Bác Kim Lân với cha tôi và người bạn chung

Bác Kim Lân với cha tôi và người bạn chung
TP - Bác Kim Lân đã đi xa. Một nhà văn gạo cội của văn học Việt Nam đã đi xa. Riêng với tôi, lại một người bạn thân của cha tôi đã đi xa. Cha tôi là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, với bác Kim Lân là chỗ bạn bè rất đỗi thân thiết.
Bác Kim Lân với cha tôi và người bạn chung ảnh 1
Nhà văn Kim Lân và con trai

Điều hiển nhiên này tôi đã biết từ lâu, và càng với thời gian càng thêm thấm thía. Còn nhớ quãng năm 1990. Theo lời kể của mẹ tôi, tôi đã ghi lại được một hồi ký của bà về cha tôi, bài Nhà tôi- kỷ niệm của một thời và mãi mãi.

Đúng hơn, tôi đã ghi nhớ những chuyện bà kể về ông cho các con, nay một tí mai một tí, rồi kết hợp với sự tìm hiểu – cả sự tưởng tượng nữa – của riêng mình để viết nên. Bài viết xong, tôi đưa cho mẹ đọc và được bà khen: “Chú Thắng viết cứ như thật ấy!”.

Tôi cũng đưa cho một số bạn bè thân quen của gia đình đọc và đều nhận được lời khen rằng “bài viết rất thật”. Vậy nên tôi đã hết sức bất ngờ khi bác Kim Lân cho người nhắn: “Bảo thằng Thắng lúc nào đến tôi nói cho mà biết, nó viết sai lắm!”.

Hóa ra, bác Kim Lân rất không bằng lòng về đoạn kể về những ngày cuối cùng của cha tôi, đại ý nói rằng mẹ tôi là người đã chăm sóc cha tôi những ngày đau đớn ấy, rằng bà đã chứng kiến giây phút lâm chung của ông.

Điều đó, theo bác Kim Lân là sai, vì chính bác, chứ không phải ai khác, mới là người đảm nhận. Số là, sau gần hai tháng cha tôi lâm trọng bệnh, mẹ tôi, vốn thần kinh yếu, lo lắng đến gần như hoảng loạn. Các bác lãnh đạo, như nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi rất lo cho sức khỏe của mẹ tôi.

Các bác đã cương quyết đòi gia đình bằng mọi giá phải đưa mẹ tôi về nhà tĩnh dưỡng. Và bác Kim Lân đã chủ động xin được vào viện, thay mẹ tôi chăm sóc cha tôi, từ việc nâng đỡ tinh thần đến việc hộ lý cho người bệnh, cứ thế suốt cho đến khi bạn mình qua đời...

Tôi kể lại những điều này không phải để thanh minh cho sự thiếu hiểu biết của mình – khi ấy tôi mới 5 tuổi, đã biết gì đâu mà thuật lại cho đúng được – mà chính là để được giãi bày tình cảm của mình khi “bị” bác Kim Lân phản bác cái sai trong bài viết.

Nhà văn Kim Lân – như chúng ta đều biết – là người quá đàng hoàng để đi chấp nê những gì thiên hạ nói không hay, không phải về mình. Như có lần có nhà xuất bản nọ in tập thơ vịnh các nhà văn, nhà thơ của một đồng nghiệp. Tập “chân dung” ấy có lẽ cũng chỉ là một lối đùa, tuy rằng đôi bài có hơi đi quá, trong đó có bài vịnh bác Kim Lân.

Được biết có một nhà văn cũng bị “đùa” hơi quá, đã tìm đến bác Kim Lân rủ đi kiện tác giả tập thơ. Bác Kim Lân đã gạt phắt ngay đi, ý rằng người ta viết bao nhiêu cái hay về mình thì không sao, nay có người mới chọc chơi một tí mà mình đã đi kiện thì còn ra cái gì!

Vậy mà, chỉ vì một chi tiết kể trên trong bài viết của tôi đã khiến bác thấy cần phải “bảo cho thằng Thắng nó biết”, tôi mới càng thấm thía bác coi trọng những kỷ niệm của bác với bố tôi tới chừng nào. Bác Kim Lân ơi, xin bác nhận lấy lòng biết ơn của cháu nhé!

Lần ngược lại quãng thời gian mười năm trước đó, đầu những năm 1980. Hôm ấy là ngày cưới của tôi. Đương nhiên là bác Kim Lân có đến dự, cũng như bác Tuân, chú Thi, chú Xuân Sanh..., những người bạn thân thiết của cha tôi, những người đều biết cha tôi chăm lo cho tôi, đứa con trai duy nhất của ông đến thế nào.

Hôm ấy tôi đã được nghe các bác các chú kể biết bao chuyện về cha mình. Cũng hôm ấy, bác Kim Lân còn dẫn đến một người, đó là anh Đào Thắng (trùng tên với chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay!), một người bạn vong niên rất thân với bác và cha tôi từ hồi kháng chiến, và theo như bác kể, anh Thắng từng được cha tôi quý như con nuôi.

