Ai làm nên Hữu Loan, Bùi Giáng ?

Ai làm nên Hữu Loan, Bùi Giáng ?
TP - Đó là hai người vợ trẻ cùng mang tên Ninh.

> Thơ đương đại: Bất hạnh, lạc hậu?
> Khi 'Trẫm' Bùi Giáng tặng thơ cho các 'Đại ca'

Cái chết đột ngột vào buổi tinh sương đầu đời của họ, tạo ra những vết thương tinh thần choáng lộng cho hai chàng thi sĩ trẻ. Khiến cả hai trở thành những thi nhân dị kỳ, cả đời sống lẫn văn chương - những cá tính độc đáo bậc nhất của văn chương Việt thế kỷ 20.

Bài thơ Màu tím hoa sim bất hủ, Hữu Loan khóc nghẹn người vợ 17 tuổi Lê Đỗ Thị Ninh, chết đuối trên cầu giặt áo ở sông Chuồn (Nông Cống, Thanh Hóa) một buổi “gió sớm thu về rờn rợn nước sông” năm 1948. Khi hai người cưới nhau chưa đầy tháng, chàng thi sĩ đã lên đường hành quân. Khiến hơn 60 năm sau, từ giã cuộc đời ở tuổi 95, ông vẫn còn như thảng thốt...

Năm 1952, nơi núi rừng Trung Phước đầu ngọn Thu Bồn xứ Quảng, Phạm Thị Ninh, vợ thi sĩ Bùi Giáng cũng qua đời vì lam sơn chướng khí, khi tuổi mới ngoài đôi mươi. Cô nữ sinh xinh đẹp trường Viên Minh (Hội An) về làm vợ thi sĩ Bùi Giáng khi mới 17 tuổi. Chiến tranh loạn lạc những năm chống Pháp, nàng theo chồng lên rừng núi, chàng chăn dê đọc sách, nàng tằm tang dệt vải. Thế rồi, một sớm mai chàng hớt hải chạy tuôn từ trên núi về nhà khi hay tin dữ.

“Em chết bên bờ lúa/ Để lại trên đường mòn/ Một dấu chân bước của/ Một bàn chân bé con.../ Đêm cuồng mưa khóc điên/ Trăng cuồng khuya trốn gió.../ Máu trong mình mòn ruỗng/ Xương trong mình rã riêng” (Bờ Lúa - Bùi Giáng ).

Bùi Giáng bỏ chốn núi rừng vào Sài Gòn, “bắt đầu điên rực rỡ” về thi ca, tư tưởng.

Hữu Loan lìa xa phố phường Hà Nội, lên núi hoang quê nhà thồ đá, cày ruộng tránh biệt không để mắt để tai vướng vào những điều bất ưng, trọn đời làm “cây gỗ vuông chành chạnh” như ông tự viết về mình.

Bước đường tư tưởng và ngã rẽ không ngờ của những kẻ sáng tạo kỳ vĩ như Bùi Giáng, Hữu Loan thật khó bàn cạn. Nhưng ít ra, định mệnh thi ca và cuộc đời cả hai đã mang tên những người vợ tên Ninh.

LTS: “Sổ bụi” - mạn phép mượn tên một tác phẩm của nhà thơ Trần Dần - là tên gọi một chuyên mục mới của báo Tiền Phong trên trang Văn Hóa các số báo ra thứ Hai, thứ Năm và thứ Bảy kể từ tuần này. Sổ bụi là những lát cắt vui, buồn, nghịch lý cùng những chiêm nghiệm rút ra từ đời sống văn hóa, văn nghệ, văn chương đương đại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.