phù hợp nên thực sự là cơ hội.

Với vở Kiều này, cá nhân tôi rất mừng vì ngoài ý nghĩa được làm việc thường xuyên và mới mẻ hơn, chúng tôi đang góp một cách khác dựng lên một tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam.

Có lẽ sẽ có nhiều buổi diễn dành cho học sinh học ngoại khoá về tác phẩm, chúng tôi lại có cơ hội giới thiệu cho các em sự hấp dẫn của nghệ thuật chèo.

Người Việt không thể không biết đến Truyện Kiều, và cũng không thể không biết đến những cải lương, chèo, quan họ… Đây thực sự là cơ hội để chèo tìm đến một lớp khán giả mới.

Cứ nói nghệ sĩ truyền thống là nghèo, nhưng chị thì cũng khá giả. Nhưng may thay, tôi cứ thấy chị nói chuyện gì cũng quay về một sức sống cho chèo?

Thực lòng tôi yêu chèo lắm, mà đã yêu là phải chung thuỷ chứ lúc thịnh thì yêu lúc suy thì bỏ đâu phải là yêu thực sự. May mắn tôi được chèo trao cho một sự nghiệp, danh tiếng để từ đó tôi có thể kiếm sống dễ dàng hơn. Đĩa hát chèo của tôi bán cũng tốt, các lời mời biểu diễn truyền hình… nhiều hơn.

Khó khăn của nghệ thuật truyền thống là khó khăn chung, nhìn những đồng nghiệp của tôi ở các địa phương mới thực sự vất vả và cần phải được chia sẻ. Được như tôi thì còn gì mà phải kêu ca nữa cơ chứ.

Tôi đã thấy những nghệ sĩ truyền thống cứ thu mình lại trong công việc đầy tự ti nhưng tôi không muốn vậy. Các nghệ sĩ cải lương phía Nam làm tốt thì chèo phía Bắc cũng cần phải làm được như vậy mới đúng chứ.

Nghe nói vậy hoá ra chả phải chị hết ước mơ vươn lên trong nghiệp sao?

Không đâu, tôi được đi đây đó xem các nước biểu diễn chương trình nghệ thuật truyền thống rất hấp dẫn. Rồi đi xem chồng hát nhạc nhẹ trong những chương trình hoành tráng…

Nhiều đêm nằm mơ choàng tỉnh dậy, vẫn thấy mình được hát chèo trong những không gian sân khấu hiện đại.

Tôi mơ ước, và thực lòng nếu tôi giàu hoặc tôi sẽ đi xin tài trợ làm bằng được, một ngày nào đó trong đời mình một lần thôi được hát chèo trong một sân khấu kỹ thuật hiện đại. Âm thanh ánh sáng hấp dẫn, cảnh trí mới và huyền ảo hơn…

Một lần thôi rồi chia tay với nghiệp cũng là hạnh phúc.

Tôi không tin Tấn Minh hát cho mình

Gia đình chị, một truyền thống – một hiện đại rất hợp đường lối đấy nhỉ!

Chuyện tôi và Tấn Minh yêu nhau là sự kiện buôn chuyện mấy năm trước của làng văn nghệ. Rồi chúng tôi lấy nhau, cuộc sống gia đình rất bình yên bởi chồng tôi là một người hiền lành.

Hai vợ chồng cùng nghề nhưng khác ngành nhưng cũng đủ để… không cạnh tranh mà chia sẻ được cho nhau rất nhiều trong công việc và vẫn còn nhiều thời gian dành cho gia đình.

Tấn Minh, kể từ lúc lấy chị phất lên trong sự nghiệp thấy rõ. Có vẻ vai trò nội tướng của chị cũng tốt?

Từ lúc yêu nhau tôi đã biết, anh Tấn Minh thời điểm đó rất bối rối và tỏ ra lúng túng trong đường hướng phát triển sự nghiệp. Chính vì thế anh ấy cần tĩnh tâm, suy nghĩ kỹ để chọn con đường đi tiếp theo cho mình.

Chồng tôi là người có tài, tôi tự hào về anh ấy. Nếu như nói tôi cần phải chăm lo cho gia đình để anh ấy phát triển sự nghiệp hơn nữa tôi cũng chấp nhận.

Vợ chồng chị tay trong tay khắp Hà Nội, giản dị và hạnh phúc. Hình ảnh đó rất khác với nhiều cặp vợ chồng nghệ sĩ?

Vâng, tôi nói rồi, anh Minh rất hiền lành. Còn tôi trên sân khấu là Thị Mầu vậy đó nhưng cuộc sống riêng chỉ thích những gì bình yên. Không ai nói trước ngày mai thế nào nhưng còn bên nhau ngày nào mong giữ bình yên ngày đó.

Chúng tôi yêu nhau và đến với nhau khi đã là những người trưởng thành, cuộc sống và suy nghĩ chín chắn. Nói chung trong cuộc sống cũng như công việc nên tránh những sốc nổi tuổi trẻ.

Có bao giờ chị nằm nhà một mình, nghe những album Bức thư tình của chồng và xao xuyến nghĩ anh ấy hát cho mình?

Nói khó tin, thực lòng tôi chưa bao giờ nghĩ anh ấy hát cho mình cả. Chỉ nghĩ anh ấy hát hay, nhạc sĩ viết bài hát thật là hay… Tấn Minh thường tập bài ở nhà, đêm nằm cũng trăn trở nghĩ sao mình hát… không trẻ trung tí nào. Đó mới là những suy nghĩ thật của anh ấy.

Còn những gì trong album, trên sân khấu là công việc, là con người ca sĩ Tấn Minh. Còn chồng tôi, tôi chỉ tin những gì anh ấy nói trực tiếp với mình, với con và bằng những hành động anh ấy làm cho gia đình này.

Theo Bạch Vân
Sài gòn Tiếp thị

MỚI - NÓNG