Âm thầm bao dịch giả: Những bài hát Nga lay động một thời

Âm thầm bao dịch giả: Những bài hát Nga lay động một thời
TPCN - Có lẽ, niềm sung sướng lớn nhất của những thiếu niên các thành phố tạm bị chiếm như tôi từ ngày hòa bình lập lại (1954), là được hát nhiều bài hát mới của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và thế giới.
Âm thầm bao dịch giả: Những bài hát Nga lay động một thời ảnh 1
Nhạc sĩ Phạm Tuyên, người đã có công dịch nhiều bài hát Nga sang tiếng Việt  ảnh: H.V

Ngày ấy, không hiểu sao, các anh chị tôi kiếm được một tập bài hát dày cộp in rô-nê-ô. Đó là tập bài hát được ấn hành từ Khu Học Xá của ta ở Trung Quốc, do những người học ở đấy mang về.

Và thế là cả nhà tôi quây quần bên cây guitare của anh tôi, suốt ngày tập hát. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không mảy may quên những bài hát ấy, đặc biệt là những bài hát Nga.

Không hiểu sao giai điệu những bài hát Nga có sức mạnh gì mà cuốn hút cả thế hệ chúng tôi lớn lao đến thế. Nhưng có một điều mà chúng tôi ngày ấy và có lẽ cả hôm nay là mặc dù rất thích hát những bài hát ấy nhưng tên tác giả và tên dịch giả thì chẳng mấy ai biết.

Bao dịch giả đã lặng lẽ lan truyền những giai điệu quyến rũ đó đến với chúng tôi bằng những bản dịch ca từ tràn đầy tình cảm. Tuy nhiên, giữa những dịch giả giấu tên ấy, vẫn còn những người chúng ta biết đến, quý trọng và yêu mến.

Bài hát Nga đầu tiên mà tôi thuộc rồi mang đi hát ở đội thiếu niên là bài “Có một thiếu niên thành Lêningrát” trong tập bài hát của Khu Học Xá mà tôi đoán người chép nhạc, và dịch lời là nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Có thể vì dịch nhiều quá nên nhạc sĩ Phạm Tuyên ngại ghi tên mình vào mà cứ chép ra như vậy thôi? Bài “Có một thiếu niên thành Lêningrát” còn được ghi dưới đầu đề một câu rất lạ là: “Dân ca mới Liên Xô”.

Có lẽ đó là một bài hát đã rất phổ biến trong nhân dân Liên Xô nên nó mới được suy tôn như vậy. Lời dịch bài hát hay đến nỗi tới bây giờ, tôi vẫn không quên cả năm lời. Xin ghi ra một lời mà tôi thích nhất:

Chiều nay nơi xa vắng lấp lánh ánh đèn
Một cô em chạy ra đón chiến sĩ đi qua
Sáng sớm cô đã có đây
Lấy nước trong và mát lành
Để hiến anh một bi đông đầy.

Đời lính của tôi cũng đã bao lần được đón những bi đông nước như thế, nên tôi thấm thía lắm.

Ở tập bài hát Khu Học Xá, bên cạnh những bài hát không ghi tên dịch giả mà tôi đoán có lẽ là nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng những bài có ghi tên ông, còn có những dịch giả khác như Hoàng Đạm với “Được mùa”, Đức Vinh với “Mùa xuân đã đến trên chiến trường của chúng ta”, Lê Hữu với “Trời chiều”.

Ngô Quang Dư và Tôn Sơn với “Ca sinh viên”, Lý Trọng Hưng với “Đời nở hoa”, Quang Huy với “Hát đối”… Và nhiều năm tháng sau, thế hệ chúng tôi vẫn tiếp tục hát những bài hát Nga bằng những bản dịch truyền khẩu không rõ dịch giả là ai.

Chúng tôi còn hát và thuộc những bản dịch khác nhau, mà bản nào cũng thấy hay cả. Không biết chị Đặng Thùy Trâm thích bài hát “Suliko” thì chị và chị Thà đã song ca bản dịch nào?

