Ba câu hỏi và mấy điều kiến nghị

Ba câu hỏi và mấy điều kiến nghị
TPCN - Trước hết cần thấy rằng cái nghề lí luận phê bình là cái nghề “ bạc”. Thật khó có cơ hội để mọc mũi sủi tăm và được bạn đọc biết đến.

Lí luận phê bình cũng là một loại sáng tác, nhưng mà không như các sáng tác khác. Làm thơ, anh có thể tham gia cuộc thi thơ, và sau khi được giải này, giải kia, anh được chú ý bồi dưỡng và có cơ hội khẳng định.

Ấy là chưa kể anh có thể đọc thơ mình trước công chúng, thơ anh có thể được phổ nhạc và nếu ông nhạc sĩ tài hoa, chỉ một bài thơ cũng có thể trở nên nổi tiếng theo bài hát.

Viết văn xuôi, anh cũng có thể thi truyện ngắn, tiểu thuyết rồi ẵm giải nọ, giải kia. Không giải của Hội Nhà văn thì giải của Hội Liên hiệp VHNT, không giải báo này thì giải báo kia, không giải Trung ương thì giải tỉnh. Cái truyện ngắn hay, cái tiểu thuyết hay có khi còn được chuyển thể thành kịch, thành phim.

Nhưng tôi chưa từng thấy một cuộc thi viết  lí luận, phê bình nào. ( Trừ phi có lần tạp chí Kiến thức ngày nay thi bình thơ văn, tạp chí Thế giới trong ta thi bình thơ, tức là thi một chút phê bình).

Và cái cuốn lí luận hay nhất, bài phê bình hay nhất thì cũng chẳng được  phổ nhạc hay chuyển thể  lên sân khấu, lên màn ảnh. Lí luận, phê bình thường lại khô khan.

Nó được viết trên cơ sở nghiên cứu hàn lâm, bằng một lối trình bày, một ngôn ngữ đầy thuật ngữ, khái niệm. Nó là sản phẩm kén độc giả và ít  độc giả. Bạn đọc sẵn sàng mua truyện, mua tiểu thuyết, kể cả mua thơ (vì giá tập thơ thường là khá rẻ), nhưng ít ai mua sách lí luận, phê bình.

Đặc biệt là sách lí luận. (Vì phê bình thì dẫu sao người ta cũng muốn có người để sẻ chia).  Nói Lí luận phê bình kén độc giả, thực chất chỉ Lí luận là thứ kén độc giả và ít độc giả nhất.

Đây là sản phẩm chủ yếu là để người trong nghề đọc với nhau. Mà nếu viết lí luận khô khan quá, hàn lâm quá, bán đắt quá (càng in ti-ra ít, giá bán càng phải cao) thì ngay cả người trong nghề cũng không đọc vì không mua được và chẳng hứng thú gì.

Chưa kể đến một điều rất kị với phê bình là chuyện khen chê. Không thể không khen chê. Nhưng khen chê cũng thật là khó. Anh  không khen, người ta cũng đã ghét, gặp có khi chẳng thèm chào. Anh mà chê, dù chê đúng  thì còn tệ hơn nữa. Mà chê sai thì ôi thôi thành ra ân oán văn chương.

2.  Những  người làm cái nghề “khổ” này, họ là ai?

Tôi tạm đăng kí hộ khẩu những người làm lí luận, phê bình vào mấy địa bàn, khu vực sau.

Một là ở cơ quan nghiên cứu, trong các viện như Văn học, Văn hóa dân gian, trong các trường Đại học. Những người này được đào tạo ở trong nước hay nước ngoài.

Nhiệm vụ chính là nghiên cứu và giảng dạy. Nhưng cuốn sách lí luận hoặc là dịch, hoặc là viết thường gắn liền với những đề tài, giáo trình  mà họ nghiên cứu  hoặc giảng dạy.

Những cái gì được gọi là lí luận chủ yếu là sản phẩm của khu vực này. Việc tiếp thu lí luận của nước ngoài, việc xây dựng lí luận văn học của Việt Nam được xuất phát từ đây. Lí luận yếu hay mạnh cũng từ đây.

