Ba Hàn Mặc Tử trong một vở diễn

Ba Hàn Mặc Tử trong một vở diễn
TPCN - Đoàn kịch thể nghiệm Nhà hát Tuổi trẻ đang gấp rút chuẩn bị ra mắt vở “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” dự kiến vào cuối tháng 5 này.

Cuộc đời tài hoa bạc mệnh của Hàn Mặc Tử đã nhiều lần được viết thành sách, dựng thành phim, kịch câm, cải lương... Nhưng đây là lần đầu tiên được dựng thành kịch nói hình thể.

Dựng “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” cả NSƯT Lê Hùng- đạo diễn và NSƯT Lan Hương - trợ lý đạo diễn, đều kỳ vọng tạo nên một “thánh đường đích thực” như “Ê-dốp” trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ trước đây.

“100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” vừa mang dáng dấp của một vở kịch thơ lẫn kịch hình thể, được chia làm bốn phần: Định mệnh, Đau thương, Điên loạnVĩnh hằng.
 

Như NSƯT Lê Hùng nói, Hàn Mặc Tử chào đời đã được giao sứ mệnh làm thơ, bị người yêu từ bỏ trong lúc bệnh tật, nhưng dù trong bi kịch, tâm hồn ông vẫn thăng hoa và để lại những bài thơ tuyệt hay cho đời. 

Theo NSƯT Lan Hương - Trưởng đoàn kịch thể nghiệm Nhà hát Tuổi trẻ thì đây là một kịch bản hay, với một câu chuyện đơn giản và mới lạ (Tác giả kịch bản Phan Cao Toại).

Kịch là câu chuyện về những phút cận kề cái chết của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Đây cũng là vở sẽ tham dự Hội diễn sân khấu thể nghiệm quốc tế lần thứ II tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm nay.

30 nghệ sĩ trẻ của Đoàn tham gia vở lớn tuổi nhất SN 1979, trẻ nhất SN 1986. Người đọc thơ là Trung Nhật, sinh viên Nhạc viện Hà Nội, người gốc Huế. 

Ba diễn viên cùng đóng Hàn Mặc Tử

Khán giả gần đây thường vẫn bắt gặp trong những vở diễn của đạo diễn  Lê Hùng yếu tố ma quỷ, nhưng với “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” thay việc dùng thiên thần và quỷ sứ, ông đã dùng con bệnh và linh hồn.

Chính vì điều này mà trong vở diễn có 3 nam diễn viên cùng đóng vai Hàn Mặc Tử. Một Hàn Mặc Tử có sự thoát ly của linh hồn khỏi thân xác ngay trong những cơn điên loạn và đau đớn tột cùng.

Và vở như muốn lý giải chính cái thống khổ “thiên mệnh” ấy đã đưa người nghệ sĩ thăng hoa cũng như biết nâng niu từng ngày sống một.

Điều thú vị là Công Dũng và Như Lai (cùng sinh năm 1979) bằng tuổi của nhà thơ lúc qua đời. Công Dũng là gương mặt quen thuộc của khán giả yêu thích phim truyền hình vừa mới về Nhà hát Tuổi trẻ chưa đầy một năm đã đảm nhận vai chính Hàn Mặc Tử (đời thường).

Dáng thư sinh, cao ráo (1m80), Công Dũng trong bộ đồ màu trắng nổi bật giữa sân khấu. Trên sàn tập anh đã thể hiện tốt tâm lý nhân vật của một nhà thơ lúc bay bổng, lúc điên loạn, lúc đau khổ...

Cảnh chào biệt mẹ và chị để vào trại phong; gặp gỡ Mộng Cầm đến từ biệt để đi lấy chồng; trò chuyện với chú Hành khi gần đất xa trời... được Công Dũng thể hiện rất xúc động.

Như Lai vào vai thể hiện phần hồn của Hàn Mặc Tử. “Cái khó theo tôi là làm sao tạo được cảm giác cho người xem hoà vào nỗi đau số phận nhân vật” - Anh nói. Cô đơn trong đêm nhưng bất chợt trăng lên, những lời thơ của Hàn Mặc Tử cứ tuôn ra lấn át nỗi đau thể xác.

Cảnh gây cảm xúc mạnh về tạo hình chính là khi linh hồn cứ giẫm đạp lên thể xác mà đi. Như Lai đã tập cảnh này rất kỹ. Anh bước lên người Hoàng Tùng (thể xác) đi với những bước nhẹ, thư thái như người mộng du.

Cảm động nữa là lúc linh hồn nhìn thấy con người thật Hàn Mặc Tử đang cô đơn và  mơ một giấc mơ về đám cưới và hạnh phúc.

Nguyễn Hoàng Tùng trẻ hơn (sinh năm 1982) vào vai Hàn Mặc Tử - thân xác. Tốt nghiệp lớp diễn viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội loại xuất sắc, Hoàng Tùng được Nhà hát Tuổi trẻ nhận về, khi ấy Đoàn kịch thể nghiệm cũng mới vừa thành lập. Thành công qua vai diễn Trần Khải trong “Con bệnh bí hiểm”, Hàn Mặc Tử là vai chính đầu tiên của Hoàng Tùng kể từ ngày về Nhà hát.

Tập 7 tháng vẫn chưa xong

Thực hiện vở diễn, những người dàn dựng đều tìm đọc kỹ những tài liệu liên quan đến cuộc đời nhà thơ, để từ đó mỗi mảng miếng kịch tung ra thật đắt, như cảnh Mộng Cầm khỏa thân dưới trăng...

Nến và trăng gần như xuyên suốt vở diễn. Lời thoại ngắn gọn, diễn xuất hình thể là chủ yếu. Những vần thơ hay nhất, lột tả được con người và số phận của Hàn Mặc Tử được tác giả đưa vào vở. 

NSƯT Lan Hương cho biết, chưa có vở kịch nào mà thời gian tập dài như “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử”, hơn 7 tháng vẫn chưa xong.

Đạo diễn thì cẩn thận từng chi tiết, dàn diễn viên thì tập đi tập lại từng động tác, vì loại kịch hình thể không cho phép người nghệ sĩ được thêm thắt. Lan Hương nói, giờ chỉ còn chờ đón khán giả đến xem.

Theo chị, khán giả sẽ không thất vọng, vì đây là vở kịch hay và rất “sạch”.

Giá vé mơ ước 50 USD

Về giá vé 50 USD mà đạo diễn Lê Hùng tuyên bố trước đó, như lời NSƯT Lan Hương thì đó là giá vé mong ước của những người làm kịch “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử”.

Và nếu có giá vé đó thì chủ yếu dành bán cho khách nước ngoài. Với khán giả Việt Nam, chắc chắn giá vé cũng cao hơn so với mặt bằng vé xem kịch hiện nay.

MỚI - NÓNG