Bản dịch của Khu Học Xá hay bản dịch khuyết danh mà tôi thuộc? Song đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga thì tôi thấy bản dịch tôi thuộc vừa sát nghĩa và vừa hay hơn:

Bao nhiêu ngày tôi đi kiếm tìm quanh
Nơi nao người tôi yêu nấm mộ xanh
Lang thang tìm không thấy tôi đi cho đến bao giờ
Chín suối em hay chăng Suliko?

Có lẽ lúc đó, các dịch giả ở Khu Học Xá đa số là dịch các bài hát Nga qua bản dịch tiếng Trung Quốc nên nghĩa chính của lời Nga đã được dịch một lần rồi, bởi vậy dịch thêm qua tiếng Việt tuy không phải là “tam sao thất bản” nhưng nghĩa đã ít nhiều xa với bản gốc.

Ví dụ bài hát “Đỉnh núi Lê Nin” rất quen thuộc thì bản dịch ở Khu Học Xá là “Đồi Lê Nin”. Cả hai bản dịch đều không ghi tên dịch giả, nhưng có vẻ “Đồi Lê Nin” xa với bản chính hơn “Đỉnh núi Lê Nin”.

Song ngược lại, cũng là bài “Mặt trời khuất sau núi” thì tuy bản dịch của Trung Kiên sát nghĩa hơn, nhưng lại ít chất thơ hơn và ít được phổ biến hơn bản dịch lấy đầu đề là “Trời chiều” của Lê Hữu:

Đỉnh non xanh thắm
Đã che ánh chiều
Màn sương trắng âm thầm mờ che suối con bên chân đèo
Một người chiến sĩ áo đã phai màu
Còn nhịp chân bước nhanh khát khao ngọn lửa ấm.

Tình trạng những bản dịch hay chỉ được lan truyền trong người mến mộ trong khi những bản dịch ít người thuộc thì lại được ấn hành vẫn còn đang hiện diện ở tuyển tập 100 bài hát Nga yêu thích mang tựa đề “Triệu triệu bông hồng”.

Bài “Hắc Hải của tôi” với bản dịch của nhạc sĩ Hồ Bắc (có lẽ dịch qua tiếng Pháp) rõ ràng là chưa phổ biến bằng bản dịch khuyết danh mà nhiều thủy thủ và lính thủy thời đó đã thuộc:

Biển bờ còn chói sáng trong đêm khuya
Cuồn cuộn ngàn sóng nước trôi về
Gửi người yêu tôi nơi xa xôi
Biển đầy tình mến thương muôn đời
Và giờ nay mẹ hiền đang mong
Mong tin con chờ đàn chim bay tới
Tháng năm trôi qua trên biển khơi này
Tiếng sóng vỗ chan hòa trong gió
Như câu ca bên bờ biển Đen.

Bài “Chiều ngoại thành Maxcơva” với lời dịch của Vũ Tự Lân có vẻ sát nghĩa hơn nhưng cũng không thể xóa nỗi ám ảnh của “Chiều ngoại ô Maxcơva” xưa kia đã hằn sâu vào tâm trí bao người:

Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào
Rừng cây chim muông lắng hót canh thâu
Hỡi em thấu chăng tình anh lòng bao trìu mến
Mátxcơva trong chiều vắng thanh bình.

Thời đó nghèo khó sao giàu tiếng hát đến thế.

Giao thừa thì hát “Nâng cốc” vừa tiếng Nga: “Etxli nà pờ ra zơ nhịch kè”… vừa tiếng Việt: “Được cùng đồng chí tưng bừng”. Lúc hùng tráng lên đường thì hát “Bài ca tuổi trẻ sôi nổi”. “Dà-bô-ta u-nát pra-xờ-tai-a” chen lẫn với “Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ…”.

Khi sung sướng và hồn nhiên thì “Cuộc sống ơi! ta mến yêu người” vừa xì xồ: “Ià lìu-bơ-liu che-bìa” vừa trầm ấm: “Cả tình yêu trao cuộc sống”. Bài hát Nga dường như đã gắn liền không thể tách rời trong không gian ca hát Việt thời đó qua các bản dịch.

