Bãi đá cổ Sa Pa có nguy cơ bị làm biến dạng

Bãi đá cổ Sa Pa có nguy cơ bị làm biến dạng
Tôn tạo, bảo tồn bãi đá cổ Sa Pa - một di tích quan trọng của quốc gia là hết sức cấp thiết trong điều kiện nó đang bị hủy hoại. Tuy nhiên, dự án mới được đưa ra lại làm nhiều người lo ngại.
Bãi đá cổ Sa Pa có nguy cơ bị làm biến dạng ảnh 1

Du khách tại bãi đá cổ Sa Pa. Ảnh: Anh Tuấn

Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai có công văn gửi Bộ Văn hoá-Thông tin đề nghị thỏa thuận Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu chạm khắc đá cổ Sa Pa. Điều đáng nói và lo ngại nhất ở dự án này là nó chứa đựng những nguy cơ biến khu di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia và trong tương lai có thể trở thành di sản văn hoá của nhân loại thành một công viên hiện đại, phá vỡ giá trị, không gian, cảnh quan của di tích.

“Bê tông hoá” di tích?

Khu di tích bãi đá cổ Sa Pa hay còn gọi Khu chạm khắc đá cổ là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia và đang trong giai đoạn được cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới.

Tuy nhiên, có một thực tế là công tác bảo tồn, tôn tạo khu di tích này chưa được đầu tư đúng mức, do đó nhiều vết chạm khắc cổ của người xưa trên bề mặt của không ít tảng đá đã bị mờ, thậm chí biến mất hẳn không để lại dấu vết và cảnh quan khu du tích bị nhiều biến dạng.

Thêm vào đó, một sự tổn thương nghiêm trọng khác đối với di tích là trên bề mặt của nhiều tảng đá cổ bị một số người thời nay thiếu ý thức đục, chạm, trổ vô số hình thù, chữ viết không chỉ gây phản cảm mà còn làm giảm giá trị của di tích.

Trước thực trạng này, sau khi được tỉnh Lào Cai chấp nhận, tháng 7 năm 2005, Công ty Tu bổ Di tích và Thiết bị văn hoá T.Ư đã hoàn thiện dự án “Bảo tồn, tôn tạo Khu chạm khắc bãi đá cổ Sa Pa”.

Những tưởng, với bộ hồ sơ dự án dày hàng trăm trang bao gồm các giải pháp gìn giữ, phát huy giá trị di tích sẽ làm cho khu bãi đá cổ trở nên an toàn hơn trước mối đe dọa thường nhật, nhưng khi nghiên cứu kỹ thì lại thấy dự án có nguy cơ làm cho di tích bị biến dạng nhiều hơn.

Trong phần thuyết minh của mình. Dự án cho biết, đối với từng hòn đá, giải pháp bảo tồn, tôn tạo là, “trước tiên đào thám sát quanh hòn đá, hạ cốt đất, bộc lộ toàn bộ phần bề mặt hòn đá có hình chạm khắc, sau đó làm nền, đổ bê tông mác 100, dày 70 lưới thép đường kính 4mm một dải rộng 800 bao quanh toàn bộ hòn đá, trên bề mặt quét màu giả đất”.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi làm “hạ tầng cơ sở” giả cho từng hòn đá, dự án còn đề nghị, “mỗi hòn đá đều được phủ quét dung dịch silicat (hoá chất kiến nghị sử dụng là dung dịch Penetrat seler của hãng Aquamix-USA, là loại hoá chất đã được sử dụng bảo quản các tượng đá ngoài trời ở Italia) để hạn chế sự phong hoá, bào mòn của tự nhiên”.

Thật ra, đấy là những giải pháp có nguy cơ làm “bê tông hoá” di tích bãi đá cổ Sapa, bởi khu bãi đá cổ nơi đây từ lâu được giới chuyên môn xem như một bảo tàng ngoài trời mà hiện vật quan trọng nhất của nó chính là những hòn đá lưu giữ các hình chạm khắc cổ của người thời xưa.

Do vậy, giải pháp bảo tồn cũng phải đặc biệt lưu ý đến giá trị này để không chỉ gìn giữ được nét chạm khắc cổ mà còn bảo tồn được giá trị tự nhiên hàng nghìn năm nay của di tích.

Nếu chúng ta tiến hành đào xung quanh, hạ cốt đất rồi đổ bê tông giả đất thì chẳng khác nào biến nó thành “hiện vật” trong bảo tàng. Nguy hiểm hơn tự phá bỏ đi yếu tố tạo dáng tự nhiên của các hòn đá cổ.

