Ba cha con ông cháu làng Mỗ

Rước tượng danh nhân Nguyễn Quý Ân về Đại Mỗ Ảnh: XB
Rước tượng danh nhân Nguyễn Quý Ân về Đại Mỗ Ảnh: XB
TP - Nhà Bái đường Miếu Văn vừa diễn ra sự kiện Viện Sử học Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ban liên lạc dòng họ Nguyễn Quý tổ chức lễ trao và rước tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Ân từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám về từ đường dòng họ Nguyễn Quý ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Thả bước trong Miếu Văn, dừng bên nhà bia Tiến sĩ, du khách chẳng thể không nhớ đến danh nhân Nguyễn Quý Đức. Nhân vật nổi tiếng trong lịch sử thế kỷ XVIII sinh năm 1648 tại Đại Mỗ, Từ Liêm, một tài năng văn, võ song toàn. Về văn, thì đỗ đầu khoa thi Đình năm 1676 mang danh hiệu Thám hoa. Ông là người cùng Lê Hy viết tiếp Đại Việt sử ký (tục biên). Nguyễn Quý Đức cũng chính là người đứng ra sửa trường Quốc Tử Giám, là Hiệu trưởng. Năm Đinh Dậu 1717 khai giảng trường Quốc Tử giám, Nguyễn Quý Đức được giảng trước. Năm 1716, ngày 10 tháng 7, Nguyễn Quý Đức dâng tờ khải xin và được chấp thuận việc lập 21 bia Tiến sĩ  tại nhà Thái học. Gồm TS từ các khoa Bính Thân (1656) cho đến khoa Ất Mão (1715). Việc dựng bia được tiến hành vào năm sau (1717). Trong thời gian kiêm lĩnh chức Tri Quốc Tử Giám, ông còn lo trùng tu, xây dựng thêm các công trình ở đây như dựng điện Đại Thành, trang trí cho nhà Thái học...

Là nhà chính trị cầm quyền Tham Tụng (Tể tướng) Nguyễn Quý Đức rất nghiêm minh. Dân gian có câu: “Tể tướng Lê Hy thiên hạ sầu bi, Tể tướng Quý Đức thiên hạ hưu tức” (“hưu tức” có nghĩa là “yên nhàn”). Về võ, ông từng là Đốc đồng Cao Bằng, nhiều lần từng dẹp yên loạn biên giới. Khắt khe như sử gia Phan Huy Chú cũng phải tấm tắc “Ông làm tể tướng 10 năm, về chính sự chuộng khoan hậu. Cấm việc phiền hà, tha cho người trốn tránh và thiếu thuế, bớt tạp dịch, giúp nhà nông; dân được nhờ ơn... Là người khoan hậu, trầm tĩnh. Ngày thường, thù tiếp ai thì dễ dàng, vui vẻ. Khi bàn luận trước mặt chúa, việc gì chưa thỏa đáng, ông cố giữ ý kiến mình (rồi) bàn ba bốn lần, không ai ngăn được. Ông làm văn không cần trau chuốt mà ý sâu. Triều đình có chế tác gì lớn phần nhiều do tay ông (thảo). Bàn đến ông, ai cũng khen...”

Sử hẳn còn chép, ông là người gần gũi tâm phúc với chúa Trịnh Căn.  Một giai đoạn của thời Lê Trung Hưng mà sử gia Phan Huy Chủ từng thẩm định trong Lịch triều hiến chương loại chí “Vua tôn trọng chúa khác thường, tấu sớ không phải đề tên, vào chầu không phải lạy. Về chính trị thì thưởng phạt rõ ràng, mối giường chỉnh đốn, sửa sang nhiều việc, cất dùng các anh tài, thành tích trông thấy rõ rệt. Chúa phò Lê Hy Tông giữ chính quyền 26 năm”.

Năm 1690, Vua lẫn Chúa cử Nguyễn Quý Đức làm Chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ sang tuế cống triều Thanh. Sau chuyến ngoại giao ấy, ông được thăng chức Lễ bộ Tả thị lang. Năm 1718, sứ nhà Thanh là Đặng Đình Triết và Thanh Vân đem sắc phong cho nhà vua, bắt phải theo lễ của nhà Thanh là tam quỳ cửu khấu (ba lần quỳ và chín lần khấu đầu lạy tạ) Nguyễn Quý Đức khuyên Trịnh Cương không nghe, cứ theo lễ nghi nước Việt nghiêm cẩn dung dị là tam khấu ngũ vái (ba lần quỳ và năm lần vái). Sứ Thanh cuối cùng phải nghe theo! Chao ôi, nếu thủ tục ấy mà chấp thuận và sau này thành nếp, thành lệ và bành trướng thì hậu thế Đại Việt chỉ những quỳ lạy rập đầu cũng đủ ốm!?

