Bài hát Việt nào đăng quang?

Bài hát Việt nào đăng quang?
Tối 25/2 sẽ diễn ra đêm chung kết chương trình - cuộc thi Bài hát Việt 2005 với 16 “thí sinh” - 16 ca khúc đã lọt qua nhiều vòng tuyển chọn của Hội đồng thẩm định và đã trình làng nhiều lần trước khán giả.
Bài hát Việt nào đăng quang? ảnh 1
Tùng Dương trong Mưa bay tháp cổ

Sẽ có 2 giải do khán giả bình chọn: giải Ca sĩ được yêu thích nhất và giải bài hát được yêu thích nhất. Hội đồng thẩm định sẽ bầu chọn 5 giải: Bài hát của năm, Bài hát phong cách dân gian đương đại nổi bật, Bài hát phong cách pop-rock đương đại nổi bật, Nhạc sĩ phối khí hiệu quả và Nhạc sĩ ấn tượng.

Trong tất cả các giải này có lẽ quan trọng nhất là ba giải: Bài hát của năm (kèm phần thưởng trị giá 30 triệu), Bài hát phong cách đương đại nổi bật (15 triệu) và bài hát phong cách pop/rock nổi bật(15 triệu) do hội đồng thẩm định bầu chọn.

16 bài hát lọt vào chung kết, trên nguyên tắc có những cơ hội ngang nhau, nhưng 10 bài đã đoạt giải Bài hát tháng do hội đồng thẩm định bầu chọn  trong 9 show diễn (có 1 kỳ 2 bài cùng đoạt giải) là có triển vọng nhất, những bài đã từng bị “gạt” ra khó có thể làm nên một sự bất ngờ. Nếu “chia bảng” 10 bài đã đoạt giải Bài hát tháng thì mỗi dòng nhạc pop/rock đương đại và dân gian đương đại đều có 5 bài:

Về giải phong cách pop/rock đương đại nổi bật

Nếu theo tinh thần trên thì 5 ứng cử viên của dòng nhạc này là: Thu tình yêu (Lưu Hương Giang), 12 giờ (Nguyễn Duy Hùng), Mong anh về (Dương Cầm), Hát một ngày mới (Lê Minh Sơn), và Giấc mơ của tôi (Anh Quân).

Nếu tạm gạt 2 bài Thu tình yêu và Hát một ngày mới do cảm xúc âm nhạc không nổi trội bằng thì 3 bài còn lại “ngang tài”. Cả 3 bài đều khá hoàn chỉnh về bút pháp (cấu trúc, tổ chức âm thanh tác phẩm), ca từ có nội dung tốt, có xúc cảm âm nhạc.

Nếu Mong anh về có đặc trưng là bài bát lắng sâu tình cảm, âm nhạc khai thác chiều sâu nội tâm thì 12 giờ và Giấc mơ của tôi thắng thế tính chất đương đại ở tiết tấu, trong đó 12 giờ được xem là bài hát có nét mới mẻ hiện đại với motif  3 nốt nhạc được nhắc lại nhiều lần  theo chu kỳ đan xen trong những câu nhạc, tạo được ấn tượng và một hình tượng âm nhạc.

Và lợi thế, theo chúng tôi, có vẻ nghiêng về bài 12 giờ.

Về giải phong cách dân gian đương đại nổi bật

5 bài tranh chấp giải này là: Mưa bay tháp cổ (Trần Tiến), Bà tôi, Giọt sương bay lên (Nguyễn Vĩnh Tiến), Giấc mơ trưa (Giáng Son) và A@ í a (Lê Minh Sơn). Thử từ từ “vạch áo xem lưng” để chọn lại các ứng viên sáng giá nhất.

Đầu tiên Mưa bay tháp cổ với nhược điểm là ca từ với những chữ “nam mô nam mô Budaha”, “nam mo A Di Đà” khó thuyết phục mọi người khi nó nằm trong một ca khúc có âm hưởng âm nhạc dân tộc Chăm.

Giấc mơ trưa dựa trên điệu thức 5 âm nhưng chưa tạo được một âm hưởng dân gian mạnh mẽ bằng các bài khác.

Nếu so sánh 3 bài còn lại thì À í a có giai điệu rất xúc cảm nhưng lại không mới.

Giọt sương bay lên với những chất liệu âm nhạc “đắt giá” ở từng đoạn nhạc nhưng bố cục, liên kết giữa các đoạn có phần hụt hẫng.

Bà tôi ngôn ngữ âm nhạc khá mới lạ nhưng về bút pháp, cách tổ chức âm thanh có một trục trặc nhỏ ở tổ chức trọng âm.

Về những ứng cử viên của giải Bài hát cả năm?

Nếu bầu được hai bài hát cho hai phong cách thì giải Bài hát của năm liệu có thể đơn giản chỉ là “trận chung kết” của hai bài hát đó? Nếu như thế sẽ có tác giả đoạt giải cú “đúp”. So ra trong thời gian qua Bà tôi và Giọt sương bay lên (dòng dân gian đương đại) đang có sự lan tỏa trong công chúng mãnh hơn bài 12 giờ hoặc Giấc mơ của tôi (dòng pop/rock đương đại), mặc dầu cả Bà tôi và Giấc mơ của tôi đều đoạt giải Bài hát tháng được khán giả yêu thích.

Nhưng các bài hát pop/rock đương đại về bút pháp lại tròn trịa hơn các bài hát dân gian đương đại. Các bài hát dân gian đương đại lại có một lợi thế là ẩn chứa sẵn yếu tố “Việt”, còn “chất Việt” trong bài hát phong cách pop/rock không có yếu tố dân gian thì thật khó xác định.

Chọn ai giữa hai bên “tám lạng nửa cân” - sự cân nhắc này cũng là việc làm thể hiện bản lĩnh của Hội đồng thẩm định.

Theo Hữu Thịnh
Thể thao Văn hoá

MỚI - NÓNG