Ảnh “Trạm quân y dã chiến” có diễn không?

Ảnh “Trạm quân y dã chiến” có diễn không?
TP - Báo Tiền Phong số 224 (ra ngày 12-8) có bài 'Khoan trao giải thưởng nếu chưa xứng đáng' của Vũ Huyến, đề cập một số vấn đề giải thưởng Nhà nước và Hồ Chí Minh trong nhiếp ảnh. Sau đây là ý kiến tranh luận lại của nhà nhiếp ảnh Võ An Khánh (Bạc Liêu), về một chi tiết trong bài, liên quan bức ảnh đoạt giải của ông.

> Khoan trao giải nếu không xứng đáng

Về bức ảnh “Trạm quân y dã chiến” của Võ An Khánh

Bức ảnh “Trạm quân y dã chiến” của Võ An Khánh, đoạt giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 2007

 

Trước tiên, xin cảm ơn nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến đã quan tâm đến tôi, chỉ ra điều sai sót để tôi học tập rút kinh nghiệm. Nhưng xem đi xét lại thì tôi chẳng biết học ở ông cái gì trong đoạn viết có hơn năm dòng, gồm 104 từ ông nhận xét về bức ảnh Trạm quân y dã chiến của tôi.

Câu trên ông viết: Bên trong bàn mổ có mấy người lúi húi. Sau đó lại: Trong kia là hai cô hết sức trật tự. Ảnh này tôi chụp chỉ một lần, một tấm phim đen trắng cỡ 6 x 6 cm mà tôi còn đang giữ, không có tấm phim thứ hai. Tại sao cũng bức ảnh ấy mà có lúc người ta lúi húi, có lúc người ta hết sức trật tự? Lúi húi theo thiển ý của tôi là động, còn hết sức trật tự là tĩnh. Hai trạng thái khác nhau thì làm sao xuất hiện cùng lúc trong bức ảnh được. Phải chăng ông Huyến tự mâu thuẫn với chính mình?

Một câu khác: “Nhìn kỹ thấy anh thương binh hướng về phía ống kính, tươi cười”. Bức ảnh Trạm quân y dã chiến nhiều năm qua có mấy mươi đầu sách, tạp chí và tờ báo lớn nhỏ trong ngoài nước đăng tải, phát hành. Là một trong ba bức ảnh được hội đồng các cấp xét duyệt để trao giải thưởng Nhà nước về VHNT cho tôi vào năm 2007. Hàng vạn, hàng triệu lượt người đã xem, nhưng chẳng ai phản ứng gì, cũng không ai thấy anh thương binh hướng về ống kính, tươi cười.

Ngược lại người ta đều thấy đôi mắt anh nhắm nghiền, miệng ngậm và mặt quay về hướng khác của ống kính. Chỉ có cái nhìn của nhà lý luận phê bình ảnh Vũ Huyến khác biệt chẳng giống ai!? Mời bạn đọc xem lại bức ảnh này để có nhận định riêng.

Ông Huyến kết luận: “Về nghề mà nói, người ta không phục”. (Nguyên văn nhận xét của ông Vũ Huyến trên TP: Người ta hiểu trạm quân y ấy có, sự kiện là thật, nhưng việc chụp lại diễn- BTV). Theo tôi, việc phục hay không, khen hay chê còn tùy thuộc thẩm mỹ, thái độ, quan điểm của người xem và cách cảm nhận tác phẩm.

Chuyện gần như phổ biến những năm gần đây: Ảnh nào được giải thưởng hay có tiếng tăm đều bị đưa lên “bàn mổ”. Người ta nhìn sự việc u ám, nặng nề. Mặc dù những ảnh đó đã được nhiều người, nhiều cấp thông qua, hầu hết là những người tiêu biểu trong nghề.

Thêm một ví dụ khác: Bức ảnh của Trần Bỉnh Khuôl (Hai Nhiếp) chụp khoảng 1 giờ đêm 9- 9-1963 tại chi khu Đầm Dơi trong lúc quân ta vất vả để làm chủ thế trận, vì địch còn số ít tên trốn sâu dưới công sự. Tôi cũng có mặt cùng ông ở đây đến hơn 4 giờ sáng mới rời khỏi trận địa.

Ảnh này là một trong hai ảnh được Hội đồng xét giải thưởng Nhà nước về VHNT trao giải năm 2007. Vậy mà cũng có người cho là ảnh dàn dựng, đưa những nhận xét vu vơ, áp đặt chủ quan.

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam lập ra tiểu ban Lý luận Phê bình là rất cần thiết cho sự phát triển của ngành, song cần phê phán, đánh giá tác phẩm trên tinh thần xây dựng. Nếu không, bạn ảnh và bạn đọc biết tin và dựa vào đâu, có hứng thú gì trong sáng tác?

Về bức ảnh "Trạm quân y dã chiến" của Võ An Khánh

Bức ảnh Trạm quân y dã chiến được tác giả Võ An Khánh bấm máy vào tháng 9-1970, trong những ngày diễn ra chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” của quân Mỹ. Người nằm trên cáng là một anh thương binh dân tộc Kh’mer. Nếu không có bức ảnh này của Võ An Khánh, hẳn ít ai ngờ trạm quân y, nơi diễn ra các ca mổ cấp cứu, lại có thể ở giữa rừng tràm và nổi trên mặt nước.

Không gian lạ của bức ảnh cộng với thời điểm đặc biệt (giữa chiến sự, giữa sự sống và cái chết) khi bấm máy đã khiến tác phẩm đi vào lịch sử. Bức ảnh được in trên trang nhất tờ The New York Times số ra ngày 19-4-2000.

Được biết Margarette Loke- cây bút bình luận nhiếp ảnh của tờ báo này đã viết: “Bức ảnh gây xúc động thậm chí hơn cả ảnh chụp nhóm bác sĩ quân y (Mỹ) hồi năm 1943 của bậc thầy nhiếp ảnh chiến trường Robert Capa”. Năm 2002, bức ảnh được triển lãm nhiều tháng và được đưa vào sách ảnh ở Mỹ.

“Trạm quân y dã chiến” có bố cục cân xứng và tạo được chiều sâu. Đặc biệt, tư thế đứng thẳng của các nhân vật đã góp phần tạo nên sự tĩnh cho bức ảnh. Đặt trong bối cảnh chiến sự bao trùm, sự tĩnh tại bức ảnh diễn tả càng trở nên quý giá.

Dường như trong khung cảnh bom rơi đạn nổ, các y bác sĩ vẫn không nao núng, tập trung vào chuyên môn. Khung cảnh kỳ lạ của trạm quân y và sự bình tĩnh của các nhân vật phần nào nói lên sự chịu đựng gian khổ cũng như khát vọng chiến thắng của người dân Việt Nam trong chiến tranh.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG