Ai hát lót cho Bob Dylan?

Ai hát lót cho Bob Dylan?
TP - Bob Dylan vĩ đại ở Mỹ, hẳn rồi. Ông nổi tiếng toàn cầu, đồng ý. Như thế có nghĩa toàn thế giới có thể biết tên ông chứ chưa chắc đã nghe ông, thuộc ông, hâm mộ ông.

Sự kiện Bob Dylan đến Việt Nam được giới bình luận miêu tả “đã ghi tên Việt Nam lên bản đồ âm nhạc thế giới”. Nhưng sau đêm diễn tầm cỡ này, rộ hai luồng dư luận.

Thứ nhất: Thất vọng vì nhạc của ông Bob Dylan Việt hóa ra chỉ để dọn đường cho Bob Dylan xịn. Và hình như Bob Dylan cũng không được biết, trước ông có màn trình diễn của các ngôi sao nội địa với các ca khúc của Trịnh Công Sơn. Đâm ra ông không nói một câu gì liên quan Trịnh Công Sơn hầu thỏa mãn một số khán giả Việt Nam. Đến một câu chào, hình như ông cũng chả buồn. Ông đến để hát, và ông chỉ hát.

Thứ hai: Đối nghịch với khán giả nước ngoài có mặt tại buổi diễn, một số khán giả Việt Nam tỏ ra thờ ơ, thậm chí bỏ về. Đêm diễn thu hút khoảng 5.000 người, chủ yếu là nước ngoài. Đâm ra có ý kiến thắc mắc, sao một nhân vật huyền thoại thế, nổi tiếng thế giới thế, mà khán giả nhà ta lại không biết. Phải chăng dân trí có vấn đề...

Thực ra, chuyện cũng không có gì phải băn khoăn quá. Báo Trung Quốc đưa tin về chương trình của Bob Dylan tại đây còn minh họa nhầm bằng ảnh Willie Nelson (ca sĩ dòng country nổi tiếng ở Mỹ).

Và không phải Trịnh Công Sơn hát lót cho Bob Dylan mà là các ca sĩ Việt Nam. Và nói hát lót cũng chưa hẳn. Phần nhạc Trịnh mang tính tưởng niệm, có thể đứng riêng. Trong hoàn cảnh này, nó có thêm nhiệm vụ thông báo cho khán giả nước ngoài rằng chúng tôi đang tưởng niệm nhân vật này... Ngoài ra, những người làm nhạc, dù ca sĩ hay nhạc sĩ luôn tìm mọi cách trong phạm vi cho phép để đến với càng rộng rãi công chúng càng tốt. Đêm diễn của Bob Dylan là cơ hội tốt cho các ca sĩ Việt Nam tiếp thị hình ảnh và giọng hát. Nhân đây, nếu có thêm khán giả nước ngoài biết đến Trịnh Công Sơn thì cũng không có gì là dở.

Không biết người Việt ở Mỹ có phong trào hát nhạc Bob Dylan không nhưng ở Việt Nam, có vài người nước ngoài hát nhạc Trịnh và được người Việt yêu mến. Còn Bob Dylan Việt Nam chẳng qua là cách gọi của Joan Baez để công chúng Mỹ đầu những năm 1970 dễ hiểu khi bà từ Việt Nam về, khoe đã gặp Trịnh Công Sơn. Bây giờ để thêm nhiều người Việt biết đến Bob Dylan, chắc cũng phải gọi ông là Trịnh Công Sơn Mỹ vậy.

Để đánh giá độ thành công của đêm Bob Dylan tại Việt Nam còn phải xem nhà tổ chức muốn hướng đến đối tượng khán giả nào, Tây hay ta. Nhóm nhạc tạm gọi là đương thời và mang tính thị trường khá cao như Backstreet Boys trước khi đến Việt Nam còn phải tiếp thị rình rang cả tháng. Trong đó có chiêu tổ chức thi hát nhạc của Backstreet Boys. Coi như một cách tế nhị nhắc khán giả ôn bài. Vì nếu đi xem các ngôi sao nước ngoài mà không giắt lưng lấy vài lời bài hát thì cảm nhận sẽ bị giảm ít nhất cũng phải 50%.

Ngôn ngữ trong ca khúc đóng vai trò trong việc truyền bá âm nhạc. Công nhận là nước Mỹ có nhiều người làm nhạc hay, nhưng nếu tiếng Anh không thông dụng đến thế thì khán giả thế giới cũng không có trách nhiệm nuôi sống nền công nghiệp âm nhạc Mỹ. Mỗi nước có một bản sắc âm nhạc riêng. Nhưng nhạc Mỹ đang lấn sân nhiều nền âm nhạc khác.

Nhân đây, lại nói đến mộng thành sao quốc tế của một số nghệ sĩ nội địa. Cứ cho là việc nổi tiếng thế giới ít nhiều khiến dân trong nước thêm phần tự hào đi, thì nó cũng còn lâu mới thực chất bằng việc người nghệ sĩ đó sống với dân tộc mình, và cống hiến cho đất nước mình. Như Trịnh Công Sơn đã làm được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.