Khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XV:

Ba năm một lần vui, một lần vất vả

Ba năm một lần vui, một lần vất vả
TP - Nam Định những ngày này, gần như lúc nào cũng có ít nhất hai phim nhựa chiếu ngoài rạp. Mỗi phim chiếu một lần với sự ra mắt và giao lưu của đoàn làm phim.
Ba năm một lần vui, một lần vất vả ảnh 1
Các diễn viên điện ảnh tề tựu tại buổi khai mạc Liên hoan phim lần thứ XV.
Ảnh: Hồng Vĩnh

Đoàn làm phim Áo lụa Hà Đông đến rạp Tháng Tám vào hồi 8h30 sáng 21/11 với đủ ê-kip Phước Sang, Như Quỳnh, Trương Ngọc Ánh… chỉ thiếu Quốc Khánh- nhân vật mà các nhà báo mong chờ vì nằm trong tầm ngắm của Giải Nam diễn viên xuất sắc.

Chỉ có cánh nhà báo là nhiệt tình đón tiếp nghệ sĩ, khán giả tỏ ra khá thờ ơ. Một phần do buổi chiếu sáng thường vắng, chủ yếu là khán giả hưu trí. Buổi chiếu Chuông reo là bắn chiều cùng ngày tại Trung tâm Điện ảnh Sinh viên thì không còn chỗ ngồi, đại đa số là bạn trẻ.

Khán giả nhiều lần ồ à vỗ tay khi xem những đoạn gay cấn nhưng phim vừa hết thì cũng rời ghế đi liền. Đâm ra không có màn giao lưu với đoàn làm phim như mong đợi.

Một số khán giả trẻ chủ yếu chỉ chạy theo Nguyên Vũ (ca sĩ, tham gia một vai trong phim) xin chữ ký và chụp ảnh, trong khi đoàn Áo lụa khá thành công với diễn viên lấy nước mắt khán giả Trương Ngọc Ánh- cô cũng xúc động đến rớm nước mắt trong vòng tay hâm mộ của người Nam Định.

Phim hoạt hình chiếu ở rạp Bình Minh ngay cạnh rạp Tháng Tám. BTC kéo khán giả nhí đến rạp bằng cách  phối hợp với các trường học trong thành phố đưa học sinh đi xem tập thể nên buổi chiếu nào cũng nhộn nhịp.

Các đội chiếu bóng lưu động cũng sẽ đem phim liên hoan tới các vùng nông thôn trong tỉnh. Với lịch chiếu sít sao, ngày 3-4 phim truyện, khán giả thành phố xem phim này thì phải bỏ phim khác trong tình hình rạp chiếu còn hạn chế. 

Mỗi khán giả được phát cho 1 phiếu với 2 lựa chọn “thích” hoặc “không thích”. Cuối buổi chiếu có ngay kết quả kiểm phiếu nhưng được giữ kín đến phút chót. Kết quả này sẽ quyết định giải của Cục Điện ảnh dành cho Phim truyện nhựa được khán giả yêu thích nhất.

5 giải thưởng (1 Bông Sen Vàng, 2 Bông Sen Bạc, 2 Bằng khen) sẽ được trao cho mỗi hạng mục phim, cầm chắc phim nào đã lọt vào đề cử cũng có giải.

Có thể hiểu rằng số lượng phim tăng đồng nghĩa với số lượng giải tăng, theo kiểu “liệu phim gắp giải”. Và với tình hình  phát triển trên diện rộng như vừa qua của điện ảnh Việt Nam, thì tại LHP, phải chăng giải thưởng tiếp tục được phân phát rộng rãi hơn để động viên mọi nhà.

Sân khấu và kịch bản cho lễ khai mạc có vẻ không được quan tâm đúng mức. Trang trí sân khấu quá sơ sài- chỉ có một màn hình video, vài hàng chữ cắt bằng xốp treo ngay ngắn không khác gì các hội nghị tổng kết thường thấy của các ban ngành.

Lễ khai mạc năm nay được giao cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chỉ huy. Và đội ngũ những người giúp việc cho anh chỉ là vài nhân viên của Trung tâm TPD vốn không có kinh nghiệm gì về tổ chức sự kiện, nhất lại là một sự kiện tầm cỡ quốc gia như thế này.

Lễ khai mạc diễn ra từ bên ngoài với lần lượt các đoàn làm phim tiến vào rạp không phải tự do mà theo giới thiệu của MC. Hai nhân vật chính của phần lễ trong nhà là Hồng Ánh và Đức Khuê được kéo cờ Liên hoan.

Mãi đến tối tổng duyệt 20/11 vẫn chưa có các diễn viên múa và ca sĩ để chạy chương trình. Chỉ có các diễn viên địa phương từ các đoàn kịch, chèo, cải lương là túc trực từ sớm với tiết mục trung tâm: Múa với 140 lá cờ (tượng trưng cho 14 đời vua Trần) khá hoành tráng.

Tiếc rằng nhạc cho màn múa này là một bài hát mới sáng tác và được phối trên đàn oóc hoàn toàn không ăn nhập với màu sắc và động tác múa giàu tính dân tộc. Kết thúc chương trình toàn thể quan khách đứng dậy để ra ngoài theo các nam diễn viên múa cờ- để xem họ xếp hình chữ LHP XV ngoài sân.

Một số nhà báo cho rằng thành phần BGK năm nay lớn tuổi và cũ quá. Tại cuộc họp báo sáng 21/11, đại diện BTC trả lời đơn giản: Vì các gương mặt trẻ hơn đã vướng vào phim này phim kia dự giải.

Theo điều lệ, giám khảo không được là tác giả chính của phim thuộc thể loại mà mình tham gia chấm giải. Cũng là một tín hiệu báo động cho nền điện ảnh non trẻ nhưng lại hơi nhiều người cao tuổi của ta.

Trước câu hỏi về tính lưu động- nay đây mai đó- của LHP ta, ông Lại Văn Sinh- Phó BTC công nhận, mỗi lần tổ chức ở một địa phương mới lại phải làm lại từ đầu, đầu tư rất nhiều, nhưng vì yêu cầu tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân nên phải xác định “3 năm 1 lần vất vả”.

Tuy nhiên có thể nhìn thấy cái lợi “trước mắt” của kiểu tổ chức này là lần lượt các địa phương sẽ có lý do được rót tiên để đầu tư chỉnh trang lại hệ thống rạp.

Ông cho biết hiện có một số địa phương và tổ chức xin đứng ra tổ chức LHP (độc lập với LHP quốc gia) và ông ủng hộ động thái này. Cục Điện ảnh cũng đang làm đề án trình cấp trên về việc đổi mới cách làm LHP.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.