'Bà mẹ Việt Nam'

TP - Phải nói ngay rằng, đi đầu trong nỗ lực nối lại bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ, và hàn gắn, chữa lành những vết thương chiến tranh, tại Hoa Kỳ, công đầu phải kể đến những nhà văn, nhà thơ vốn là những người lính phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ, tập hợp trong tổ chức William Joiner Center (WJC) của Đại học Massachusetts tại Boston - “WJC đã là cầu nối giữa hai nền văn hóa, đã là chiếc tàu phá băng giữa lúc quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ còn đóng băng. Các anh đã làm được nhiều việc mà ngay các nhà chính trị cũng phải ngạc nhiên” (Nguyễn Khoa Điểm, TIỀN PHONG CUỐI TUẦN, số Xuân 2006).
'Bà mẹ Việt Nam' ảnh 1

(Từ trái qua) bà Phạm thị Cúc(vợ nhà văn TNV), chồng Grace Paley, bà Phan Ngọc Chấn(vợ nhà thơ Nguyễn Bá Chung), nhà văn Lý Lan, nhà thơ Grace Paley, Tô Nhuận Vỹ. Ảnh: Nguyễn Bá Chung

Báo chí Việt Nam, và bản thân tôi, đã viết nhiều về WJC và các nhà thơ nhà văn hàng đầu của WJC như K.Bowen, B.Weigl, F.Marchaut, L.Borton, M.Colin, L.Heinemann, Nguyễn Bá Chung… Nhưng, có một nữ sĩ rất nổi tiếng và càng nổi tiếng về tình cảm dành cho Việt Nam, Grace Paley, không hiểu sao còn ít người viết đến.

Trong bài ngắn này, tôi ghi lại một kỷ niệm với bà.

*

*        *

Tôi gặp bà lần đầu tiên cách đây gần 14 năm, tại trụ sở của Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế. Bà đi trong đoàn khá đông nhà văn, nhà thơ Mỹ thăm Việt Nam, ngồi với đoàn nhà văn, nhà thơ Huế còn đông hơn, mỗi người nói vài ba câu hữu nghị, nên tôi chưa có dịp được gặp và nói chuyện riêng với bà. Nhưng cũng đã nghe giới thiệu bà đã từng tham gia chống chiến tranh Việt Nam từ khi nó mới khởi phát. Lúc đó những người chống chiến tranh còn rất ít ỏi, cho nên có lúc bà “biểu tình đứng” một mình trước Lầu Năm Góc, bị không ít người qua kẻ lại chửi rủa, thậm chí nhổ nước bọt vào mặt, hét lớn bà là kẻ phản bội tổ quốc. Bà vẫn đứng đó, hiên ngang và chịu đựng, cho đến ngày bên cạnh bà có hàng trăm, hàng ngàn người cùng một ánh mắt, cùng một tiếng hô tâm huyết như bà. Từ những ngày đó, bạn bè tranh đấu gọi bà là “Bà mẹ Việt Nam”. Bà tự hào về cái tên mới của mình, hơn cả bút danh Grace Paley vang dội của bà sau này.

Hình như bà muốn giúp tôi nhìn rõ hơn về xã hội tư bản, về số phận của những người nghèo trong một xã hội giàu có, muốn truyền cho tôi kinh nghiệm của một người đi trước, một người có trái tim suốt đời đập theo nhịp đập của trái tim Việt Nam. Và bà đã nói lên điều mà tôi phỏng đoán thật.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ

Ấn tượng của tôi về bà là sự ngạc nhiên. Con người có một ý chí mạnh mẽ, một ngọn lửa lý tưởng nóng rực đó lại nhỏ bé quá, nhẹ nhàng quá, cười hiền từ quá… Cho đến tại một hội thảo văn học hè của Trung tâm William Joiner của Đại học Massachusetts tôi gặp lại bà trong một cuộc “lên lớp” mà tôi và các nhà văn Bruce Weigl, Lary Heinemann là giảng viên, còn vợ chồng bà ngồi bên dưới hàng ghế… học viên. Lúc này bà đã là một nhà văn tên tuổi lẫy lừng ở Mỹ, đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng, ví như The Little Disturbances of Man (Những nhiễu sự vặt của con người - 1959), Enormous Changers at the Last Minute (Những đổi thay to lớn vào phút cuối - 1974), Late the Same Day (Sau đó, cùng ngày - 1985)… đã từng được thành phố New York phong là Thi bá. Và mái tóc bà đã bạc trắng của tuổi tám mươi tư. Nhưng đôi mắt bà vẫn sáng, nụ cười của bà vẫn hiền dịu như ngày nào. Đặc biệt, bà lắng nghe khá kỹ những nội dung trong bài nói và trả lời người nghe của tôi hôm đó. Hình như bà muốn giúp tôi nhìn rõ hơn về xã hội tư bản, về số phận của những người nghèo trong một xã hội giàu có, muốn truyền cho tôi kinh nghiệm của một người đi trước, một người có trái tim suốt đời đập theo nhịp đập của trái tim Việt Nam. Và bà đã nói lên điều mà tôi phỏng đoán:

- Anh Vỹ nói đúng, nhà văn không thể là tâm hồn, là tiếng nói của nhân dân nếu không sống trong họ, sống với họ. Ở Mỹ cũng có không ít nhà văn không cần biết nhân dân nghĩ gì, mong ước gì, nhất là tầng lớp nghèo khổ, mà chỉ cần biết đến nhà cầm quyền muốn gì và chỉ chuyên ca ngợi nhà cầm quyền.Với họ, những đau khổ, bất công đầy rẫy trong xã hội Mỹ không hề được viết đến. Họ thiếu phẩm chất cần có nhất của người cầm bút là trung thực và dũng cảm…

'Bà mẹ Việt Nam' ảnh 2

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ

Sau hội thảo ít hôm, vợ chồng tôi, vợ chồng nhà thơ Nguyễn Bá Chung và nhà văn Lý Lan (lấy chồng và cư trú tại bang Washington tận miền Tây - Bắc nước Mỹ về tham dự hội thảo) kéo nhau lên vùng “rẻo cao” là bang Vermont gần Canada để thăm vợ chồng Grace Paley. Chúng tôi phải tra cứu bản đồ nhiều lần, xe phải leo dốc, chui lủi “bụi bờ” nhiều phen, đi qua những đoạn rừng mà nai thấy chúng tôi cứ đủng đỉnh bước chứ không thèm chạy, mới tới được căn nhà phải nói là lụp xụp giữa rừng rậm của hai vợ chồng Grace. Căn nhà gỗ một tầng như chìm giữa những cành cây lớn phía trên và lau cỏ xung quanh. Có cả mấy trảng cỏ lớn gần nhà mà chồng Grace mua để trồng cỏ bán cho ngựa ăn. Có mấy miếng đất trồng cải nhưng phải chăng dây thép để phòng nai vào phá. Hai ông bà tậu “khu sinh thái” này để mỗi lần ngồi viết, ông bà đều về đây. Ông chồng của Grace đã tám lăm tuổi, cũng viết văn, nhưng ít có tác phẩm nổi tiếng. Những năm sau này thì họ về ở hẳn đây. Trong căn nhà của họ, nhìn lui nhìn tới, tôi chẳng thấy có cái gì cho đáng là vật dụng của một cuộc sống hiện đại. Cái bàn viết cũng chỉ là cái bàn mộc như thời kháng chiến ở… Hà Tây bên ta. Salon, cái ghế mềm cho bà ngồi… chắc cũng ra đời vài ba chục năm trước. Cái cốc uống nước, cái bếp nấu ăn… toàn là đồ “cổ lỗ sĩ”. Hình như cuộc sống sang trọng, hiện đại hoàn toàn xa lạ với họ, xa lạ với nghiệp viết lách của họ, thậm chí có thể làm hại tới ngòi bút của họ nữa. Nên họ từ bỏ cuộc sống đô hội ở New York để về nơi thâm sơn cùng cốc này. Tôi thương Grace quá, ôm lấy bà và chạm vào một cơn run rẩy nhẹ. Mà bà đang ốm thật.Bà bị cảm đã gần tuần nay. Nhưng nghe chúng tôi báo muốn lên thăm, bà đồng ý ngay, hy vọng vì vui khi có các bạn Việt Nam tới sẽ giúp bà mau khỏe. Nhưng bà buồn vì không kịp khỏe để nấu một món gì đó đặc biệt đãi chúng tôi, ngoại trừ món súp cà rốt cà chua hổ lốn cho người ốm. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị từ Boston mấy món đặc sản Việt Nam như bánh cuốn rau thịt, nem rán, bún thịt nướng… đem lên đãi ông bà. Tôi thì đề nghị bà cho tôi ăn món “súp ốm” của bà. Bà cười thật tươi, ôm lấy tôi và nói:

- Vỹ dễ thương quá!

Trong lòng tôi rưng rưng một nỗi thương cảm và kính phục bà mẹ Mỹ có tấm lòng thủy chung với đất nước tôi suốt gần nửa thế kỷ qua. Tôi ngồi cạnh bà, húp miếng súp nhàn nhạt không mùi vị mà ông già nấu cho bà già giữa vùng rừng bao la của bang Vermont mà cổ nghèn nghẹn. Trước lúc chia tay, với lo ngại không biết bà còn sống được bao năm nữa, tôi ôm lấy bà và nói tôi mong được đón bà ở căn nhà bé nhỏ của tôi ở Huế. Những sợi tóc bạc trắng của bà phủ trên mặt tôi và trong mái tóc bạc trắng như tiên của bà vọng ra một câu thì thầm:

- Đó là ước mong lớn nhất của tôi bây giờ đó Vỹ à.

Huế tháng 4/2015

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...