Một bằng cớ của sự tâm phúc là Chúa Trịnh Căn trong lúc bối rối đã phải cần đến sự thu xếp nhân sự và chính sự của vị tể tướng. Với vai trò cố vấn đắc lực, Nguyễn Quý Đức đã làm hết sức mình để chúa Trịnh Căn và nội các chúa Trịnh vua Lê khi ấy chấp thuận phương án do ông đưa ra là lấy Trịnh Cương chắt chúa Trịnh Căn làm chúa! Kết cục là dẹp được mầm mống phản loạn giữ được riềng mối an hòa.

Hổ phụ ắt sinh hổ tử. Nguyễn Quý Ân con trai Nguyễn Quý Đức, đỗ Hương cống (cử nhân), năm 25 tuổi, 30 tuổi làm nội giảng ở Quốc Tử Giám. Năm 1715 Nguyễn Quý Ân đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp), vào Hàn lâm viện lĩnh chức Bồi tụng, được giao viết 4 văn bia ở Quốc Tử Giám trong tổng số 21 bia mới được xây dựng năm đó. Vì có văn tài nên Hoàng giáp Nguyễn Quý Ân được chúa Trịnh Cương giao dạy cho thế tử Trịnh Giang học. Nguyễn Quý Ân là người chính trực, thanh liêm, cương nghị. Văn chất không tô vẽ bay bướm mà giản dị tự nhiên. Hoàng giáp để lại 2 tác phẩm là Thiên tự văn và Tứ thư đại chú.

Chính Nguyễn Quý Ân cũng là cố vấn đắc lực cho chúa Trịnh Cương lập Trịnh Giang làm chúa! Tiếc rằng ông mất hơi sớm, năm 49 tuổi.

Con trai Nguyễn Quý Ân, cháu nội Nguyễn Quý Đức còn gọi Nguyễn Quý Cảnh hay Nguyễn Quý Kính (1693 - 1766) cũng là một nhân vật kiệt hiệt. Ông thi đỗ Hương cống, làm quan trải đến các chức Thượng thư bộ Binh, Thượng thư bộ Hộ, Đại tư mã, hàm Thái phó, tước Quận công. Từng làm chức Giảng học cho em Chúa Trịnh là Ân quốc công. Một điều lạ lùng độc đáo là người cháu nội của tể tướng Nguyễn Quý Đức lại cũng như ông nội và cha mình - cũng là cố vấn nhân sự đắc lực cho nội các nhà Trịnh. Nếu như ông và cha chỉ hoạch định kế sách và dùng mưu thì Nguyễn Quý Kính đã phải dụng đến binh đao. Năm Canh Thân 1740, Trịnh Giang mắc bệnh nặng. Bọn hoạn quan lộng quyền, nội các rối loạn. Nguyễn Qúy Kính đã bày mưu cùng Bồi tụng Nguyễn Công Thái, Trương Không và Nguyễn Đình Hoàn đưa Trịnh Doanh lên ngôi Chúa.

 Để đối phó với quân làm loạn, Nguyễn Quý Kính đã sai em ruột là Vệ úy Nguyễn Quý Thường, đưa hương binh (quân của xã) vào bảo vệ kinh đô. Quý Kính chia binh giữ các cung điện và các ngõ ngách trong thành.

Bọn hoạn quan ở cung Thưởng Trì được tin, vội tập hợp lực lượng đánh Quý Cảnh và tôn Trịnh Giang làm chúa như cũ, nhưng bị hương binh của Quý Cảnh đánh bại, giết sạch. Trăm quan cùng đem nhau đến lạy mừng.  Về sau Nguyễn Quý Kính làm quan đến chức Binh bộ Thượng thư, làm Tham tụng trong phủ chúa. Ông có công lớn được người đời nhớ mãi, do đã cùng Vũ Công Tể đi tới nhiều nơi khuyên dân làm ruộng, trồng dâu, chiêu dụ những dân phiêu tán đi khai khẩn ruộng hoang, tạo được sự no đủ, bình an cho muôn dân...

