“American Idol” và những hiệu ứng âm nhạc khắp thế giới

“American Idol” và những hiệu ứng âm nhạc khắp thế giới
“Thần tượng nước Mỹ” (American Idol)  là một chương trình của hãng Fox nhằm phát hiện và bồi dưỡng tài năng âm nhạc Mỹ - đang gây nên cơn sốt trong giới truyền thông. Chương trình này trở thành tấm gương cho 33 chương trình khác trên khắp thế giới.

Thường các chương trình truyền hình kiểu này đều chỉ gây sốt trong thời gian ngắn rồi lắng dần, thế nhưng sau 4 năm phát sóng, dường như “Thần tượng nước Mỹ” càng ngày càng thu hút hơn. Loạt chương trình giới thiệu phần biểu diễn của thí sinh vào thứ Ba hàng tuần hiện đang liên tiếp dẫn vị trí số 1 trong giờ cao điểm với lượng khán giả 28,9 triệu người / lần phát sóng. Chương trình thứ Tư (thời điểm có 1 thí sinh bị loại) khiêm tốn ở vị trí thứ 3 với 25,6 triệu lượt người, tạm thời đứng sau chương trình “CSI” của hãng truyền hình CBS.

Theo ước tính của tờ USA Today, “Thần tượng nước Mỹ” và các ca sĩ thành danh từ chương trình đã thu về hơn 900 triệu đô-la trong năm 2004 từ quảng cáo, bán các album và  vé vào cửa. “Thần tượng nước Mỹ” lần 1 thuộc về Kelly Clarkson, cô gái trẻ đang làm khuynh đảo thị trường âm nhạc Mỹ. Người chiến thắng ở mùa giải thứ 2 là Ruben Studdard, mùa giải thứ 3 là Fantasia Barrino.

Được phát sóng đến 85 quốc gia, chương trình này là tiền thân của 33 chương trình khác trên khắp thế giới, trong đó có “Thần tượng Ca-na-đa”, “Thần tượng Ấn Độ” và “Thần tượng nhạc Pop” ở Anh.

Nhà sản xuất âm nhạc Simon Cowell, vị giám khảo với những nhận xét “vỗ mặt” của chương trình nhận định: “Nếu  tất cả chúng tôi đồng tâm nhất trí, chắc chắn chương trình tiếp tục thành công vang dội ít nhất 10 đến 20 năm nữa”.

Các thí sinh tham dự cuộc thi phải ký một hợp đồng cho phép ông bầu Simon Fuller được quản lý sự nghiệp ca hát của họ trong vòng 3 năm nếu họ trở thành người chiến thắng. Fuller lập luận: “Tất cả danh tiếng của họ đều nhờ chương trình của chúng tôi mà có được”.

Theo tạp chí âm nhạc Billboard, năm ngoái ước tính khán giả đã phải bỏ ra hơn 28 triệu đô-la để mua vé xem các chương trình , trong đó 40% là các chương trình lưu diễn của những thí sinh lọt vào chung kết. Các buổi biểu diễn này đều có mức lãi ngất ngưởng vì chỉ có một ban nhạc được thuê chơi từ đầu đến cuối chương trình và sân khấu cũng được dàn dựng tương đối đơn giản và tiết kiệm.

Cũng trong năm 2004, ước tính người tiêu dùng Mỹ đã phải móc hầu bao khoảng 215 triệu đô-la để mua các sản phẩm mang thương hiệu “Thần tượng nước Mỹ”: Đồ chơi, trang sức, quần áo, kẹo, sách, tạp chí và cả các game.

MỚI - NÓNG