Truyện ngắn:

Ám ảnh

Minh họa: Trần Sơn.
Minh họa: Trần Sơn.
TP - “Hôm nay mẹ chết”. “Mẹ chết hôm nay”. “Hôm nay mẹ vừa chết”. T cứ lặp đi lặp lại điều đó trong tâm trí, rồi sau đó T viết ra đầy những note dán vàng chật kín trên tường.

T đang dịch lại tác phẩm L’Étranger của Camus từ nguyên tác tiếng Pháp ra tiếng Việt. Dòng đầu tiên đã bị chấn động ngay từ lần đầu T được đọc tác phẩm khi mới sang Pháp du học. T đến với Camus bằng một cơn mộng du không thể lý giải. Đôi khi T đi giữa đường phố Paris, T nhớ về người mẹ mà T chưa từng được chạm vào. Người mẹ đã chết mà T chỉ có thể ngắm qua một bức ảnh đóng kín. T tưởng tượng ra đám tang của mẹ. Người mẹ nằm trong quan tài, trong những giấc tưởng tượng ấy, xa xôi như hương khói.

Kẻ xa lạ.

T đã viết vô vàn những bài viết về cuốn sách lạ lùng ấy. Anh coi nó là một mệnh lệnh. Và cũng từ ấy T sưu tầm những hồi ức của mình, cố định chúng thành những dòng chữ nối đuôi nhau trên giấy.

T viết lại.

T chép lại.

Rồi T nghĩ rằng anh có thể dịch nó về thứ tiếng mẹ đẻ mà anh vô cùng yêu ấy.

Chúng ta có gì từ ấy?

Anh nằm yên trong căn phòng chi chít giấy vàng. T nghe thấy tiếng  Meursault thì thầm nhưng giọng nói rất rõ ràng mạch lạc.

Đúng giọng nói ấy – là thanh âm ấy “hôm nay mẹ chết”.

Anh bật dậy đọc tiếp vài trang sách, rồi đột ngột anh nhận ra không gian xung quanh anh đang thay đổi. Anh nhìn thấy mình đang ngồi ở một căn gác. Căn gác ấy nhìn xuống tòa án, trên đường phố Paris đang xôn xao người qua lại. Buổi chiều nóng đến ngột ngạt và rã rời. Buổi chiều u mê huyền diệu. Vì buổi chiều nóng ấy mà  Meursault đã giết người đấy thôi.

Người ta gọi T đến cơ quan. Vừa ngồi được vào bàn làm việc, anh đã nghe thấy một giọng nói sát bên tai mình, vừa hăm dọa, vừa khích lệ. À, cậu ta là thuộc ban nào nhỉ? T không nhớ ra được, nhưng có nói chuyện với cậu ta vài lần.

“Này, sếp dạo này rất không hài lòng về cậu. Cậu chẳng viết được cái gì ra hồn. Cậu cứ quẩn quanh với cái mà người ta đã làm nhàu nát rồi. Nói mãi về sự phi lý, về hiện sinh, về Camus để làm gì. Chẳng còn ai ở cái xứ này muốn đọc nó nữa đâu.

Tạp chí đang chuẩn bị làm về mùa xuân, cậu đã có đề tài nào chưa? Hay làm một bài về mùa xuân của người Việt ở Pháp. Cậu có nhiều bạn bè ở Pháp lắm mà.

Hôm nay là ngày nộp đề tài cho số mới. Nếu cậu không muốn mất việc thì số này hãy đăng kí làm đi. Người ta không nhận cậu về viện để cậu ngồi chơi xơi nước và mơ tưởng về Camus đâu”.

T vẫn im lặng.

Khi ấy khí trời mùa xuân đang rất nồm. Một chút mưa xà xuống những nóc nhà và chẳng đủ để khiến mặt đất ướt át. Nhưng bầu trời thì ảm đạm đến mức nếu cứ ngồi yên ở khung cửa sổ của viện mà nhìn ra ngoài, chắc sẽ có nhiều kẻ bật khóc.

Cuộc họp diễn ra vào cái buổi trưa đầy vẻ bi ai ấy.