Xúc động trước cuộc gặp gỡ ấy, tôi đã viết những dòng sau đây trong một bài viết về cha mình, bài viết có nhan đề Ấn tượng về những nhân vật cùng cảnh ngộ: “Bố tôi đã lấy tên tôi đặt cho nhân vật của mình (Thắng Đen trong Sống mãi với Thủ đô), hay ngược lại thì cũng thế thôi, về điều này tôi biết ơn ông vô cùng, nó chẳng chứng tỏ ông yêu tôi lắm sao!” -  “Chỉ một chút ngỡ ngàng, rồi chúng tôi (anh Đào Thắng và tôi) ôm lấy nhau như những người thân thiết nhất”...

Duyên cớ nào đã xui khiến tôi lần giở những tư liệu cha tôi để lại, vào những ngày sau đám tang bác Kim Lân. Dù không phải là người duy tâm, tôi vẫn nghĩ có cái gì đó như là tâm linh đã khiến tôi tìm được một kỷ vật.

Đó là thư của anh Đào Thắng gửi bác Kim Lân và bố tôi, mà như tôi phỏng đoán, anh Thắng đã gửi nó đến chỗ bác Kim Lân, và bác Kim Lân sau khi đọc xong đã chuyển cho bố tôi.

Bác Kim Lân ơi, cháu xin phép bác, cũng như đã xin phép bố cháu, công bố bức thư này nhé. Bức thư mới cho thấy rõ làm sao tình thân giữa bác và bố cháu, tình cảm của bác và bố cháu với anh Đào Thắng nói riêng và cái tình của bác và bố cháu với các anh bộ đội nói chung...

Đào Thắng

25-3-1954

Anh Lân, anh Tưởng kính mến

Em nhớ các anh vô cùng! Vì đã hơn 3 năm xa cách, vì tự nhiên hôm nay em lại mang thư các anh ra xem. Hơn 3 năm, không một tin tức gì; em lo lá thư này không biết có đến tay các anh được hay không? Nhưng em cứ viết. Ngày về nước, nghe tin Hội [Văn Nghệ] ở Bình Ca, em vào tìm; song Bưu điện lại bảo là vào ATK [An toàn khu] rồi.

Thế là lỡ mất một dịp gặp các anh. Những quà Trung Quốc mang về cho các anh lại không đến tay các anh; em rất buồn. Các anh chắc chẳng bao giờ quên em. Em độ này lớn lắm rồi, già đi nhiều các anh ạ. Sở dĩ em có một lòng tin tưởng mãnh liệt vào các anh vì em vẫn giữ thư của các anh:

“Anh yêu Thắng quá thành chẳng biết nói gì. Thắng thì có vẻ ngường ngượng vì Thắng biết rằng anh yêu Thắng và chắc Thắng cũng thích nói chuyện với anh mà không dám nói...

... Về Thủ đô thì Thắng có thể cùng ở một chỗ với anh với anh Tưởng mà đi học... Chao ôi! vui lắm. Sách anh in ra, kịch anh Tưởng diễn lên Nhà hát lớn. Ba anh em ta đi xem. Chiều thứ bảy phải đi xem ciné mới được. Trường học, vườn hoa, Tháp rùa sẽ là của chúng ta. Mà hè, bãi biển, Sa Pa sẽ là của chúng ta...

... Cao Bằng được giải phóng rồi. Quê hương của em các anh bộ đội đã chết đi để giành lại cho em đấy... Anh Tưởng bần thần nói với anh rằng anh Tưởng nhớ Thắng quá. Anh Tưởng lại bảo anh Tưởng yêu Thắng hơn con anh ấy nữa. Anh Tưởng nhớ Thắng và mong thư của Thắng đấy. Anh nói đùa anh Tưởng là Thắng là con nuôi anh và anh Lân là anh Thắng. Anh Tưởng cười, nghĩ ngợi và cũng có vẻ buồn buồn”.

Viết là thư này cho các anh giữa lúc thư thái nhất của tâm hồn đương lắng xuống trong một đêm đã sang canh. Nằm thao thức mãi mà không sao ngủ được; ngồi dậy đốt ngọn đèn khuya viết những dòng này cho các anh.

Em đã khóc các anh ạ! Năm nay em 19; non 15 năm đời em sống lẻ loi cô quạnh. Các anh kính mến, các anh đã cho em sống những giờ phút đầy hạnh phúc. Đọc xong một tập thư của các anh gửi cho em, lòng em ấm lại. Các anh đã là anh ruột của em khi em mất gia đình.

Em cám ơn các anh. (...) Năm nay em đã lớn. Cuộc đời tranh đấu và tự lập đã quen, người em có thể nói là dày dạn. Song các anh ơi, em chỉ muốn nói với các anh một điều là các anh là nguồn an ủi độc nhất của em. (...)

Kính chúc các anh luôn luôn mạnh khỏe, sáng tác nhiều tác phẩm phục vụ cho anh chị em nông dân.

Em của các anh

Ký: Thắng

Thanh Hóa ngày 18-4-1954”

*

Anh Thắng ơi, nếu anh có đọc bài viết này, thế nào anh cũng tin cho em nhé. Để hôm nào đó, anh em mình cùng đi thắp hương cho bác Kim Lân và cho bố em. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.