Anh em nhà Thạch Lam, từ Cẩm Phô tới Cẩm Giàng

Anh em nhà Thạch Lam, từ Cẩm Phô tới Cẩm Giàng
TP - Trong “Tuyển tập Văn miền Trung thế kỷ XX”, Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân) - hai nhà văn gốc miền Trung mỗi người góp 1 truyện.
Anh em nhà Thạch Lam, từ Cẩm Phô tới Cẩm Giàng ảnh 1
Đường Thạch Lam ở thị trấn Cẩm Giàng bây giờ

Nhất Linh với truyện “Nhặt lá bàng”. Kể về một nhà văn trong đêm đông gác lạnh chong đèn viết nhưng bất lực trước trang giấy. Cảm hứng của chàng là gió.

Trong khi ấy dưới đường có hai chị em đứa bé co ro rét run nhưng suốt cả đêm cũng vẫn lạy giời cho những đợt gió đông nổi mạnh nữa để thổi rụng những chiếc lá bàng chín.

Rụng chiếc lá nào là chạy đi nhặt lấy, từng cái một, buộc thành gánh đem về bán. Để cho người ta sưởi ấm.

Thạch Lam có truyện “Gió lạnh đầu mùa”. Ký ức về Cẩm Giàng hiện rõ. Đứa bé trai tên Sơn và chị gái tên Lan, có bà mẹ hiền từ, có người vú nuôi chăm chút, trong một ngôi nhà ấm cúng, đủ đầy áo rét cho cả nhà vào buổi sáng trời bất chợt nổi bấc vào đông.

Buổi sáng đầu đông, xóm nghèo bên cái chợ chơ vơ mấy túp lều tranh lộng gió ấy là những đứa trẻ vẫn quây quần chơi nghịch như thường ngày, nhưng áo quần rách rưới đang run lên vì lạnh.

Chị em Sơn đã chạy về nhà lấy chiếc áo bông cũ đem cho một đứa con gái nghèo con bác Hiên hàng xóm. Sau hai chị em sợ mẹ mắng, đi tìm đòi lại chiếc áo. Nhưng khi về nhà đã thấy bác Hiên đem trả lại áo rồi.

Mẹ đã giúi vào tay bác Hiên năm hào để về may áo cho con. Chuyện đơn giản, hầu như không có cốt truyện, không thắt mở kịch tính. Nhưng lại toát lên cái lạnh lẽo của phận đời và sự ấm nóng của tình người...

Có lẽ thị trấn Cẩm Giàng với cái ga xép hiu hắt, cái xóm chợ âm thầm với những ngôi nhà cũ mới lặn vào tâm trí tôi từ thuở đọc trang văn đầu tiên của anh em nhà Thạch Lam so với thực tế hiện tại, cũng không khác nhau là mấy.

Đầu con đường mấp mô đất dài chưa đầy cây số nối từ thị trấn kết thúc về phía cánh đồng, dưới bụi tre xanh mát có tấm biển bằng sắt màu xanh ghi mấy chữ “đường Thạch Lam” là cái chợ quê chắc chỉ họp vào buổi sáng vẫn còn đượm nét xưa cũ xứ Bắc.

Ghé vào chụp tấm ảnh, chưa kịp hỏi han thì các cô các bà đã xôn xao: “Các bác tìm nhà cụ Thông Nhu hồi trước chứ gì? Cứ đường này đi thẳng, rồi rẽ phải, không thì quay lại đi theo ga Cẩm Giàng...”.

Anh em nhà Thạch Lam, từ Cẩm Phô tới Cẩm Giàng ảnh 2
Từ đường tộc họ Nguyễn Tường ở Cẩm Phô, Hội An

Tôi sực nhớ cái đận năm 90 của thế kỷ trước, lần đầu tiên hỏi tìm đến từ đường dòng họ Nguyễn Tường ở Cẩm Phô, phố cổ Hội An (Quảng Nam), cũng gặp những sự chỉ vẽ rành rẽ như vậy, rằng Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Tường Lân là những ai, bút danh gì, viết những gì..., cho dù từ nửa đầu thế kỷ 19, cụ Nguyễn Tường Phổ - tiến sĩ khoa Nhâm Dần năm Thiệu Trị thứ hai (1842) được triều đình điều chuyển từ Cẩm Phô ra làm tri phủ ở Cẩm Giàng trong một lần “luân chuyển cán bộ”, và đã khai nguyên ra nhánh Nguyễn Tường nơi đất Bắc.

Sau này, quen thuộc với bao nhiêu lần về Cẩm Phô, tôi vẫn gặp sự ấm áp như vậy. Có một điều chắc hẳn nhiều người nhận ra về con người Hội An, đó là vẫn cương trực, thẳng thắn như mọi người dân xứ Quảng, nhưng người phố cổ lại chứa đựng nét tinh tế, tao nhã đến lạ, điều đáng tự hào của một di sản văn hóa thế giới không chỉ dựa vào tiêu chí những ngôi nhà cổ.

