Angkor nhìn gần

Angkor nhìn gần
TP - Thảm họa diệt chủng, đất nước Campuchia bị kiệt quệ, trở thành một trong những nước nghèo nhất hành tinh. Đền đài Angkor, di sản văn hóa ngàn năm đã góp phần quan trọng trong việc khôi phục nền kinh tế, vực dậy cuộc sống của người dân.

Khi ngôi đền Ta Prohm, đền thờ mẹ vua Jayavarman VII (1125-1215), được Hollywood chọn làm bối cảnh cho bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ” một lần nữa Angkor làm sực tỉnh cả thế giới.

Dòng người từ khắp các châu lục đổ về Siêm Riệp. Cả triệu lượt người đã đến thăm đền Ta Prohm mỗi năm. Cũng giống như khách đến Vân Nam không thể không đến du ngoạn rừng đá Thạch Lâm sau khi đã xem bộ phim truyền hình nhiều tập Tây du ký. Việt Nam có nhiều kỳ quan như Hạ Long, di sản thiên nhiên Phong Nha-Kẻ Bàng, khu đền tháp Mỹ Sơn, có hai di sản phi vật thể là Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.

Lịch sử Việt Nam hào hùng với nhiều huyền thoại, truyền thuyết giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng thật đáng tiếc là chưa có tác phẩm nghệ thuật nào đủ sức lay tỉnh, đủ sức lan toả trên khắp hành tinh để quảng bá cho hình ảnh đất nước như Tây du ký, như Bí mật ngôi mộ cổ.

Điểm đến cuối cùng trong ngày của du khách ở Siêm Riệp là đỉnh Phnom Barkheng. Barkheng là ngôi đền núi nổi tiếng, được coi là núi trung tâm, là đền thờ quốc gia với 108 ngọn tháp tương ứng với con số vũ trụ trong thần thoại Ấn Độ, được các nhà nghiên cứu gọi là tấm lịch đá khổng lồ của người Khơme.

Khu trung tâm của đền hình kim tự tháp 5 bậc, trên đỉnh có 5 ngọn tháp lớn, phía dưới có 44 tháp thờ bao quanh, trên  nền các tầng bậc bố trí nhiều tháp nhỏ. Tuỳ theo mùa, tiết, khoảng từ 5-6 giờ chiều du khách ai ai cũng háo hức leo núi Barkheng để ngắm hoàng hôn trên khu đền thiêng ở độ cao 65 m.

 Thực ra thì đỉnh Barkheng còn là nơi đẹp nhất để ngắm toàn cảnh Siêm Riệp, ngắm toàn cảnh kinh đô đền tháp Angkor và núi Ku Len, núi của vị thần vua vĩ đại, cách đó khoảng 70 km.

Đỉnh Ku Len từ lâu đời đã trở thành một địa chỉ hành hương của người Khơme. Đây là vùng đất được chọn xây dựng kinh đô đầu tiên của đế chế - kinh đô Ma hendraparvata - nơi người anh hùng Jayavarman II đọc “tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố ly khai khỏi đế chế Java, chấm dứt chế độ chư hầu kéo dài nhiều thế kỷ, mở ra một thời đại  huy hoàng nhất của dân tộc Khơme.

Jayavarman II cũng là người mở đầu cho tập tục thờ thần vua ở Khơme. Ông đã để lại nhiều công trình kiến trúc ở Ku Len, trong đó có ngôi đền thờ Linga thiêng của quốc gia. Ku Len gần đây cũng đã trở thành điểm đến hấp dẫn.

 Du khách thích đi dọc sông Kbal Spean, dòng sông ban phước lành với hơn một ngàn kiệt tác điêu khắc gồm tượng thần, linga, yoni, apsara được tạc vào nền đá dưới lòng sông và hai bên bờ trên chiều dài hơn 4.200m. Người ta gọi Kbal Spean là dòng sông ngàn linga. Đến đây, đàn ông thích tựa vào linga, phụ nữ thích ngồi lên yomi như muốn tiếp thêm sức mạnh giới tính.

Angkor đang như một con gà đẻ trứng vàng cho đất nước Campuchia nhờ biết khai thác du lịch tâm linh song hành với du lịch văn hoá - sinh thái. Hình ảnh đế chế và thần linh được khai thác kinh doanh với một công nghệ rất bài bản.

Dọc những đường phố chính ở Siêm Riệp hàng loạt khách sạn, nhà hàng tiếp tục mọc lên với những bảng hiệu Mekong Plaza, Angkor Palace, Goldiana Angkor, Apsara Palace, Little Apsara, Angkor Victory, Apsara Spa... Các chủ doanh nghiệp đều muốn khai thác triệt để hình ảnh của đế chế, của thần linh, tiên nữ làm thương hiệu của mình.

Du lịch phát triển cũng có hai mặt của một vấn đề. Làn sóng du khách đổ về Angkor khiến cho những người làm công tác bảo tồn di tích lo ngại. Kỳ quan số một thế giới về điêu khắc và kiến trúc đứng trước nguy cơ xuống cấp. Có thời điểm UNESCO đã  phải liệt Angkor vào danh sách các “di sản thế giới bị xâm hại”.

Ở Angkor có nhiều khu vực du khách đi lẫn giữa đống hoang tàn, đổ nát; nhiều chỗ là công trường trùng tu di tích. Đền đài Angkor vẫn mở rộng cửa đón du khách thu tiền và lấy di sản văn hoá quảng bá hình ảnh của đất nước. Nguồn thu từ du lịch và từ nhiều nguồn tài trợ lại tiếp tục đầu tư cho công cuộc bảo tồn di sản, gìn giữ kỳ quan cho muôn đời sau.

Chúng tôi tận thấy người Trung Quốc đang trùng tu góc đông nam đền Bayon, người Ấn Độ trùng tu phía tây đền Ta Prohm, người Đức đang trùng tu hệ thống tượng, phù điêu trên đá ở Angkor Wat… Và gần đây UNESCO lại công bố đã xóa tên Angkor ra khỏi danh sách di sản thế giới bị xâm hại. Nàng Apsara lại nở nụ cười.

MỚI - NÓNG