Bãi đá cổ Sa Pa có nguy cơ bị làm biến dạng ảnh 2
Chi tiết mặt bằng một “viên đá độc lập” theo thiết kế của Dự án

Hãy thử tưởng tượng rằng, hơn 200 hòn đá cổ ở đây đều bị “biến dạng” một cách chằn chặn như thế thì thử hỏi còn đâu nét đẹp của tạo hoá nữa. Cũng xin nói thêm, công tác đào thám sát không phải của các nhà trùng tu mà thuộc chuyên môn của các nhà khảo cổ. Cái gọi là làm lộ ra những hình chạm khắc ở phần dưới chỉ là dự đoán thiếu cơ sở khoa học.

Một vấn đề khác khiến người ta cực kỳ lo lắng là đơn vị tư vấn lập dự án đưa một loại dung dịch chưa được các nhà khoa học trong nước kiểm định để phủ lên bề mặt các hòn đá.

Cứ cho rằng, ở nước ngoài đã thành công với giải pháp này nhưng ở Việt Nam thì chưa biết kết quả ra sao với những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vùng Đông Bắc? Trong khi đó, dự án lại đưa ra “Dung dịch này sau một thời gian thì bị bong ra, vỡ vụn thành những hạt nhỏ. Lúc đó cần tiến hành quét lại dung dịch”.

Rõ ràng, những giải pháp bảo tồn, tôn tạo như trên thật sự không phù hợp với Khu di tích quan trọng này. Cũng có thể nói là đơn vị làm Dự án chưa nghiên cứu kỹ để chọn ra hướng bảo tồn mang tính đặc thù của di tích nơi đây.

Làm “công viên” ở đây để làm gì?

Bên cạnh việc bảo tồn, tôn tạo các hòn đá cổ, Dự án còn đưa ra hướng xây dựng khác nữa mà khi nhìn vào từng hạng mục thì thấy không khác gì một công viên trong không gian văn hoá cổ nơi đây.

Đầu tiên, Dự án đề xuất dựng các ngôi nhà truyền thống của nhiều dân tộc như H’mông, Dao, Giáy trong khuôn viên bãi đá cổ. Trong mỗi một nhà truyền thống như vậy, phía Dự án còn đề nghị bổ sung các hiện vật sinh hoạt thường nhật và kể cả những giá trị văn hoá dân gian.

Sở dĩ phải làm như vậy vì các tác giả cho rằng, khách tham quan sau khi thăm các hòn đá cổ thì còn vào những ngôi nhà này để được hiểu sâu hơn giá trị kiến trúc của ngôi nhà của nhiều dân tộc bản địa.

Đây là việc làm khó hiểu vì thứ nhất, cho đến thời điểm này, giới khảo cổ vẫn chưa đưa ra nhận định, nơi đây ngày xưa cư dân cổ có dựng nhà, dựng cửa hay không, do vậy không có lý gì chúng ta dựng  các ngôi nhà truyền thống ở trong khu vực này.

Hơn nữa, hiện nay nhiều bản làng ở SaPa, người dân vẫn đang ở chính trên ngôi nhà truyền thống của mình với đầy đủ giá trị vật thể và phi vật thể của nó. Những bản làng này lại không nằm cách xa khu bãi đá cổ bao nhiêu.

Nếu du khách muốn tận mặt được nhìn thấy ngôi nhà truyền thống thì thiết nghĩ họ không dại gì đến tham quan những ngôi nhà giả truyền thống như thế mà đến thẳng ngôi nhà có người dân đang sử dụng tự bao đời này, và ở đấy còn được chứng kiến cảnh sinh hoạt. Do vậy, việc xây dựng thêm các ngôi nhà truyền thống một mặt sẽ không đem lại giá trị cho di tích mặt khác gây ra sự tốn kém kinh phí không cần thiết.

Một vấn đề khác nữa nằm trong “công viên” này là sẽ có một số cái chòi, nhà dịch vụ được dựng lên trong những khoảng trống của di tích làm chỗ dừng chân và phục vụ du khách. Trong khuôn viên di tích rộng hàng chục ha thì làm những ghế để khách dừng chân là cần thiết, nhưng tạo thành những khu nghỉ ngơi theo kiểu quán cà phê như ở đồng bằng là không nên một chút nào.

Cần chú ý rằng, khu di tích bãi đá cổ nằm trên địa hình không được bằng phẳng, bao xung quanh là không gian, cảnh quan rất hữu tình. Chính sự kết hợp của cả hai giá trị khoa học và thiên nhiên ấy mới tạo nên sự đặc thù của di tích, do vậy nếu bây giờ cấy thêm những yếu tố lạ thì một mặt không hoàn toàn phù hợp, mặt khác chẳng khác nào sẽ làm mới hóa di tích.

Với những giá trị quan trọng của Khu di tích bãi đá cổ Sapa đang hứa hẹn nhiều tiềm năng du lịch và sự ghi nhận của thế giới thiết nghĩ đơn vị tư vấn, lập dự án và tỉnh Lào Cai nên xem xét và nghiên cứu lại dự án này để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

MỚI - NÓNG