Bắc Ninh: Quản lý cổ vật còn nhiều lỏng lẻo

Bắc Ninh: Quản lý cổ vật còn nhiều lỏng lẻo
Nhiều đình, chùa thường xuyên bị "đạo tặc" viếng thăm. Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2005 trở lại đây, tình trạng mất cắp cổ vật diễn ra khá phổ biến.

Bắc Ninh có hệ thống đền, đình, chùa dày đặc, có giá trị lớn cả về mặt thẩm mỹ và tâm linh. Nhiều đình, chùa có nét kiến trúc chạm khắc tinh tế mang đậm tính chất dân gian và lưu giữ hàng chục hiện vật quý có hàng trăm năm tuổi như các đồ thờ, các bức đại tự, câu đối, rước sách, bia đá, sắc phong, bát biểu...

Tuy nhiên, việc quản lý cổ vật ở các nơi này còn hết sức lỏng lẻo, thường xuyên bị "đạo tặc" viếng thăm. Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2005 trở lại đây, tình trạng mất cắp cổ vật diễn ra khá phổ biến. Chỉ riêng tháng 4 đã xảy ra 2 vụ tại đình làng Bái Uyên (xã Liên Bão) và đình làng Đình Cả (xã Nội Duệ) thuộc huyện Tiên Du, làm 2 lọ lộc bình đồng, 4 con hạc đồng, 2 đỉnh đồng, 9 đạo sắc phong, 3 be sứ, 8 bát biểu không cánh mà bay.

Trong khi hệ thống cửa, khoá chưa đủ độ an toàn thì hầu hết các di tích lại không có người trông coi vào ban đêm đã vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ trộm thoả sức hoành hành.

Nhiều nơi, chính quyền địa phương và người trực tiếp quản lý di tích còn thờ ơ trong việc bảo vệ đồ cổ, chỉ đến khi "sự đã rồi" mới tá hoả đi tìm nhưng cũng vẫn không rút được kinh nghiệm, để sự việc tiếp tục tái diễn.

Chẳng hạn như ở đền Núi (Yên Phụ, Yên Phong) - nơi thờ nhiều vị thần của các triều đại nhà Lê, Nguyễn... trong đó có cả Thái uý Lý Thường Kiệt, được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1989. Trước đây, đã có 2 lần đền bị mất trộm đỉnh hương và chúc văn, nhưng đến cuối năm 2004 lại để xảy ra vụ mất 17 đạo sắc phong, 14 đồ thờ cổ quý hiếm.

Ông Chu Đức Bình - Bí thư Đảng uỷ xã Yên Phụ - cho biết xã đã thành lập tổ công tác phối kết hợp với các cơ quan chức năng điều tra, tìm kiếm nhưng đến nay tất cả số cổ vật bị mất vẫn "bặt vô âm tín". Xã cũng đã tiến hành củng cố lại Ban quản lý di tích, nhưng không dám khẳng định có thể bảo vệ an toàn cho những cổ vật còn lại không.

Một trong những lý do khiến các vụ mất cắp cổ vật ở Bắc Ninh ngày càng gia tăng bắt nguồn từ sự thiếu ý thức trách nhiệm của người trông coi di tích.

Hiện nay, việc trả chế độ cho đối tượng này còn rất "khiêm tốn", chỉ từ 120 - 150 ngàn đồng/tháng, chưa tương xứng với công sức của họ bỏ ra nên họ thường làm việc theo kiểu chiếu lệ, sáng ra, chiều về và "quên" luôn việc bảo vệ vào ban đêm.

Ngay cả ngành Văn hoá - Thông tin và chính quyền địa phương cũng chỉ biết bó tay ngồi nhìn, chưa tìm ra biện pháp can thiệp hữu hiệu nào vì suy cho cùng nếu muốn tăng trách nhiệm của người quản lý di tích thì cùng với đó là phải tăng số tiền chi trả trong khi nguồn kinh phí còn nhiều eo hẹp, không biết lấy ở đâu ra, đành rằng "tham bát, bỏ mâm" vậy.

Thực trạng này đòi hỏi tỉnh Bắc Ninh mà trực tiếp là ngành Văn hoá - Thông tin - Cơ quan chủ quản - thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở những người có trách nhiệm trông coi, quản lý di tích; tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân có ý thức trong việc xã hội hoá công tác bảo vệ các khu di tích lịch sử văn hoá, đồng thời đầu tư nguồn kinh phí gia cố lại hệ thống cửa, khoá, tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ cơ sở, đặc biệt là những cá nhân có vai trò quan trọng như trưởng, phó ban quản lý, người trông coi di tích... thì mới có thể gìn giữ, bảo lưu những giá trị văn hoá còn lại.

Các lực lượng công an xã, anh ninh thôn xóm, dân quân tự vệ... cần có phương án bảo vệ các khu di tích, nhất là những nơi có cổ vật.

MỚI - NÓNG