Anh Hai đất lửa

Anh Hai đất lửa
Đại hội VI Hội Điện ảnh Việt Nam lần này có chuyện kỳ kỳ rơi đúng vào một đại biểu nổi tiếng, đó là nhà biên kịch điện ảnh Nguyễn Quang Sáng.
Anh Hai đất lửa ảnh 1
Nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh Nguyễn Quang Sáng

Ông là tác giả hàng chục kịch bản phim truyện, phim tài liệu nghệ thuật có giá trị... Trong đó có Mùa gió chướng lừng danh - Huy chương vàng Liên hoan phim Quốc tế Mạc Tư Khoa hơn hai chục năm trước.

1. Tuổi Mùi, da đỏ, tóc trắng, lưng gù gù (lưng ông gù gù mấy chục năm nay rồi). Mình vẫn khỏe re. Còn gân lắm. Ông nói tỉnh khô. Tôi hỏi thăm ông ăn uống ra sao, có ngon không khi thấy ông nhai móm mém. Hàm ơi ở lại răng đi nhé! Ông cười.

Đời ông Sáng có hai cuộc chơi. Văn chương và Điện ảnh. Ông chơi mút mùa và xem chừng đều thành đạt nghiêm chỉnh. Khi tôi nói rằng muốn nghe chút xíu cảm xúc của ông dự Đại hội, ông lắc lư nâng cao ly cô - nhắc pha sô - đa. Ủa - Cảm xúc chi? Ông hỏi lại như vậy. Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh ngồi kế bên tủm tỉm cười: Anh là loại có thương hiệu ngon. Nói cho tụi tôi nghe cảm xúc của anh.

Ông Sáng lại nâng ly rượu: Mình là hội viên trẻ, lần đầu đi dự Đại hội cũng có cảm xúc, bức xúc. Tôi bảo: Anh là lão đại ca, là biên kịch gội cạo sao dám xưng danh là hội viên trẻ? Thế là ông Sáng trợn mắt: Đâu có. Vừa được kết nạp vào Hội mà. Đâu mới như năm ngoái. Hội viên trẻ thứ thiệt mà.

Rồi ông gật gù: Đại hội ít đại biểu trẻ quá. Bọn trẻ đâu cả rồi. Khi nói về những hãng phim tư nhân phía Nam làm phim có khách, ông nói: Có công lôi được khán giả đến rạp. Công lớn đó, nhưng mấy cha đó vẫn chỉ là buôn thúng bán mẹt thôi. Điện ảnh ta phải chơi công nghiệp nặng. Rất mong những người có trách nhiệm suy nghĩ vấn đề này ngay từ bây giờ kẻo trễ.

Ông trầm ngâm: Năm ngoái có hội nghị biên kịch ở Sài Gòn, có ông nhà văn X.K bức xúc: Thấy Trung Quốc làm phim lịch sử. Nghĩ lại mấy cái phim lịch sử mình làm mà nhục! Nhà văn Nguyễn Quang Sáng lắc đầu: Tôi chia sẻ bức xúc với ông X.K. Tôi còn thêm với ông X.K: Thời gian đâu có đợi. Coi chừng đó nghen. Nhục! Mà còn nhục dài dài.

2. Nhưng đã nói đến Nguyễn Quang Sáng thì trước sau phải nói tới manh chiếu nhà văn của ông. Thành tựu trong điện ảnh của ông có là cái chi khi so sánh với thành tựu văn chương của ông đạt được. Hơn nửa thế kỷ qua, văn đàn Việt Nam nổi lên một cây bút khác thường. Gọi là kỳ lạ cũng không ngoa.

Năm 1955 anh bộ đội miền Nam Nguyễn Quang Sáng tập kết ra Bắc. Anh nổi tiếng vì vô địch bóng bàn bộ đội chứ không phải vì có tập bản thảo Đất lửa. Một viên ngọc văn chương quý hiếm, dày 300 trang giấu ở đáy ba lô. Đất lửa trình làng, ngay lập tức nhà văn trẻ Nguyễn Quang Sáng đã (nói như nhà thơ Tú Mỡ) trong làng văn chiếu ngồi một góc.

Đời người viết văn có tới cả trăm cái kiểu trình làng. Nguyễn Quang Sáng thuộc típ: Tác phẩm đầu tiên hoặc là lẫy lừng hoặc là mất tiêu treo cổ tự tử. Đất lửa lừng danh không phải vì kể cái chuyện chi chi miền đất Cao Đài, Hòa Hảo. Nó lừng danh vì đó là một thứ văn chương kỳ lạ. Nói như mấy nhà phê bình văn học nhiều chữ lâu nay khen ầm ầm văn chương nghệ thuật thứ thiệt Nam Bộ đấy…

Đất lửa lừng danh vì đó là văn chương trực cảm phản ánh hiện thực một cách mẫn tiệp mà linh hoạt, sâu sắc mà lại hồn nhiên lạ thường. Cái thứ văn chương trực cảm này mấy chục năm qua còn là một thứ gì đó khó chịu, mờ mờ nhân ảnh.

