Ai có cơ hội lên sàn Nhà hát Lớn

Nhiều tác phẩm chọn lọc có cơ hội được đưa lên sàn diễn Nhà hát Lớn. Ảnh: Toan Toan.
Nhiều tác phẩm chọn lọc có cơ hội được đưa lên sàn diễn Nhà hát Lớn. Ảnh: Toan Toan.
TP - “Ta đang đi lạc đường, chạy theo các sự vụ tầm thường trong khi nhiệm vụ đích thực của Bộ là phát triển nghệ thuật đỉnh cao, bảo tồn truyền thống”, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận sáng 8/7 tại sơ kết công tác 6 tháng của ngành.

Cơ hội lên sàn Nhà hát Lớn

“Bộ giao Ban giám đốc Nhà hát Lớn phối hợp các đơn vị xây dựng chương trình hay nhất trong khả năng và đưa vào diễn tại Nhà hát Lớn. BQL Nhà hát cũng phải tiếp thị quảng bá, giới thiệu cho các đoàn nghệ thuật của Bộ”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói. Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc làm việc với các nghệ sỹ trước đó. Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ xác nhận, đây là nguyện vọng và sự tham mưu của các nghệ sỹ đối với Bộ trưởng.

Từ nay nhiều nhà hát sẽ hết cảnh “không có nhà để hát” như ta thán lâu nay, bởi được diễn ở Nhà hát Lớn vẫn được xem là sự tự hào, tạo hứng khởi cho nghệ sỹ. “Nhiều vở được huy chương vàng, bạc tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp ít cơ hội được diễn ở những địa điểm sang trọng như thế, lí do lớn nhất là do giá thuê không rẻ”, ông Trương Nhuận nói. Nhà hát Tuổi trẻ từng đưa vở kịch lịch sử Công lý không gục ngã, Tất cả đều là con tôi (Arthur Miller) ra Nhà hát Lớn, tuy nhiên chỉ năm thì mười họa.

“Làm được như vậy thì quá tốt, là mơ ước của các nhà hát.  Nhiều tác phẩm lớn không dám đưa ra vì tiền thuê rạp lớn, không thể bù lại bằng tiền bán vé. Ngay khi làm xong vở Hamlet, Nhà hát có ý định ít nhất mỗi tháng diễn hai suất tại Nhà hát Lớn, nhưng may ra một năm được một vài đêm. Vé bán rất khó, không đủ bù đắp chi phí nếu không có nhà tài trợ”, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh nói. Ông Vinh cũng cho rằng đây là cơ hội để các nhà hát có niềm vui, niềm tin và nỗ lực có chương trình xứng đáng để hút khách.

Trước nghi ngờ liệu BQL Nhà hát Lớn có thực sự tạo điều kiện, Bộ trưởng Thiện khẳng định việc này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Bộ. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội trả lời phóng viên “Bộ đã giao thì chúng tôi sẽ làm”.

Đỉnh cao bao giờ?

Bộ trưởng Bộ VHTTDL thốt lên, lâu nay ngành chạy theo những vụ việc tầm thường bỏ quên nhiệm vụ hàng đầu là tạo ra nghệ thuật đỉnh cao. “Đất nước nào cũng phải có nghệ thuật đỉnh cao, đại diện nền văn hóa dân tộc đó để quảng bá giao lưu thế giới”, Bộ trưởng nói. 

Lãnh đạo Bộ lấy dẫn chứng sang các nước họ mời xem chương trình nghệ thuật lớn, còn đón khách quý sang Việt Nam lại không biết dẫn đi đâu. Nhà hát Lớn chỉ là cái nhà sáng đèn chủ yếu cho những chương trình ca nhạc lớn, lễ lạt kỷ niệm của các đơn vị bỏ tiền ra thuê, ít khi có đất cho các nhà hát nhất là các thể loại truyền thống như tuồng, chèo, cải lương.

NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam-một trong những nhà hát thuộc Bộ không có rạp - đón nhận thông tin này như nỗ lực của Bộ trưởng. “Tôi mong Bộ quan tâm hơn nữa, bởi sân khấu nói chung và sân khấu dân tộc nói riêng cần nhiều giải pháp, chiến lược lâu dài hơn nữa”, anh Kiên nói.

Nhà hát Cải lương Việt Nam gần đây dựng những vở diễn tầm cỡ, hấp dẫn như Vua Phật. Tác phẩm về Phật hoàng Trần Nhân Tông diễn nhiều đêm tại rạp Âu Cơ, kinh phí lớn, mỗi đêm diễn cần cả trăm triệu đồng để vận hành. Sự hỗ trợ về địa điểm diễn chỉ là một phần để đưa những tác phẩm được đầu tư tới đông đảo công chúng. Không riêng cải lương, Nhà hát Kịch cũng tự tìm các mạnh thường quân để có thể có những đêm diễn ở những nhà hát đúng nghĩa, sang trọng.

Kỳ vọng  này đang vấp phải trở ngại lớn-các nhà hát buộc phải dần tự chủ, trong khi sân khấu Việt Nam rơi vào khủng hoảng hai chục năm nay chưa có lối thoát: Khán giả chưa trở lại với sân khấu, nhiều ngành đào tạo truyền thống không tuyển được học viên. Khẳng định thời gian tới Bộ sẽ tìm mọi giải pháp khắc phục, để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, nhưng Bộ trưởng nhấn mạnh “truyền thống nhưng phải tinh túy”. Một loạt giải pháp về cơ sở vật chất, kinh phí, cách thức đặt hàng do Bộ đề ra  để giải quyết bài toán tạo ra các tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ, nhất là gìn giữ được nghệ thuật dân tộc.

Hạn chế hội nghị hội thảo, di chuyển

Buổi sơ kết 6 tháng công tác VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu cán bộ “bớt hội nghị, hội thảo”. Thay vì đi nhiều, người đứng đầu Bộ yêu cầu dành thời gian nhiều hơn để làm quản lý. Ông còn yêu cầu hạn chế các sự kiện không cần sự có mặt, phát biểu của lãnh đạo Bộ. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.