“Ăn xổi, ở thì”- lợi bất cập hại

“Ăn xổi, ở thì”- lợi bất cập hại
TP - “Ăn xổi, ở thì” là thói quen xấu thời nào cũng có. Song nó không phải là tật xấu “thâm căn cố đế” , “nhất thành, bất biến” của con người mà phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, môi trường sống.

Cùng một người nhưng lúc này, lúc khác, nơi này nơi khác tư tưởng “ăn xổi, ở thì” biểu hiện khác nhau.

Một công chức nhà nước có thành tích được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý. Đầu nhiệm kỳ, ông ta rất mẫn cán, lãnh đạo, chỉ đạo đâu ra đấy, biết nhìn xa trông rộng, thế nhưng cuối nhiệm kỳ lại xuề xoà, dễ dãi, sẵn sàng ban phát bổng lộc cho cấp dưới với tư tưởng “mình sắp nghỉ rồi, chuyện tương lai đã có người khác lo”.

Tư tưởng đó có thể đưa lại cho ông ta chút lợi lộc trước mắt nhưng để lại hậu quả nặng nề cho người kế nhiệm.

Một công trình xây dựng cần giải phóng mặt bằng. Ban quản lý dự án xây dựng khu tái định cư không đảm bảo chất lượng, chỉ làm sao di dời dân ra khỏi công trình càng sớm càng tốt.

Dân đến khu tái định cư không ở được vì cơ sở hạ tầng không đồng bộ, nhà cửa xuống cấp… Hậu quả là Nhà nước, nhân dân phải bỏ tiền sửa chữa, khắc phục “ tiền vá quá tiền may”.Vì cái lợi trước mắt của nhà đầu tư mà đánh mất lòng tin của nhân dân, những lần sau vận động di dời tái định cư sẽ gặp nhiều khó khăn.

Sinh viên vào trường đại học với 4 – 5 năm học tập tốn kém. Nhiều người biết tình yêu sinh viên thường ít khi “đơm hoa, kết trái”. Thế nhưng để giải quyết khó khăn về tài chính và tình cảm, họ chọn lối sống “góp gạo thổi cơm chung”.

Tốt nghiệp ra trường, đường ai nấy đi. Hậu quả là: nhiều chàng trai mất niềm tin vào phụ nữ, vào tình yêu và lòng chung thuỷ, có người mắc bệnh “sợ lấy vợ”; nhiều cô gái sau khi đã đánh mất “cái ngàn vàng” bị  khủng hoảng tâm lý,  mặc cảm với đời, không dám yêu,  thậm chí có cô hy sinh luôn quyền làm mẹ do nạo hút, phá thai nhiều lần.

Trong giáo dục đào tạo, nổi lên căn bệnh thành tích mà toàn ngành đang quyết tâm chống. Cô giáo dạy lớp 1 biết học sinh mình yếu kém nhưng chặc lưỡi cho qua, thôi thì để lên lớp 2 có người khác lo, dại gì bắt học sinh lưu ban để mất thành tích, tức là mất đi danh dự và chút tiền thưởng.

Cứ thế, cô giáo lớp 2, thầy giáo lớp 3, lớp 4, lớp 5 cũng cho qua. Kết quả là học sinh  tốt nghiệp tiểu học nhưng không biết đọc, biết viết chính tả, cuối cùng là cho ra đời một thế hệ yếu kém.

Bệnh thành tích suy cho cùng bắt nguồn từ tư tưởng “ăn xổi, ở thì” ; chỉ vì chút danh dự, thành tích “ảo” của một cá nhân, một tập thể nhỏ, vì mấy đồng tiền thưởng mà hy sinh quyền lợi của một thế hệ, một dân tộc.

Bác Hồ kính yêu đã dạy: “ Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, mong rằng các nhà giáo chúng ta hãy suy nghĩ  lại, không chỉ chống  bệnh thành tích mà phải chống tư tưởng “ ăn xổi, ở thì”.

Còn có thể kể ra nhiều câu chuyện khác ở những giai tầng xã hội khác. Đó là tư tưởng “ bán lúa non”,  cho heo ăn chất kích thích để nhanh tăng trọng …, tất cả đều “ lợi bất cập hại”.

Ngày xưa, khi Kim Trọng gặp Thuý Kiều “Sóng tình dường đã xiêu xiêu / Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”, Thuý Kiều đã lựa điều hơn lẽ thiệt để khuyên can Kim Trọng, phải biết  chờ đợi, biết kìm nén những ham muốn thể xác để xây đắp hạnh phúc  tương lai:  “Phải điều ăn xổi ở thì/Tiết trăm năm lỡ bỏ đi một ngày “….

Ngày nay, ta sống trong thế giới hội nhập, mở cửa, mọi quan niệm đều thông thoáng hơn. Song thiết nghĩ, dù thời đại nào thì cũng cần phê phán, đấu tranh để loại bỏ dần tư tưởng “ ăn xổi, ở thì” ra khỏi đời sống xã hội, tình yêu, hôn nhân và gia đình.

Thuỳ Hương
(Tuy Hoà, Phú Yên)

MỚI - NÓNG