André Menras kể chuyện làm phim về Hoàng Sa

Andre Menras trò chuyện với nhân vật trong phim của ông
Andre Menras trò chuyện với nhân vật trong phim của ông
TP - Ba năm sau cách phổ biến phim kiểu “du kích”, André Menras (Hồ Cương Quyết) có thể đường hoàng chiếu, kể chuyện làm Hoàng Sa- Việt Nam: Nỗi đau mất mát, sáng 10/7 tại Hội Nhà văn Hà Nội.

Nỗi đau có thật

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nói ngay sau khi xem, phim cho thấy “nỗi đau có thật”. Hoàng Sa-Việt Nam: Nỗi đau mất mát của André Menras làm năm 2011, theo lời phi lộ “không mang tính chính trị”. Tuy nhiên, nó xoáy vào nỗi đau của những phụ nữ ở Bình Châu, Lý Sơn (Quảng Ngãi) mất chồng vì thiên tai, địch họa-tố cáo hành vi vô nhân tính của Trung Quốc với ngư dân Việt Nam.

“Một sáng năm 2006, ngồi cà phê với nhóm bạn Tà ru (Tù ra- tù chính trị Côn Đảo), tôi đọc báo thấy tin một tàu ngư dân ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc bắt. Tôi hỏi làm sao lại bị bắt, Trung Quốc là bạn của Việt Nam cơ mà. Bạn bè ngại không nói. Sau đó tôi bắt đầu nghiên cứu và nhận ra, đó không chỉ là vấn đề con người mà là vấn đề chủ quyền của Việt Nam. Tôi quyết định vào cuộc, với ý định một mình đến Lý Sơn làm phóng sự, theo chân ngư dân ra biển đánh cá”, Menras kể.

Chủ tịch nước thời ấy là ông Nguyễn Minh Triết đã đồng ý tạo điều kiện cho người đàn ông Pháp này làm phim, còn ký quyết định cho phép ông nhập quốc tịch Việt Nam. Mọi chi phí di chuyển, quay, dựng phim đều do hãng TFS đảm nhận, Menras tự bỏ chi phí cá nhân.

Phim hoàn thành trong khoảng ba tuần. Ba tháng trước đó, Menras sống cùng ngư dân Quảng Ngãi. Là tay ngang làm phim, nhưng André Menras chọn cách tiếp cận khôn khéo. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng, tay nghề chỉ là chuyện phụ, bởi cách tiếp cận, tri thức rất tốt, nhất là miêu tả tư liệu dân tộc học ở cuối phim (hình ảnh làm mộ gió, nặn hình nhân bằng đất sét, có đủ xương sườn, nội tạng, mạch máu).

Không đao to búa lớn về khẳng định chủ quyền, mà hết sức tự nhiên qua những cuộc đối thoại giữa ông Tây với vợ góa của ngư dân, con cái họ: “Làm sao mà không đi biển chứ, Hoàng Sa là nhà của mình mà”.

André Menras nói: “Tôi hiểu họ cực khổ thế nào. Bão đáng sợ ở biển Đông, với chiếc tàu mã lực nhỏ họ vẫn đi. Nhưng thách thức lớn hơn, nguy hiểm hơn là phải đối đầu với tàu Trung Quốc nhăm nhe bắt giữ, đánh đập, giam cầm, tịch thu máy móc. Họ đúng là anh hùng, xứng đáng mang tên chiến sĩ hòa bình của Việt Nam”.

Đạo diễn Đào Thanh Tùng mới đây làm phim tài liệu André Menras-Một người Việt, kể lại hành trình từ thầy giáo người Pháp treo cờ Mặt trận giải phóng miền Nam, bị đầy ra Côn Đảo, sau này tích cực đấu tranh vì người Việt. Trong phim có đoạn Menras và các bà vợ góa ở Lý Sơn xem bộ phim do ông thực hiện. “Lần đầu họ trông thấy mình trên ti vi họ khóc, tôi cũng thế. Khi thực hiện Hoàng Sa-Việt Nam: Nỗi đau mất mát, tôi biết câu chuyện của họ rồi nên kìm được, nhưng anh quay phim có nhiều đoạn xúc động mạnh, phải ngừng quay”, Menras kể.

Phải chiếu phim cho Trung Quốc

Vỏn vẹn một tiếng giao lưu, với một André Menras nỗ lực nói tiếng Việt lơ lớ, hội trường ở 19 Hàng Buồm chộn rộn những tràng pháo tay. Nhà văn Hoàng Quốc Hải bắt tay Hồ Cương Quyết, nói “xứng đáng công dân Việt Nam tiêu biểu”. Nhiều hội viên khác cũng bày tỏ sự khen ngợi, tôn trọng chân thành dành cho người đàn ông Pháp, nay được coi là công dân Việt Nam, rằng “rất có ý thức về trách nhiệm công dân”.

Một số người cho rằng, phim này nên được dịch phụ đề tiếng Trung để chiếu cho người dân Trung Quốc xem, để họ hiểu những gì đang xảy ra. Hồ Cương Quyết nói ông liên hệ với một số dịch giả để tác động tâm lý hàng chục triệu bà mẹ, phụ nữ Trung Quốc. Ngay sau buổi chiếu phim, con gái tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc) xung phong nhận trách nhiệm. Lập tức dịch giả khác “đòi” nhận dịch phim luôn.

Lại Nguyên Ân cũng cho rằng, phim nên được chiếu rộng trong các tầng lớp dân cư. “Chúng ta còn hiếm những phim như thế, cho thấy thêm thực trạng chủ quyền trên biển bị xâm phạm. Không phải chỉ là xâm phạm lợi ích quốc gia trừu tượng liên quan tầm kiểm soát của các nhà chính trị, mà nó liên quan đến số phận người lao động”, ông chia sẻ bên lề.

Ông André Menras nói: “Việt Nam phải có đồng minh, ở châu Âu, Nhật Bản, những nước có những điều kiện khách quan làm đồng minh như Ấn Độ, Úc, Philippines, một số nước ở ASEAN. Tại hội thảo quốc tế tôi được tham luận, có nhà nghiên cứu của Mỹ đã nói như vậy. Tôi xin hết sức cố gắng thành lập hội quốc tế đòi quyền sống cho ngư dân Việt Nam, gồm những luật sư, chuyên gia về luật biển ở Mỹ, Pháp, Việt Nam- họ sẵn sàng giúp đỡ miễn phí”, ông nói.

Hoàng Sa-Việt Nam: Nỗi đau mất mát đã chiếu ở một số thành phố lớn tại Pháp, Đức, CH Séc, Ba Lan. Đạo diễn tiếp tục đem phim chiếu ở Hà Nội hai suất chiều 11/7 tại 53 Nguyễn Du, và ở nhà sách Đông Tây.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.