Ấn Độ cấm phim về ám sát bà Gandhi

Ấn Độ cấm phim về ám sát bà Gandhi
TP - Ấn Độ vừa cấm phát hành bộ phim “Kaum De Heere” (Những viên kim cương của cộng đồng) có nội dung về vụ ám sát bà Indira Gandhi - Thủ tướng Ấn Độ giai đoạn 1966-1977 và 1980-1984. 

Trước đó, cơ quan chức năng Ấn Độ nhận được nhiều ý kiến cho rằng, bộ phim (dự kiến công chiếu từ 22/8) ca ngợi những người ám sát bà Gandhi. Các cơ quan tình báo Ấn Độ cảnh báo rằng, nếu phim được công chiếu, bạo lực trong dân chúng có thể xảy ra. 


Phim kể về hai vệ sĩ (theo đạo Sikh) của bà Gandhi; họ bắn 33 phát đạn vào ngực và bụng bà Gandhi hồi tháng 10/1984, rõ ràng là để trả thù việc bà quyết định gửi quân tham gia vụ càn quét đẫm máu ở Đền Vàng.

Các tín đồ Sikh giáo nói rằng, hàng nghìn người bị giết hại khi quân đội xông vào đền thờ linh thiêng nhất của đạo Sikh ở thành phố Amritsar thuộc bang Punjab để quét sạch phiến quân.

Vụ ám sát bà Gandhi dẫn tới sự bùng nổ các vụ bạo lực của dân chúng nhằm vào tín đồ Sikh giáo; hơn 3.000 người theo đạo này bị giết hại trong các vụ tấn công khắp Ấn Độ.

Hội đồng duyệt phim trung ương của Ấn Độ quyết định tạm thời cấm chiếu “Kaum De Heere” với lý do việc chiếu phim có thể dẫn tới tình hình bất ổn, vi phạm luật pháp, hãng tin Ấn Độ Press Trust of India đưa tin. 

Ở bang Punjab, đảng Quốc đại (bà Indira Gandhi từng lãnh đạo) đe dọa tiến hành các cuộc biểu tình nếu “Kaum De Heere” được trình chiếu. Đảng này cho rằng, phim xây dựng hình ảnh những kẻ ám sát như người hùng.

Trọng tâm của phim là hai vệ sĩ Satwant Singh và Beant Singh. Ngay sau vụ ám sát, Beant bị cảnh sát bắn chết, còn Satwant sau đó bị bắt và bị kết án bằng hình thức treo cổ (thi hành năm 1989).

Theo Theo BBC, PTI
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.