Chúng ta hãy kiểm kê xem, sau những kêu gọi mạnh mẽ xây dựng nền lí luận Việt Nam, gắn liền với sáng tác Việt Nam, chúng ta đã có những công trình lí luận mới mẻ nào? Hay chủ yếu vẫn chỉ là giáo trình và một vài chuyên luận mở rộng của đề tài nghiên cứu, mở rộng của giáo trình đã viết.

Chưa kể, cái gọi là lí luận, nhiều khi thấm vào trong công trình nghiên cứu, biên khảo, thật khó mà tách bạch nó ra. Vì vậy mà chúng ta đành xếp các công trình nghiên cứu có dính chút lí luận vào lí luận, các nhà nghiên cứu cũng là nhà lí luận.

Khu vực này có thể kể được những tên tuổi như   Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Phương Lựu, Lương Duy Thứ, Trần Đình Sử, Nguyễn Thanh Hùng, Lê Ngọc Trà, Mai Quốc Liên, Trần Thanh Đạm,  Phong Lê,  Nguyễn Văn Dân,Trịnh Bá Đĩnh, Đỗ Lai Thuý...

Trẻ hơn một chút nhưng cũng là  khoảng trên, dưới 50 có  Chu Văn Sơn, Trần Đăng Xuyền, Trần Mạnh Tiến, Văn Giá, Nguyễn Đăng Điệp, Phạm Quang Trung, Nguyễn Hữu Sơn, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thị Minh Thái, Lưu Khánh Thơ...

Khu vực thứ hai gồm những người làm báo và gắn với chuyên mục Văn hoá văn nghệ của báo, các biên tập viên của các nhà xuất bản. Tại đây, các cây bút có phần nghiêng về phê bình.

Họ có lí luận, nhưng không phải là lí luận thuần tuý, mà dựa vào lí luận để làm phê bình cho chắc chắn. Họ là một lực lượng thường trực và tiếng nói của họ gắn liền với đời sống văn học.

Khen chê, giới thiệu các sáng tác, bình luận về các giải thưởng hầu như là ở khu vực này. Có thể nêu ra một số cây bút như  Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Văn Lưu, Trần Bảo Hưng, Hồng Diệu, Ngô Vĩnh Bình, Lê Quang Trang, Nguyên An, Hoàng Xuân Tuyền, Nguyễn Hòa, Chu Thị Thơm...

Khu vực thứ ba là những người sáng tác nhưng tạt sang lí luận phê bình. Phải nói rằng các nhà sáng tác không lí luận nhiều, nhưng những trang viết phê bình của họ bao giờ cũng hấp dẫn và đặc biệt là rất có văn.

Trước đây, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân đều rất thành công. Bây giờ chính các nhà văn, nhà thơ đã làm khu vực phê bình thêm sinh động, hấp dẫn. Họ viết trên báo, họ in thành sách. Đây là một lực lượng rất đáng kể của lí luận phê bình.

Những Vũ Quần Phương, Vân Long, Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Trọng Tạo, Trúc Thông, Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật, Đặng Vương Hưng, Nguyễn Trọng Hoàn...làm cho không khí phê bình văn chương thêm sôi nổi và tươi tắn.

Khu vực thứ tư là các thầy cô giáo dạy văn và các em học sinh. Ngày ngày họ lên lớp phê bình, thưởng thức văn chương từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Thi thoảng họ cũng có ý kiến trên báo ngành, trên tạp chí Văn học và Tuổi trẻ hay trên ấn phẩm văn nghệ của các tỉnh.

Nhưng phần lớn là họ làm việc thầm lặng. Đây chính là phần chìm của tảng băng trôi  lí luận phê bình. Người đọc nào mà chả có thời cắp sách đến trường? Nhưng chính vì nghiêm túc quá mà nhiều khi trở thành nặng nề, thường xuyên quá mà trở thành nhàm, mất cả hứng thú, khi người thầy ít năng lực văn chương.