 …Tôi nán bên nhà sử học Dương Trung Quốc, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Ông Quốc vắn tắt thế này. Tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Ân được đúc và trao cho dòng họ Nguyễn Quý nằm trong chương trình “Mỗi người một giọt đồng để đúc tượng danh nhân” do Tạp chí Xưa và Nay thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khởi xướng. Tượng do nhà điêu khắc Tạ Duy Đoán và nhóm nghệ nhân thực hiện. Cũng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, năm 2001, Hội đã trao cho dòng họ tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Đức. Năm 2016, Hội trao cho dòng họ tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính. Lúc sinh thời, cụ Nguyễn Quý Đức và cụ Nguyễn Quý Kính có tranh thờ nên việc thực hiện điêu khắc tượng các cụ có nhiều thuận lợi. Còn với cụ Nguyễn Quý Ân thì mẫu tượng được cân nhắc tạo tác từ vóc dáng hai cụ Nguyễn Quý Đức và Nguyễn Quý Kính.

 Đoàn rước tượng đã khởi hành về làng Đại Mỗ. Một đường hoa nối theo. Cụm huệ màu ngà sang trọng của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Kế là lẵng hoa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc,  Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Thị Ngọc Thịnh…

Làng Đại Mỗ đây.

Mỗ là tên gọi thuần Việt để chỉ tên người, tên làng và cả những làng không có tên là Mỗ. Làng Đại Mỗ của Từ Liêm ven Thăng Long thành dưới thời Tự Đức (1848 - 1883) được đặt cho tên ấy. Ý muốn tôn vinh địa danh nổi tiếng với sản vật lụa, lĩnh và dân cư có phong tục thuần hậu những là Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương. Tôi ngờ rằng cái tên Việt cổ Mỗ là do từ chữ Mụ? (ghi bằng chữ Hán thì gồm bộ Nữ và bộ Lão). Chùa Thiên Mụ ở Huế do chúa Nguyễn Hoàng đặt là chính chữ mụ này. Cách ngạn chung lâu Thiên Mụ tự /Thanh thanh sao phá viễn đinh yên (Bờ bên kia, có lầu chuông Thiên Mụ /Dội vang từng tiếng, phá tan làn khói ngoài xa, trên mặt sông. Thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm). Mụ- Mỗ của Đại Mỗ đây từng mang tên Thiên Mỗ. Thần thành hoàng làng đầu tiên của Đại Mỗ thờ nữ tướng Ả Lã Nàng Đê một tướng tâm phúc của Hai Bà Trưng thuở Nàng theo Hai Bà đi trận mạc sau đó Nàng tuẫn tiết. Thiên Mỗ, Đại Mỗ mang tên vị thần thành hoàng làng.

Và bây giờ, tiết tháng chạp Mậu Tuất, dân làng Đại Mỗ mở hội rước tượng danh nhân Nguyễn Quý Ân về đình làng. Trước đó vài năm, tượng của cha Nguyễn Quý Ân là Nguyễn Quý Đức và con Nguyễn Quý Ân là Nguyễn Quý Cảnh đã lần lượt được rước cũng từ Văn Miếu về định vị tại đình làng. Cả ba cha con ông cháu đều được truy phong Đại vương và Phúc thần, được phối thờ trang trọng cùng với vị liệt nữ thời Hai Bà.

Tôi lặng chiêm ngắm các vị bô lão Đại Mỗ cùng quan khách đang kính cẩn dâng hương trước 4 vị thần thành hoàng làng. Hương khói vấn vít bên đôi câu đối.

Đỉnh giáp nhất môn thiên hạ hữu

Phúc thần tam diệp thế gian vô

Tạm hiểu:

Khoa bảng đỗ đạt một nhà thiên hạ dễ tìm

Nhưng cỡ phúc thần ba đời tiếp nối, thế gian này không có.

(Sở dĩ có bức thủ bút in kèm đây vì theo mấy cụ bô lão cho biết, câu đối này vốn rất cổ. Nhưng trong quá trình tu tạo, thợ khắc mới đây đã chép hai chữ thế gian thành cổ lai. Tuy ngữ nghĩa vẫn na ná nhưng lĩnh ý các cụ, tác giả mạo muội bỏ hai chữ cổ kim và chép lại hai chữ thế gian như vốn có. Xin các bậc thứ giả chỉ giáo!)

Xin các đấng tiền nhân đại xá! Hậu thế vẫn có đấy những Bộ trưởng quan chức hàm thượng thư, những cha con ông cháu kế triều hoặc đồng triều. Nhưng kết cục cứ sao sao ấy bởi quả là chưa (hay không?) có những đấng bậc được truy phong cỡ phúc thần và được dân tôn làm thần thành hoàng như ba cha con ông cháu Nguyễn Quý Đức ở làng Đại Mỗ đây?

Ba cha con ông cháu làng Mỗ ảnh 1 Câu đối Đỉnh giáp nhất môn thiên hạ hữu/Phúc thần tam diệp thế gian vô (thủ bút của Xuân Ba) Ảnh: XB
MỚI - NÓNG