Ngày tròn mười tám tuổi, không hiểu sao vừa hát giai điệu “Này bạn ơi! Khi mười tám tuổi xuân, biết bao niềm mơ ước” vừa ứa nước mắt vì luyến tiếc những năm tháng ngây thơ đã mãi đi qua không bao giờ trở lại.

Nếu thời đó, có người dịch lời bài hát Nga bằng tiếng Trung Quốc hay tiếng Pháp thì cũng lại có người dịch những bài hát quốc tế thông qua tiếng Nga.

Những giai điệu Nga, những giai điệu thế giới thông qua các bản dịch khuyết danh đã tràn vào tuổi trẻ chúng tôi, gây hưng phấn cùng những bài hát của các nhạc sĩ trong nước.

Hát mê mải trên giảng đường sơ tán. Hát mê mải ngày vào Quảng Trị quyết chiến. ở mùa hè đỏ lửa này, quân ta đã “xài” tên lửa Ca-chiu-sa. Bởi thế, lính vừa đánh vừa thích hát và nghe bài “Ca-chiu-sa”.

So với bản dịch Khu Học Xá với cái tên “Gửi người chiến sĩ biên thùy”, bản dịch của nhạc sĩ Phạm Tuyên với cái tên “Ca-chiu-sa” trong tập “Triệu triệu bông hồng” tuy có sát hơn và giai điệu được ghi đúng nguyên bản chứ không “Mô-đi-phê” như bản “Gửi người chiến sĩ biên thùy”, nhưng khổ nỗi, lính ta đã quá thuộc cái bản cũ nên nó vẫn có giá trị xã hội rất lớn.

Cái cô Ca-chiu-sa nào đó ra bờ sông ngóng người yêu thì thấy bờ sông cao và dốc thẳm, tức là biết sự trở về từ mặt trận của người yêu thật khó khăn mà bằng hình tượng như thế thì… “trên cả tuyệt vời”.

Sao cái cảnh lính ta vào đánh Thượng Đức mùa mưa 1974 lại giống y như cái lời bản dịch bài “ánh lửa” mà tôi thường hát cùng đồng đội: “Giờ này đây nơi tiền tuyến quang vinh – Còn chờ đón chiến sĩ mình – Tình bạn mới bao bạn mến thân yêu – Còn chiến đấu bên nhau nhiều – Quyết chiến đấu đến giờ phút cuối cùng – Vì tổ quốc ta kiêu hùng – Vì ánh lửa muôn đời sáng trong ta – Vì người yêu đang chờ ta”.

Thống nhất đất nước, lính giải ngũ về nhà. Ngày chống Pháp đã hát “Giờ này anh về đâu hỡi người bạn cũ cùng binh đoàn – Đã chiến đấu cùng nhau trên dặm đường xa – Nếu giờ này bạn hiền còn thiếu một gia đình – Xin bạn đừng ngại ngần về chốn quê tôi – Miền đông quê phì nhiêu – Nông trường lời hát hòa êm đềm – Có nhiều cô đẹp hơn tiếng ca ban chiều”. Thì chống Mỹ xong cũng lại “Giờ này anh về đâu?”.

Về sau này, những bài hát Nga đương đại ít vào Việt Nam hơn trừ “Điệu nhảy trên trống”, “Địa chỉ của tôi – Liên bang Xô Viết”, “Triệu bông hồng”… Phải chăng vì chúng ta thiếu những dịch giả âm thầm và tâm huyết như ngày xưa?

Những dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, vẫn thấy hát những bài hát Nga từ nửa thế kỷ trước. Còn người Nga sau một thời gian dài lan truyền những bài hát của mình đi bốn phương, thì giờ đây nhiều người đã lang thang hát rong ở châu Âu.

Năm ngoái trong dịp đi châu Âu, tôi đã từng vui hát cùng họ và để lại cho họ vài euro. Một cử chỉ như để hàm ơn những bài hát Nga và những dịch giả âm thầm của nó ở Việt Nam đã dạy tôi biết hàm ơn như thế.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.