Bao nhiêu ánh mắt đổ dồn vào T trong cuộc họp. T không lên tiếng. Anh không thể lên tiếng. Những đêm mất ngủ liên tục khiến anh thấy chóng mặt. Anh nhìn xung quanh, tất thảy đều như một cái lò thiêu, chúng đang đợi để được châm ngòi, để lột trần, và thiêu đốt tất cả chữ nghĩa của anh. Anh nghe thấy tiếng xung quanh thúc giục anh, yêu cầu anh. Những âm thanh vo ve trong đầu, như tiếng kêu của những chiếc búa gõ gõ vào não anh liên hồi. Không khí xung quanh đặc quánh lại. Anh phải há miệng ra để cố gắng đớp chút không khí.

Không khí mùa xuân thật đáng sợ.

Khuôn mặt anh tím lại, trông đờ đẫn như một thây ma. Những người bảo vệ của viện đưa anh xuống phòng này. Mọi người hay đùa đây là “phòng an thần”, vì vị bác sĩ già ở đây rất hiền lành, và luôn có đầy đủ thuốc an thần để giúp những nhân viên của viện thoát khỏi vài cơn khủng hoảng nho nhỏ do áp lực công việc.

Vị bác sĩ già nhìn anh, lắc đầu. T đã nhiều lần xin thuốc an thần của ông trước đây. Người bác sĩ nhớ mặt T, nhưng chưa bao giờ ông phải đọc hồ sơ của anh ta.

“Tiến sĩ văn học Phương tây tốt nghiệp ở Pháp”. Ồ, ông già lau lau kính, đang định đọc tiếp, thì viện trưởng của T bước vào. Một người đàn ông đĩnh đạc, và nhu mì.

“Về T à, ừm…” Ông ta ngập ngừng, nhìn vị bác sĩ già “T là một tài năng đấy, nhưng cũng bị xem là kẻ lập dị. Lúc mới về, cậu ta đã khiến những đồng nghiệp ngưỡng mộ vì những gì cậu ta nghiên cứu về Camus, phải nói là rất dày công, và tâm huyết. Nhưng sau đó, chúng tôi đều nhận ra, anh ta có vấn đề về thần kinh, có lẽ đọc nhiều quá nên ngộ chữ, đúng ra là bị chữ hành, bác sĩ có hiểu không?”.

Vị bác sĩ già lặng im.

“À, mà gia đình anh ta chắc cũng có chút vấn đề”, ông ta nói tiếp.

“Vấn đề, là sao?” – vị bác sĩ già cất tiếng hỏi, có chút ngập ngừng.

“Mẹ T chết lúc sinh anh ta. Sau đó cha của anh ta lấy vợ mới, và chính người mẹ kế này đã chăm sóc và đưa anh ta đi Pháp học. Nhưng vấn đề là, sau khi T đi Pháp một năm thì bà ta tự tử, chẳng biết vì lý do gì. Từ đó, T chẳng bao giờ về nhà thì phải. Cậu ta sống chung với một người phụ nữ, nhưng cô ta cũng chết cách đây hình như vài năm rồi”

“Vì sao ?”

“Tôi nghe bảo là tai nạn xe, hay đại loại thế. Vấn đề là, từ ấy cậu ta cũng chẳng nhắc gì về cô ta nữa, cứ như hai người họ chẳng có chút liên quan gì với nhau. Tôi nghĩ anh ta bị tâm thần thật, chỉ sống với những người tưởng tượng. Anh ta có khi còn chẳng nhớ tên của tôi.”

Vị bác sĩ già đưa tay nâng cặp kính lên, nhìn ông trưởng khoa, rồi nói:

“Tôi sẽ trò chuyện với anh ta để nắm thêm tình hình”.

“Chúng tôi cũng rất đau lòng vì T trở nên như thế này”.

“Ồ vâng, tôi thì gặp nhiều người ở tình trạng giống anh ta rồi”.

Họ bắt tay nhau thân tình như những người đã thấu hiểu tâm tư của nhau. Rồi sau đó, viện trưởng bước ra ngoài. Vẫn dáng đi đĩnh đạc và khiêm nhường ấy.

Vị bác sĩ già quay lại phòng nơi T đang đợi.

“Cậu ổn chứ?”

T không đáp.

“Cậu cần thêm một ít thuốc an thần”.

T không nghe thấy gì nữa. T cười – rồi anh đứng dậy, bước đi. Anh thấy mình đang bước đi trên đường phố của Paris thuở ấy. Hồi mới sang đến Paris, anh đã từng ở trong một căn phòng giống như căn phòng của  Meursault. Thỉnh thoảng Linh có ghé qua, đọc giùm anh  những bài viết về Camus. Linh sống ở Pháp lâu hơn anh. Cô chưa từng nghĩ sẽ về Việt Nam, vậy mà khi T về, Linh đã theo T về đây, để rồi rời bỏ T.

