Ba điều đặc biệt từ một cuộc đấu giá

Ba điều đặc biệt từ một cuộc đấu giá
TP - Trung tuần tháng Hai vừa rồi, công chúng nghệ thuật thế giới ngạc nhiên về bộ sưu tập nghệ thuật có một không hai của hai ông trùm thời trang được Hãng đấu giá Christie’s đem đấu giá tại Paris, Pháp.
Ba điều đặc biệt từ một cuộc đấu giá ảnh 1
Bức tranh kỷ lục của Matisse giá 32 triệu euro

Hai ông trùm đó là Pierre Bergé, chuyên kinh doanh và Yves  Saint Laurent, chuyên thiết kế.

Điều đặc biệt thứ nhất là bộ sưu tập trước khi ra sàn đấu giá được trưng bày tại Đại Cung điện ở Paris.

Theo yêu cầu của Pierre Bergé, chủ nhân của 733 tác phẩm, hãng Christie’s  phối hợp với Đại Cung điện tổ chức cuộc triển lãm Bộ sưu tập nghệ thuật của Saint Laurent-Bergé.

150 chuyên gia và công nhân lành nghề được ban tổ chức tuyển chọn, tất bật làm việc khẩn trương nhiều ngày, để tạo dựng cuộc triển lãm gây ấn tượng thẩm mỹ và suy tư cao nhất.

Khách thăm đương nhiên gồm hầu hết những nhân vật tầm cỡ, ít ra cũng về tài chính. Họ là các chuyên gia nghệ thuật sừng sỏ, như Misako Takaku (Nhật) hay Pablo Schugurensky (Mỹ), hoặc đại diện các quỹ nghệ thuật, các bảo tàng và trung tâm nghệ thuật lớn.

Triển lãm mở cửa suốt đêm. Sổ vàng lưu lại nhiều câu cảm tưởng nhớ đời, “Đúng là một giấc mơ”, “Quả là trăm năm mới có một lần”…

Điều đặc biệt thứ hai của cuộc bán đấu giá, nó phá vỡ nhiều kỷ lục cho một bộ sưu tập tư nhân và hé lộ đôi chuyện đáng suy ngẫm. Ngay buổi tối đầu tiên, sau ba giờ đấu giá, hãng Christie’s đã thu về 206 triệu euro, vượt xa kỷ lục trước đó (163 triệu USD), mà bộ sưu tập Victor và Sally Ganz lập được ở New York năm 1997.

Các tác phẩm bán được hầu hết đều đạt giá mua cao hơn giá chào. Bức Nỗi thất vọng của Pierrot của nhà điêu khắc kiêm họa sỹ Bỉ James Ensor (1860-1949), dự trù bán trong khoảng 2 và 3 triệu euro, thực bán: 4.993.000. Nức lòng nhất là Hoa thủy tiên, thảm lót mầu lơ và hồng, do Henri Matisse (1869-1954), họa sỹ kiêm nhà điêu khắc Pháp, vẽ năm 1911.

Ban tổ chức ước tính bán nó khoảng 12 đến 18 triệu euro. Thực tế, nó rời sàn đấu giá với 32 triệu euro. Một vài nhà nghiên cứu khẳng định rằng cái thần của Matisse nói chung và Hoa thủy tiên nói riêng nằm ở chỗ con người cần một sự trầm tĩnh và thanh thản như một lẽ sống tự thân, như một âm điệu chủ đạo.

Ở đây, công chúng có thể hiểu được “thất bại” của Picasso khổng lồ tại cuộc đấu giá đang được mổ xẻ dưới nhiều góc độ. Bức Các nhạc cụ trên một bàn tròn một chân của ông được cho là món chính của bữa tiệc chuyển nhượng. Nó được chào từ 25 đến 30 triệu euro.

Song, bao lần búa gõ, giá cuối cùng người mua xướng lên chỉ ở mức 21 triệu. Đấy là bất ngờ “khủng khiếp” nhất trong lịch sử đấu giá nghệ thuật toàn cầu.

Không phải cái gì của họa sỹ vĩ đại nhất thế kỷ Picasso (1881-1973) cũng là hiển hách hay vô địch. Trong bức tranh này, ông phản ánh chưa đúng đời sống âm nhạc của thế kỷ vốn đầy khí thế tiến công như vũ bão, chứ không tù đọng chông chênh.

Điều đặc biệt thứ ba, sức sống vô giá của nghệ thuật đôi khi tiềm ẩn khó tin ở những nơi tưởng chừng xa lạ. Người ta từng biết đến cuộc tranh chấp pháp lý liên quan đến hai tác phẩm trong bộ sưu tập, hai tượng đồng, một là đầu chuột nhắt, một đầu thỏ.

Chúng vốn được trang trí trong Cung điện nghỉ hè ở Bắc Kinh của vua Càn Long (1736-1795), Trung Quốc, và bị quân đội Anh Pháp cướp đoạt năm 1860, khi Cung điện bị đốt cháy trong cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ hai. Mỗi tác phẩm được rao giá 10 triệu euros, thực tế được bán 14 triệu.

Khi biết Christie’s chuẩn bị bán chúng, một tổ chức bảo vệ tác phẩm nghệ thuật Trung Hoa ở châu Âu khởi kiện, yêu cầu ông Pierre Bergé hoàn trả chúng cho Trung Quốc. Song ngay tức khắc, cơ quan pháp luật Pháp hữu quan bác đơn kiện và chúng được đem bán bình thường.

Hãng Christie’s cho rằng cách hay nhất để bảo vệ cổ vật Trung Hoa là bán đấu giá. Như thế, việc thu hồi các sản phẩm nghệ thuật bị đánh cắp hay “trấn lột” nên được ấn định thời hạn chúng bị đưa ra khỏi quê nhà.

Vụ bê bối pháp lý dù sao cũng không ảnh hưởng nhiều tới cuộc bán đấu giá. Bộ sưu tập được mệnh danh là “một thế giới đang tắt lịm”, “một thời đại đang biến mất”, “một cảm nhận nghệ thuật đang “rút khỏi cõi đời” là kết quả sưu tầm của hai đại gia thời trang suốt hơn nửa thế kỷ.

Nó thật sự phong phú và toàn diện, với đủ các loại hình nghệ thuật. Nó là sự đồng điệu hiếm thấy của hai tình yêu nghệ thuật sắc sảo và linh diệu, hai tình yêu tuồng như không tồn tại trong hai con người những tưởng chỉ gắn bó với tiền bạc.

Phú Khê
Theo tài liệu nước ngoài

MỚI - NÓNG