Nó lạc lõng, đơn côi giữa dòng thác văn học lý trí khôn ngoan sành điệu phản ánh cái vỏ ngoài hiện thực. Có những lời khuyên Nguyễn Quang Sáng ít học thì phải cố mà học nâng cao văn hóa, mài vuốt lý trí để kiểm soát trực cảm thì nhất định Nguyễn Quang Sáng sẽ văn hay chữ tốt hơn nhiều.

Hình như Nguyễn Quang Sáng cũng thành khẩn vâng lời. Sau Đất lửa, Nguyễn Quang Sáng lao vào cuộc chơi văn chương mút mùa thời gian. Hàng loạt tác phẩm dày, mỏng của ông liên tiếp xuất bản, giúp ông lần lượt đón nhận tất cả những giải thưởng, danh hiệu văn nghệ cao quí nhất.

Thật đúng là một tấm gương treo lao động cần cù sáng tạo nghệ thuật. Cái hồi tôi mới tập toạng văn chương, cũng đã từng bị nhà văn Nguyễn Đình Thi mắng vào mặt là đồ dốt nát phải cố mà học. Mà phải tìm học đâu xa. Học ngay chú Sáng, chú Tâm (Võ Huy Tâm). Tôi đã đọc ráo trọi, hết trơn trùng điệp tác phẩm Nguyễn Quang Sáng.

Năm 1995, có tí vai vế ở Hội giao lưu Văn hóa Việt - Nhật, để tỏ lòng kính trọng ông tôi cũng nỗ lực bỏ phiếu ủng hộ ông một cái giải thưởng văn học 1.000 đô la vô danh, vớ vẩn cho tác phẩm Con mèo Puzima gì đó của ông. Một tác phẩm điển hình của lý trí kiểm soát trực cảm sáng tạo.

Tuy nhiên, thưa anh Hai Sáng, những tác phẩm rưa rứa Con mèo Puzima kiểu này của anh, tôi đọc, càng kính phục bội phần bao nhiêu thì lại vơi đi cái hút hồn yêu anh vô cớ bấy nhiêu. Con đường sáng tạo của một nhà văn đôi khi nó loằng ngoằng, kỳ kỳ thế nào ấy mỗi khi sốt sắng chịu ơn lòng tốt chăm nom kỳ cọ của người khác.

Hơn  thập kỷ đổ về đây, Nguyễn Quang Sáng tự thoát dần mọi dây nhợ vướng víu phải trái, đúng sai. Ông đổ tuổi về già. Tuổi già vóc hạc như sương động tí rưng rưng trực cảm trẻ thơ khóc cười thấy cái lý trí cũng chỉ là cái chi chi.

Những sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Quang Sáng lại mò tìm về cái gì ngày xửa ngày xưa Đất lửa. Dù là  tiểu thuyết, truyện ngắn hay chỉ là một ngẫu hứng ghi chép chơi chơi, đọc ông lại thấy ào ào sóng xô trực cảm. Hiện thực đời sống qua trang viết của ông lại phát lộ nguyên hình mẫn tiệp mà linh hoạt, sâu sắc mà hồn nhiên lạ lùng.

3. Ngày cuối Đại hội VI Điện ảnh Việt Nam, Tổng biên tập báo Bạn đường của Ủy ban An toàn giao thông mở tiệc yến linh đình tiễn anh Hai Sáng vô Nam. Có lẽ lần đầu chơi với cánh cầu đường giao thông vận tải gồ ghề, anh Hai Sáng sĩ diện làm tướng uống vô hồi kỳ trận, móm mém nhai vô hồi kỳ trận và cũng thao thao vô hồi kỳ trận.

Một bữa rượu gần đây, tôi được dịp ngồi ngắm anh nâng ly rượu đào, ngắm mái tóc bạc phơ phơ của anh, nghe anh kể chuyện cụng chén với cụ Tuân, cụ Hồng, cụ Hoài... Tôi lại nhớ mấy lời mắng mỏ của ông cựu Tổng thư ký Hội Nhà văn thủa nào.

Thưa anh Hai Sáng! Anh mãi là một tấm gương treo dường như chỉ để dành riêng cho bọn nhà văn dốt nát ít học lũ tôi. Tôi càng hiểu hơn cái sự sáng tạo đích thực nghệ thuật văn chương chỉ trồi lên từ miền vô thức bí ẩn, dị kỳ.

Cũng như chơi văn chương trực cảm là điệu chơi chênh vênh vô chừng năm ăn năm thua, một mất một còn khi mà ta chỉ trông cậy vào tia sáng vụt lóe tinh thần, mà cái tia sáng khác thường ấy sẽ tạo ra thứ văn chương hữu dụng, mỗi khi nó bay lên từ những tâm hồn hiền hậu, tử tế. 

 Hà Nội, 7/2005

MỚI - NÓNG