“Mẹ anh chết rồi”

Hồi T vừa đi được một năm thì T thông báo với Linh tin ấy.

T chưa bao giờ nhắc về mẹ thêm một lần nào. Những liều thuốc an thần dài ngày đều đặn đã giết chết người mẹ mà T yêu thương nhất. Nhưng T tin rằng, cái chết cũng là một sự đi về tuyệt đẹp. T cất giấu hình ảnh và bí mật về cái chết của mẹ ở tận sâu trong cõi lòng mình. Đó là vùng kí ức lãng quên. Là vùng ý ức không còn thuộc về sự nắm giữ của bản thân T.

 “T bị cuốn sách ấy làm cho điên loạn” – Đồng nghiệp cùng cơ quan lúc nào cũng nhìn anh bằng ánh mắt dò hỏi, tội nghiệp rồi thì thầm vào tai nhau điều ấy. Thỉnh thoảng đang đi giữa hành lang, anh bật cười. Anh nhận thấy rõ ràng mọi thứ. Hành lang trắng, dài, và tiếng nói ấy bật ra rất gần như thể từ phía những bức tường.

Kí ức của anh bị đóng băng, không thể nào bật ra được một hình ảnh nào. Chỉ còn lại duy nhất trong một căn phòng. Một căn phòng đóng kín, vuông vức, và không một cánh cửa sổ. Anh ở đây đã hai năm rồi, kể từ hôm Linh bỏ anh mà ra đi. Ở đây, màu sắc anh thường nhìn thấy chính là cái màu trắng băng giá và hư ảo ấy. Và thanh âm, tất cả thanh âm tụ lại chỉ là những giọng nói lặp đi lặp lại hàng ngày. Những hành lang ngoài hun hút ngoài kia, đặc dày những ảnh hình lướt thướt qua trong làn gió ẩm ướt của mùa xuân.

Trong cơn sốt ấy anh mơ về một vũ hội của lửa, lửa bùng cháy ngờm ngợp. Thân thể xung quanh ấy, tràn ngập những điệu vũ huyễn hoặc, rực đỏ của lửa. Cảnh sắc ấy nhấn chìm anh vào một khoái lạc man dại. Trong cơn say đắm ấy, những khuôn mặt vụt qua anh, như bóng chớp trong một vũ điệu mạnh. Đó  là những người anh quen mặt, đã từng nhìn thấy trong hành lang nào đó ở cơ quan. Mỗi người họ đang nắm trong tay một tờ giấy- tờ thông báo “hôm nay mẹ chết” mà đốt bùng lên ngọn lửa, rồi anh thấy mình cũng bị thiêu rụi trong cái lễ hội lửa ấy, những tàn tro bay lên dậy dềnh, dập dềnh, mắc trên khắp các ngõ ngách của thành phố. Một cơn choáng váng ập đến. Anh thấy tâm trí mình đã tỉnh táo, nhưng anh không thể nào mở mắt ra được anh. Anh cảm thấy thân thể trở nên rất nhẹ, rồi ngay sau đó, anh không cảm thấy điều gì nữa. Lúc có thể tỉnh dậy anh thấy mình đang  nằm trong căn phòng trắng toát, không có bất kì một âm thanh nào. T nghe thấy nhịp tim của mình. Chỉ nhịp tim đang đập, rất chậm.

Khuôn mặt Linh hiện ra, lấm tấm những vệt máu đỏ trên mặt. Những vệt máu đỏ đang loang đầy trên khuôn mặt, rớt xuống cằm, xuống vai, xuống tay Linh. Sau đó, không còn một dấu hiệu nào để nhận ra khuôn mặt cô, chỉ còn lại một máu đỏ, như ánh lửa đang bùng cháy.

