Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vẫn chưa xây dựng:

Áo gấm đi đêm

Áo gấm đi đêm
TP - Hơn 300 thanh ngà voi, gần 20 sừng tê giác, cả trăm cân vỏ đồi mồi cùng hàng chục tiêu bản nhồi bông của hổ, báo, gấu, vọoc, đại bàng, trĩ… là kho của đang được lưu trữ tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Đây là nơi tiếp nhận và lưu giữ toàn bộ tang vật bị tịch thu từ những vụ buôn bán động vật quý hiếm ba năm trở lại đây.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (BTTNVN) không biết tới bao giờ mới có thể đưa kho hiện vật độc đáo ấy tới người xem- khi mà gần chục năm qua, việc xây dựng bảo tàng vẫn chưa được triển khai.

Áo gấm đi đêm ảnh 1
Một số tiêu bản thú quý đang được lưu giữ trong kho chuyên dụng của Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam

Điểm đến của động vật quý hiếm

Kể từ khi thành lập năm 2006, được phép của Chính phủ, BTTNVN có công văn gửi tòa án, hải quan, viện kiểm sát, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã… Theo đó, họ được phép tiếp nhận, lưu giữ các nguồn động vật quý hiếm bị tịch thu và khai thác.

“Riêng số ngà voi, chỉ một vụ buôn lậu năm ngoái, chúng tôi tiếp nhận một mẻ 250 thanh, nặng ngót nghét 300 cân. Sừng tê giác thì vụ lớn nhất là ba chiếc, còn vỏ đồi mồi thì nhiều vô kể”- Ông Phạm Văn Lực, Giám đốc BTTNVN, cho biết. Tất cả các động vật bị tịch thu và đưa đến bảo tàng đều nằm trong danh mục động vật cấm buôn bán tại Việt Nam và quốc tế.

Phần xác động vật bị tịch thu, theo nhận xét của ông Lực, hầu hết các tiêu bản làm chui đều trong tình trạng nhồi rất ẩu, kém về kĩ thuật. Bởi vậy, hầu hết mẫu vật này đều được gia công lại bởi các chuyên gia thuộc phòng Chế tác vật mẫu của Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam.

Cụ thể, lớp nhồi bông hoặc trấu trong tiêu bản cũ sẽ được lấy ra, tiếp đó các chuyên gia sẽ thiết kế một bộ khung đặc bằng thạch cao hoặc composit trước khi khoác lớp da bên ngoài.

Theo lời ông Lực, khi đã có Thượng Phương bảo kiếm trong tay,  BTTN không gặp khó khăn gì khi đi xin tiêu bản động vật quý từ các ngành hải quan hay tòa án.

Cái khó nhất, như lời ông, chỉ nằm ở thời gian và thủ tục. “Cá biệt, có vài nơi đinh ninh là hiện vật này sẽ được phát mại và sung quỹ công. Chúng tôi phải mở Sách Đỏ, trình giấy phép và thu xếp đề nghị họ sửa lại các quyết định phát mại, sau đó mới đến quá trình tiếp nhận”.

Thậm chí, nhiều đơn vị vì không có kho lưu trữ đặc biệt nên sẵn sàng gửi các hiện vật tịch thu vào phòng bảo quản của BTTN với tâm lý “trước sau thì cũng về đấy”.

Hiện, xét về số lượng, BTTN có khoảng hơn ngàn mẫu tiêu bản động vật quý hiếm. Bên cạnh nguồn động vật bị tịch thu, bảo tàng còn có khá nhiều sưu tập bướm, ruồi, rắn, dơi… tiếp nhận lại từ một số nhà sưu tập quốc tế.

Chờ trưng bày

Kho hiện vật trên là một phần nội dung trưng bày của BTTNVN. Dự kiến, bảo tàng này sẽ gồm các khu trưng bày trong nhà và ngoài trời, giới thiệu tới khách tham quan những nét độc đáo của tài nguyên quốc gia- từ khoáng sản, thực vật, động vật.. cho tới sinh cảnh tự nhiên và các mẫu vật hóa thạch .

Theo các chuyên gia BTTN, ý tưởng xây dựng bảo tàng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra từ thập niên 80 của thế kỷ trước, giao cho Viện Khoa học Việt Nam nghiên cứu thực hiện.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế, dự án này mãi tới năm 1998 mới được khởi động lại theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Dự án tiền khả thi về quy hoạch bảo tàng hoàn thành năm 2002, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, hiện tất thảy chỉ có một khu văn phòng nhỏ nằm trên đường Hoàng Quốc Việt. Phần trưng bày dự kiến rộng 6-10 hecta đất, vẫn chưa được triển khai. Qua chín năm, UBNDTP Hà Nội bốn lần bố trí cấp đất nhưng sau đó đều điều chỉnh, thay đổi.

Là dự án được chính phủ đầu tư, BTTNVN dự kiến xây dựng trong thời gian từ 15-20 năm, trong đó 7-10 năm hoàn thành giai đoạn một.

Như vậy, chí ít phải bảy năm nữa, kho động vật quý hiếm tại bảo tàng này mới có thể ra mắt người xem.

MỚI - NÓNG