Men theo con đường sắt ngang qua Ga Cẩm Giàng cũ kỹ ắng lặng, rồi qua một đoạn đường lát đá có lẽ đã lâu đời, rẽ tay trái bước qua một cánh cổng nhỏ, bất đồ chúng tôi bắt gặp bóng mát im lìm trong vườn cây vây bọc ngôi nhà nhỏ trên nền xưa của gia đình họ Nguyễn Tường.

Có một chữ rất hay, không rõ thời ấy ai trong số những yếu nhân của Tự lực Văn đoàn đặt ra, đó là chữ “trại”: trại Cẩm Giàng, lấy làm nơi chuyên thù tiếp đàm đạo với khách văn chương của văn phái.

Hay hơn cụm từ “Nhà khách văn chương” mà địa phương đang có nhã ý đặt tên khi trưng dụng lại khu vườn mảnh đất này để phục dựng lại một di tích văn chương.

Chủ của “trại Cẩm Giàng” hiện thời là một ông lão 75 tuổi quắc thước - ông Nguyễn Văn Đạm, cùng vợ và một bầy con cháu. Ông Đạm giọng có vẻ hơi bùi ngùi:

“Mai mốt địa phương thu đất lại làm di tích, tôi cũng hơi tiếc, vì đây là đất đẹp, đất lành, nhưng tôi cũng vui vẻ sẵn sàng giao lại. Để mọi người biết Cẩm Giàng, Hải Dương này đã sinh ra những nhà văn như thế...”.

Nói đến chuyện di tích, tôi lại nhớ về di tích đã được xếp hạng là Nhà thờ tộc Nguyễn Tường ở Cẩm Phô, gọi đầy đủ là Dinh quan Binh bộ Thượng thư  - Nhuận trạch hầu Nguyễn Tường Vân - người có tên ghi trong Đại Nam Liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn.

Cụ Nguyễn Tường Vân là thân sinh tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ. Nguyên gốc họ Nguyễn Tường là Nguyễn Văn, được vua Gia Long ngự ban đổi thành “Nguyễn Tường”.

Anh em nhà Thạch Lam, từ Cẩm Phô tới Cẩm Giàng ảnh 3
Vẫn đìu hiu ga xép Cẩm Giàng

Dinh hiện tọa lạc tại số 8/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, bên trên chùa Cầu, vốn được xây dựng từ năm 1806, tái tạo năm Duy Tân thứ 3 (1909), qua nhiều đời đã xuống cấp nặng nề.

Sinh thời, trừ Thạch Lam mất sớm, còn lại các anh em họ Nguyễn Tường ở Cẩm Giàng đều đã có dịp về thăm quê nội, và theo học giả Nguyễn Văn Xuân, bức hoành “Nguyễn Tường Từ Đường” đang treo trang trọng nơi di tích là do người con thứ 4 trong số 7 anh em là Nguyễn Tường Long (nhà văn Hoàng Đạo) cúng dường trong một lần thăm quê vào đầu những năm 30 thế kỷ trước.

Năm 1992, tôi về đây, gặp 3 hộ gia đình gồm khoảng 20 người già trẻ lớn bé đang sống tạm bợ trong di tích gần đổ sụp, người lớn tuổi nhất là bà Lê Thị Thanh, 75 tuổi, là dâu trong họ. Bà cho biết đây là nhánh nhất của tộc Nguyễn Tường, hiện tại đây còn 2 người là Nguyễn Tường Dũng và Nguyễn Tường Quý, ở Đà Nẵng có một người là Nguyễn Tường Hưng...

Hôm bão lũ Hội An tháng 11 mới rồi, tôi chèo chống về Cẩm Phô. Anh Dũng mới mất, anh Quý đang làm nghề lồng đèn tại nhà. Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, người trong họ, cho biết, di tích ngày càng có đông khách đến tham quan...

Tôi chợt nảy ra ý nghĩ: “Hội An nên có con đường mang tên Thạch Lam, một đoạn phố nối từ Văn Miếu tới di tích chẳng hạn. Rêu phong cổ kính như Hội An, cái tên đường Thạch Lam còn gì thích hợp bằng”.

Cẩm Giàng là nơi chôn nhau cắt rốn, Cẩm Phô là cội nguồn hồn cốt tinh hoa. Độc đáo và trùng hợp nữa, là trong một hồi ký của bác sĩ Nguyễn Tường Bách - em út trong số 7 anh em, thì thân mẫu của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam cũng xuất phát từ dòng họ Lê của Duy Phước, Duy Xuyên (Quảng Nam) bên dòng Thu Bồn!

Nghe kể thời trẻ, bà Nhất Linh thường xuyên từ Hà Nội về Hội An Quảng Nam giao dịch buôn bán với món hàng cau khô. Cau xứ Quảng - Hội An nổi tiếng về sự thơm nồng, đậm đà và vị say dịu nhẹ. Dịu nhẹ, như những trang văn Thạch Lam...   

Cẩm Giàng - Cẩm Phô, 12/2007 

MỚI - NÓNG