Ngày Linh đi, thứ duy nhất cô mang theo là cuốn sách luận án nghiên cứu về Albert Camus mà anh đã kí tặng cô. “Anh chỉ có chữ nghĩa, và tấm lòng đem tặng em”. Ôi, cái thuở xa vắng lắm rồi, anh không nhớ nổi, anh đã ra sao khi có cô bên cạnh. Rồi lúc cô rời đi, cô cầm theo cuốn sách ấy, “là thứ duy nhất em thấy anh còn hiện hữu”. “Em mong muốn ta vẫn hiện hữu, nhưng rồi vẫn rời xa ta”. Thỉnh thoảng nằm im trong căn phòng, sau vài cơn mơ chập chờn, anh thường nghĩ về khuôn mặt Linh để tỉnh dậy. Cái khuôn mặt gầy mòn dần đi, cứ đi đi lại lại trong tâm trí anh. “Anh phải buông tha cho em chứ”; “Nếu anh buông em anh cũng sẽ trôi đi mất”; “Nhưng em không thể trở thành một oan hồn bị đóng đinh trong tâm trí anh mãi được”; “Oan hồn ư, bị đóng đinh ư, tại sao, tại sao?”.

 “Sao ngày ấy anh không đi theo em?”. Tiếng nói ấy vọng lại, hay vọng đến từ nơi vô cùng xa xôi nào đấy.  Anh thở hắt ra, rồi khuôn mặt Linh chỉ còn là màu đỏ. Linh biến mất. Thân xác cô tan ra, từng mảnh rất bé, rồi cứ thế bay đi. Anh nằm mãi trong căn phòng ấy, chẳng có gì khiến anh tỉnh lại.

Linh bỏ đi thật rồi. Trong căn phòng trắng ấy, T thấy Linh ném cuốn sách về phía mình, nhưng con chữ rớt ra lả tả, rõ ràng ban đầu anh thấy chúng là những con chữ, về sau chúng như teo dần lại, trông như những sợi tóc tơ dài, gầy gò và chẳng hiểu tại sao khi chúng đáp xuống thân thể anh, chúng lại biến thành những đám tro.

Trông những đám tro ấy mới gợi tình làm sao. Đám tro ấy rõ ràng như hình hài mượt mà của Linh. Anh muốn ôm lấy cái đám tro ấy mà vuốt ve, mà ân ái, nhưng anh không thể nào cử động được thân thể mình. Anh chỉ có thể ra lệnh cho đầu óc, và để thân thể anh hoạt động hoàn toàn bằng sự tưởng tượng của một tâm trí mãnh liệt.

Những đám tro vẫn lởn vởn bay mãi xung quanh căn phòng trắng, chật hẹp của anh. Anh không thể ngồi dậy, nhưng anh nghe thấy chuông báo động đổ nhiều lần, bầu không khí xung quanh anh bị xé toạc ra.

Nhịp tim của anh ra sao? Anh lại lên cơn co giật à? Anh chẳng quan tâm đến nữa. Thân thể anh sẽ nằm im đây, chẳng còn gì động đậy nữa.

Rồi anh thấy mình lái xe tới nghĩa trang thành phố.

Anh đứng trước ngôi mộ của Linh mà đốt những mảnh giấy note đầy chữ nghĩa của mình.

“Hãy giữ giùm anh. Hãy giữ giùm anh. Anh chỉ có điều này để trao em”

Anh đi lang thang trong nghĩa trang. Anh nhìn thấy tấm bia mộ của mình. Đã đến lúc rồi. Anh quay lại để làm gì? Với một hạng tầm thường như anh, rồi tất cả chỉ còn lại là một tàn tro không chút dấu vết. Anh phải ra đi như vậy, không thể khác được. Đáng ra, anh không được để Linh đi một mình như vậy. Anh thấy mình đến gần lắm rồi. Được nằm yên xuống, cạnh người con gái duy nhất nắm giữ chữ nghĩa của anh, trong không khí mùa xuân này, còn điều gì khiến anh dễ chịu hơn.

Ám ảnh ảnh 1Người điên luôn là một đối tượng hấp dẫn nghệ sỹ. Lý do đầu tiên và quan trọng, họ và những trạng thái tinh thần đặc biệt của họ rất gần với não trạng của người sáng tạo. Phải chăng đó là chủ đề, là ý muốn minh triết hoặc giản dị hơn – thanh minh cho một con người đặc dị? Dù sao mặc lòng, đi sâu vào đời sống nhân vật của Phong Linh trong truyện ngắn dưới đây là một việc thú vị, nhưng nhọc nhằn.

Phong Linh luôn chọn đề tài và cách viết khó (đọc). Nhà văn trẻ, cũng là người làm phim ngắn, hiện sống và làm việc tại TP HCM.

L.A.H

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.