Bà tôi: Chưa đăng quang đã “gặp chuyện”

Bà tôi: Chưa đăng quang đã “gặp chuyện”
Bà tôi tham gia Bài hát Việt tháng 7 đã lập nên một kỳ tích khi tạo nên sự nhất trí tuyệt đối giữa HĐNT và công chúng qua mạng điện thoại và trang web.
Bà tôi: Chưa đăng quang đã “gặp chuyện” ảnh 1
Nguyễn Vĩnh Tiến – tác giả bài Bà tôi  ảnh: N.M.H

Nhạc sĩ Nguyễn Cường, thành viên HĐNT đã có lời khen Bà tôi trên Thanh Niên (11/8/05). Sau đó là những ý kiến trái chiều trên Thể thao Văn hóa (16/8/05) khẳng định tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến là “người không biết viết một nốt nhạc”.

Thực chất vấn đề có phải như vậy, khi Bà tôi vẫn là nhạc phẩm đi vào lòng người...

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Cứ cho là tác giả của bài hát chả biết nốt nhạc nào đi, thì càng rất hay. Bởi không biết mà còn làm được thế. Trong khi nhiều người biết mà lại không làm được, thế thì không phải xem lại người viết mà cần xem lại người học!

Trong âm nhạc, người ta chỉ dạy được âm thôi, không ai dạy được nhạc, còn ghi nốt nhạc là việc ký âm mà thôi... Mà việc đó hiện nay có thể giải quyết trên máy vi tính rồi. Cho nên không ai bàn về cái chuyện này, nó... dở hơi.

Thứ ba, tôi muốn nói, các cụ nhà ta nghìn năm xưa chả biết âm, chả biết đồ-rê-mi… là gì hết, nhưng các cụ đã sáng tạo ra những bài hát bất hủ, con cháu ta hiện nay chưa ai làm được. Thứ tư, điểm lại xem tác giả VN: ông Văn Cao, ông Trịnh Công Sơn có học trường nào không, ông Dương Thụ học trường nào không… Nhưng người ta vẫn là những tác giả, vẫn là những người đóng góp.

Nhưng vẫn có người cho rằng bài hát như Bà tôi chỉ làm giảm chất lượng của chương trình Bài hát Việt...?

Nếu có được tác phẩm như thế này, chương trình quá thành công, tôi sợ không có nổi những bài đằm thắm như thế này, tình như thế này. Và đây là một hướng đi…rất đẹp của âm nhạc VN đương đại. Khi tôi nói nó còn đôi chỗ chưa chuẩn là kỹ thuật về âm thôi, chứ còn về nhạc thì nó kỹ thuật lắm... Kỹ thuật đến mức độ người ta không biết là kỹ thuật.

Bài sử dụng mỗi một chất liệu mà nó kéo được như thế, nó tái hiện như thế là một kỹ thuật. Nó phổ thơ 4 chữ mà cứ bay như không, là một kỹ thuật kinh khủng mà bao nhiêu ông học trường nhạc có làm được không! Mà kỹ thuật lớn nhất là kỹ thuật xông vào trái tim con người, đấy là một kỹ thuật cao hơn tất cả… Và tôi mơ rằng mỗi kỳ chương trình có một bài như thế.

Với tư cách là thành viên HĐNT, anh có chào đón những tác giả không biết nhạc?

Tôi không chào đón tác giả, tôi chào đón tác phẩm. Tác phẩm hay tôi chào đón, tôi không cần biết tác giả. Viết hay tôi sẵn sàng cho 10 điểm. Viết không hay dù... ông giời tôi cũng cho 1 điểm, và tôi đã cho ze-rô những tác giả cũng sừng sỏ, ghê gớm ở VN. Vì không phải tôi cho, mà tôi là đại diện cho một thẩm mỹ được BTC tín nhiệm. Và tôi cho không phải tác giả đó mà cho bài hát đó.

Anh có thấy hơi tiếc vì đã khen Bà tôi hơi sớm?

Việc khen bài ấy rất là kịp thời. Và đấy cũng là một nhiệm vụ mà HĐNT giao cho tôi, chứ không hẳn tư cách cá nhân. Sau này cứ mỗi bài được chọn hàng tháng thì một người trong HĐNT sẽ có trách nhiệm viết về bài đó.

Nhạc sĩ Minh Đạo: Lần đầu tiên nghe Bà tôi trên đài truyền hình, tôi đánh giá đây là một bài rất tốt. Và tôi đã nói với mọi người trong phòng, bài này sẽ là bài thành công trong chương trình. Đầu tiên tôi nghĩ tác giả là một người được học hành rất là đàng hoàng ấy! Sau tôi mới biết cậu ấy là KTS. Theo tôi, nếu cậu ấy là một người không được đào tạo một cách cơ bản, thì những người được học hành phải rất suy nghĩ.

Điều đầu tiên là hình tượng âm nhạc của bài được xây dựng rất rõ nét. Đây tôi không bàn về lời vì tôi không phải người viết ca khúc. Là người thường xuyên phối khí và tiếp xúc với rất nhiều tác phẩm ca khúc, tôi cho rằng hình tượng âm nhạc là cái rất quan trọng. Với Bà tôi, thậm chí không cần nghe lời, cái nét nhạc đã gợi cho người ta hình ảnh người bà của tác giả rồi. Tức là cậu ấy vẽ tranh bằng nhạc.

Nếu quy Bà tôi vào hình thức “sắp đặt âm nhạc”, anh thấy có hợp lý không?

Không, nếu gọi là sắp đặt thì theo tôi phải trên những mẫu nhạc có sẵn. Tôi nghĩ đây là một ca khúc hoàn toàn bình thường, có hình tượng và chủ đề âm nhạc được phát triển tốt và quan trọng, nó gây cho tôi một cảm xúc rất đáng trân trọng.

Theo anh thì những người “không biết viết một nốt nhạc” có nên tham gia chương trình Bài hát Việt?

Theo quy định của cuộc chơi thôi. Nếu cuộc chơi đó mà cấm những người không được học hành về nhạc tham gia thì là chuyện khác.

Nhà báo Hải Ninh: Tôi thích bài đó thứ nhất là cái màu sắc. Tại vì cái dân gian của mình mà đi vào được nhạc pop là rất tốt. Cái thứ hai là sự kết hợp giữa ngôn ngữ và âm nhạc tuôn trào một cách tự nhiên, không gò bó. Đây là sự khác biệt giữa VN và nước ngoài.

Ca khúc nước ngoài có cấu trúc rất rõ ràng, còn bài này cấu trúc có cái gì nó không rõ, cái mạch nó cứ tuôn ra. Nhưng người nghe cảm nhận được- một kiểu kiến trúc khác. Cái thích thứ ba, tôi nghĩ những khai thác như thế này tạo được một cái đặc trưng VN hơn.

Còn nếu cứ hát những bài pop bình thường thì mình không bằng nước ngoài. Dạng thức phát triển kiểu Bà tôi có thể tạo một cái lạ để người nước ngoài nghe, tìm hiểu một mức độ nào đó về âm nhạc VN.

Nếu được biết tác giả của Bà tôi không biết gì về nhạc chẳng hạn, liệu cảm nhận của anh về bài hát có thay đổi?

Không bao giờ. Tại vì ở VN mình hầu như chưa có một trường nhạc nhẹ, mà về sáng tác thì khó dạy lắm. Còn ở ngoài, rất nhiều nhạc sĩ đàn anh từ trước tới giờ không học gì hết, họ vẫn viết được ca khúc. Chuyện đó tôi cảm thấy rất bình thường.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.