Âm nhạc chưa có được vị trí xứng đáng

Âm nhạc chưa có được vị trí xứng đáng
Sáng 22/10, Hội Nhạc sĩ VN đã tổ chức hội thảo “Âm nhạc VN - thực trạng và phương hướng” với sự tham gia của đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn và đại diện Vụ Văn nghệ - Ban Tuyên giáo trung ương, nguyên chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Vũ Mão.
Âm nhạc chưa có được vị trí xứng đáng ảnh 1
Những buổi hoà nhạc như thế này được tổ chức rất ít. Ảnh: L.Đ

Đại đa số người đọc tham luận và phát biểu là các nhạc sĩ lão thành như Nguyễn Đức Toàn, Phạm Tuyên, Doãn Nho, Cát Vận..., thiếu vắng những khuôn mặt sáng tác trẻ.

Chỉ chưa đầy một nửa tham luận và ý kiến phát biểu có liên quan trực tiếp đến chủ đề hội thảo. Các tham luận này chỉ ra sự hỗn loạn của ca khúc và thị hiếu, trong khi vị trí của khí nhạc trong đời sống còn rất khiêm tốn và lý giải bằng những khó khăn cụ thể như thiếu sự đầu tư tài trợ, thiếu đam mê, thiếu trình độ, thiếu người biết thưởng thức...

Một số nhạc sĩ lão thành nhắc lại những thành tựu của âm nhạc trong quá khứ và cho rằng hiện nay thiếu vắng thế hệ tiếp nối. Chỉ có một nhạc sĩ tỏ ra tin tưởng vào thế hệ trẻ.

Gần cuối buổi hội thảo, nguyên chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Vũ Mão góp ý dưới góc độ nhận thức về vai trò của nghệ thuật và phương pháp quản lý nghệ thuật ở VN. Ông cho rằng nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng chưa có được vị trí xứng đáng trong nhận thức của Nhà nước và Chính phủ.

Ông cho rằng âm nhạc trực tiếp đi vào đời sống, bởi vậy có vai trò chính trị xã hội to lớn trong khi Nhà nước không coi Hội Nhạc sĩ là tổ chức chính trị xã hội mà chỉ coi là tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Vì thế Nhà nước chỉ hỗ trợ Hội Nhạc sĩ 1,5 tỉ đồng/năm. Như thế là quá thấp so với mức chi vài chục tỉ đồng dành cho những đoàn thể chính trị xã hội đã được công nhận. Nguyên nhân thứ hai khiến âm nhạc phát triển chưa mạnh nằm ở khâu quản lý nhà nước.

Ông Vũ Mão lấy ví dụ như Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thể thao nhưng lại thiếu một đầu mối xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến văn hóa nghệ thuật, thiếu người chuyên sâu, tâm huyết lắng nghe các vấn đề của nghệ thuật và đề đạt với cấp cao hơn.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Mão, văn bản pháp luật cho hoạt động văn hóa vẫn chỉ là cái khung sơ sài khiến “anh nào vận dụng kiểu nào cũng được” nên còn gây tranh cãi và bất đồng trong thực hiện.

Theo U.Ly
Tuổi trẻ

Phải xây dựng một thế hệ nhạc sĩ trẻ

Hội thảo do Hội Nhạc sĩ VN tổ chức, đã được hâm "nóng" bởi nhiều ý kiến:

Đang rất có "vấn đề"

Đời sống âm nhạc VN, qua các tham luận, có thể thấy tựu trung là rất có "vấn đề". Phần lớn ca khúc mới sáng tác bị chê là lai căng, ca từ phản cảm và dường như chỉ phục vụ một vài đối tượng. Không nằm ngoài tình hình sáng tác VHNT nói chung, âm nhạc, từ lâu vắng bóng những tác phẩm "đỉnh cao" như các thế hệ đi trước đã đạt được.

NS Đặng Hữu Phúc nêu một trong những cái thiếu chuyên nghiệp trong sáng tác ở ta là: "Không ít người chỉ viết có mỗi một dòng giai điệu cũng có thể trở thành "nhạc sĩ" rồi". Bên cạnh đó, ca sĩ - người thể hiện tinh thần tác phẩm cho các nhạc sĩ - phần lớn cũng không được đào tạo bài bản.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho rằng: Những sáng tác cho trẻ em lại đang rơi vào tình trạng vừa thiếu, vừa thừa: Thiếu những tác phẩm có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sáng tạo nghệ thuật và đặc điểm tâm - sinh lý của tuổi này; giữa chức năng giáo dục và chức năng giải trí; nhưng lại xuất hiện không ít tác phẩm thậm chí sai cả đường lối giáo dục.

Ông dẫn chứng album nhạc cho trẻ em của nhóm Huyền thoại có in dòng chữ "cấm người lớn trên 18 tuổi nghe!" - trong đó có nhiều lời ca dung tục. Và càng ngạc nhiên hơn khi thấy giải nhất ca khúc Hội Nhạc sĩ VN là bài "Anh Hai" cũng với nội dung ca từ tương tự...

Khí nhạc - một dòng âm nhạc kén người nghe - thì như nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Châu nhận xét: "Đang có những bước lùi. Ta vẫn giữ nguyên cái tự tin của tuổi mới lớn, hồn nhiên thơ ngây trong những tác phẩm còn mang dáng dấp bài tập thực hành, chủ yếu vận dụng kiến thức của TK XVIII - XIX pha chút phá cách của nửa đầu TK XX. Ta luôn có niềm khao khát muốn khẳng định mình trước nhiều ngả rẽ, nhưng chưa kịp định hình, định tính thực sự...".

Một điều nữa không kém quan trọng trong hoạt động âm nhạc, đó là công tác về quảng bá âm nhạc trên sóng phát thanh, truyền hình và trên Internet hiện nay với những ưu điểm và mặt trái của nó, cũng được NS Cát Vận trình bày trong một tham luận khá công phu. Trong đó, có nêu thời lượng cho những tác phẩm âm nhạc chính thống còn chưa được chú trọng, công tác biên tập còn yếu và thiếu.

Từ đâu nên nỗi?

Vậy nguyên nhân từ đâu? Từ phía các nhạc sĩ? Từ các ca sĩ mà phần lớn trong số họ không phải khổ luyện cũng trở thành "sao"? Tuy nhiên, khác hẳn với phần lớn ý kiến lo lắng về hiện trạng âm nhạc ở ta, NS Nguyễn Cường lại tỏ ra lạc quan.

Ông cho rằng: "Không nên quá lo lắng về việc xuất hiện nhiều ca khúc hay CD "thị trường". Hãy coi đó là cuộc chơi riêng, nơi thể hiện khát vọng của những người sáng tác trẻ và chúng ta sẽ tìm được trong đó những tài năng thực thụ.

Còn gì buồn hơn, nếu như các NS trẻ bây giờ vẫn sáng tác theo khuôn mẫu của thế hệ trước? Chúng ta phải tự thân vận động. Quan trọng là, chúng ta có khát vọng không? Tôi tin rằng, với khát vọng và khả năng hiện có, chúng ta sẽ làm được".

Kết thúc hội thảo, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN Đỗ Hồng Quân kết luận, trong thời gian tới, hội sẽ tập trung tăng cường chức năng giáo dục và truyền bá âm nhạc, chăm lo cho việc xây dựng một thế hệ nhạc sĩ trẻ có thể tiếp tục phát triển nền âm nhạc VN, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Trương Hoàng ghi
Lao động

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".