3. Lí luận và phê bình đang ở đâu?

Đánh giá thành tựu lí luận phê bình thật không hề đơn giản. Tôi có cảm giác rằng người Việt không thích, hoặc không quen lắm với cái gọi là lí luận.

Chẳng thế mà di sản lí luận phê bình của chúng ta chỉ là những lời tựa, lời bạt, những đoạn ngăn ngắn lời bình giá, nhận định đâu đó mà con cháu phải nhặt ra, phân loại và hệ thống hoá. Tuy thế, về thành tựu sáng tác, chúng ta vẫn có những kết quả hết sức rực rỡ và to lớn.

Như vậy có phải là cái ngành lí luận phê bình cũng quan trọng vầy vậy thôi. Chúng ta, những người làm lí luận phê bình chớ nên ảo tưởng quá về mình. Không có cái roi hay ngọn đèn lí luận phê bình thì nền văn học của dân tộc cũng không vì thế mà không tiến lên được. Quá khứ là một bằng chứng hùng hồn về điều này.

Nói đi đã vậy, cũng nên nói lại. Nếu lí luận và phê bình ngày nay chúng ta có làm bài bản hơn, có thành tựu hơn hẳn trước đây  và có ảnh hưởng tốt đến việc thúc đẩy  sáng tác thì cũng càng tốt chứ sao? Mong mỏi điều ấy cũng là một mong mỏi đáng khích lệ chứ sao?

Vậy thành tựu lí luận phê bình của chúng ta đạt được đến đâu? Nó còn yếu và thiếu ở những chỗ nào? Đây chính là chỗ mà Hội nghị này chúng ta cần phải thảo luận.

Những người làm ở ba khu vực mà tôi đã nêu trên cần có những ý kiến cụ thể. Đặc biệt là ở khu vực mà mình quen thuộc. Là người trong cuộc nói ra, sẽ có thuyết phục hơn là người chỉ nhìn bề ngoài và phát biểu nặng về cảm tính.

Bản thân người viết những dòng này ở khu vực một và có ghé một chút sang khu vực ba. Nhưng tôi cảm thấy không bi quan lắm về những thành tựu  lí luận phê bình của chúng ta đã đạt được.

Điều mà tôi có chút băn khoăn chính là cái Ban lí luận phê bình của Hội nhà văn nên hoạt động như thế nào để cho những người làm cái nghề gọi là bạc này tập hợp được với nhau, thông báo những kết quả làm được cho nhau, nêu ra những dự định cần làm và những khó khăn, vướng mắc cần hợp tác tháo gỡ.

4. Mấy kiến nghị nho nhỏ

Trước hết cần quan tâm đến đội ngũ những người làm lí luận phê bình. Phải phát hiện và bồi dưỡng những người kế cận ở cả bốn khu vực, có những chính sách thích hợp để khuyến khích  làm việc.

Cần gửi những ấn phẩm văn  chương và đặt bài phê bình, tạo điều kiện để những bài viết được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dài hơi hơn thì hỗ trợ  những người viết có đề tài nghiên cứu, những đề cương sách để  công trình và sách được công bố.

Cần thường xuyên tổ chức cho Hội viên lí luận phê bình trao đổi, đánh giá về những sáng tác mới trên các phương tiện truyền thông. Hội nghị bàn tròn này những năm trước báo Văn nghệ làm khá tốt.

Và cũng cần có kế hoạch, đặt hàng hay phân công cho những người viết lí luận phê bình và giới thiệu các cuốn sách lí luận phê bình của đồng nghiệp. Tránh tình trạng ai quen ai, biết ai, nể ai thì viết.

Hội nghị lí luận phê bình là một dịp tốt để anh em nhìn lại kết quả đã làm, giao lưu, gặp gỡ. Cần phải được tổ chức định kì và tạo điều kiện để tất cả mọi người tham gia. Và kết thúc hội nghị, cần có ấn phẩm kỉ yếu để ghi lại.

Nhà phê bình Vũ Nho

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.