Âm nhạc TPHCM: Trở lại những tình khúc xưa

Âm nhạc TPHCM: Trở lại những tình khúc xưa
TP - Không ồn ào, sôi động và ít quảng bá, nhiều phòng trà, bar nhạc ở TPHCM có xu hướng trở lại với những tình khúc xưa cũ.

Cuối tuần đầu tiên của tháng, ATB sẽ có 4 đêm liên tục với những ca khúc bất hủ của Văn Cao.

Giữa tháng, ATB làm tiếp 2 đêm “Ngày xưa Hoàng Thị” với những tình khúc Phạm Duy. Ngoài giọng ca chủ lực của bà chủ thì các ca sĩ tham gia có những người khá trẻ, trẻ hơn rất nhiều so với tuổi của những tình khúc.

Khán giả muốn thả hồn về với giai điệu xưa còn có thể đến phòng trà 2b, Đồng Dao… thưởng thức lại nhiều ca khúc của Nguyễn Đình Chương, Đặng Thế Phong, Tô Vũ, Trần Hoàn… qua những giọng ca mới.

Ngoài các giọng ca chuyên trị nhạc xưa tại phòng trà như Quang Minh, Quang Dũng, Đức Tuấn, nhiều giọng ca ăn khách nhạc thị trường cũng mon men hoài cổ. Hồ Ngọc Hà, Lê Hiếu, Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thảo, Hiền Thục, Phương Thùy… tuy không sung sức như khi hát nhạc thị trường nhưng họ vẫn có một lượng khách nhất định.

Lý giải xu hướng này, ca sĩ Duy Quang- người chuyên về nhạc Phạm Duy tại các phòng trà cho rằng: “Các tác phẩm đó đã được khẳng định theo thời gian. Ca từ, giai điệu của nhiều tình khúc đã ăn sâu vào nhiều thế hệ khán giả nên họ muốn tìm lại. Hơn nữa, các ca khúc thị trường đa phần sớm nở tối tàn nên không đủ sức hút khán giả, đặc biệt là người kỹ tính”.

Một khó khăn cho ca sĩ khi tìm về ca khúc ngày xưa là họ sẽ hát lại y hệt những giọng ca  vang bóng một thời hay làm mới bài hát theo phong cách riêng?

Các ca sĩ trẻ thành danh trong nhạc xưa như Quang Dũng, Xuân Phú, Đức Tuấn từng bị coi là bản sao của Tuấn Ngọc (hải ngoại). Còn Thanh Lam khi bạo dạn thể hiện các ca khúc của Trịnh Công Sơn theo phong cách mới thì bị chê “phá nhạc Trịnh”.

Tuy nhiên đi tìm lại bản sắc của những ca khúc cũ đã cho thấy xu hướng của khán giả đang ngày càng đa dạng hơn.

Đối với những khán giả thuộc thế hệ 6X, 7X, đã đành, nhưng với khán giả 8X và tuổi teen, sự nông cạn của các ca khúc thị trường cũng chỉ thu hút họ trong thời gian ngắn.

Một bạn trẻ ở Bar M&Tôi phát biểu: “Ban đầu em cảm thấy nhạc xưa có vẻ hơn ủy mỵ, nhưng nghe kỹ thấy lời hát như thơ, giai điệu rất nhẹ nhàng dễ nhớ, càng nghe càng thấy hay”.   

MỚI - NÓNG