Bạn đồng nghiệp của Kazik

Bạn đồng nghiệp của Kazik
TP - Thoạt nhìn, ít ai ngờ Nguyễn Thượng Hỷ - chàng hoạ sĩ gốc Quảng Trị  vóc dáng còm nhom lại có thâm niên tới ngót 27 năm trời ăn ngủ với Mỹ Sơn và là bạn đồng nghiệp chí cốt của cố KTS Kazik từ thời khu đền tháp này còn hoang tàn cỏ dại, rắn rết bom mìn.
Bạn đồng nghiệp của Kazik ảnh 1
Hoạ sỹ – nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ

Năm 1980, lần đầu tiên Nguyễn Thượng Hỷ đưa ông KTS người Ba Lan này tới Mỹ Sơn. Sau đó anh đi bộ đội đóng ở vùng biên giới Tây Nguyên, nhưng chỉ sau 1 năm, năm 1982, vì sức khoẻ, anh lại cởi áo lính tiếp tục về làm anh cán bộ của Bảo tàng Quảng Nam – Đà Nẵng và trở thành “cư dân” của khu đền tháp và những Linga.

Trong một lần ngồi cà kê trò chuyện, nghe anh kể về Kazik chợt thấy nao lòng: Hồi  đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, một bữa, anh rủ Kazik sang làng bên gần Mỹ Sơn ăn giỗ. Tối mịt, một ông Tây to như hộ pháp liêu xiêu say cùng một ông Việt Nam ốm như xì ke dìu nhau đi về chỗ ngủ trong tháp.

Kazik chỉ tháp B3 đang bị nghiêng: “Này Hỷ, cái tháp kia nó bị xỉn, nhưng ta không được xỉn  để còn phải giữ cho nó khỏi ngã nghiêng!”. Năm 1994, Kazik ăn Tết với Nguyễn Thượng Hỷ ngay tại tháp Mỹ Sơn, với chai rượu nút lá chuối, mấy gói mỳ tôm, cả đêm đốt lửa để sưởi ấm và để đuổi rắn rết.

Đó cũng chính là cái Tết sau cùng của Kazik tại thung lũng thần linh này, vì sau đó ông theo các dự án trùng tu khác ở Hội An, Huế, Củ Chi ... để rồi đột quỵ mất tại Huế, khi đang tham gia trùng tu Đại Nội...

Nguyễn Thượng Hỷ (hiện phụ trách Phòng nghiệp vụ bảo tồn - Trung tâm Bảo tồn Di sản – Di tích Quảng Nam) cùng đồng nghiệp trẻ là hoạ sĩ Lê Việt Thắng từ mấy năm nay bỏ công mày mò đo vẽ, chụp ảnh, nghiên cứu riêng về thế giới Linga phong phú và bí ẩn của nền văn hoá Chămpa. Thích thì làm, chứ chẳng có ai tài trợ...       

Ăn ngủ với Linga, Nguyễn Thượng Hỷ có cả một kho chuyện lạ lùng ít ai biết. Đến Mỹ Sơn, ai cũng lầm (kể cả nhiều nhà nghiên cứu đã viết ra sách, đăng ảnh) về một Linga cạnh khu B1 và D vì trông rất giống.

Bạn đồng nghiệp của Kazik ảnh 2
Đến Mỹ Sơn, nhiều người lầm tưởng đây là Linga, nhưng thực ra chỉ là cái chóp tháp

Cũng có đế, thân trụ tròn, đầu có chóp nhọn, nhưng thực ra đấy chỉ là một cái chóp tháp (xem ảnh), vừa để trang trí trên đỉnh tháp, vừa có công năng là che mưa khỏi vào tháp, chứ không hoàn toàn là một linh vật Linga để thờ cúng.

Cái chóp này chưa xác định rơi xuống từ ngọn tháp nào trong quần thể Mỹ Sơn. Dấu hiệu rõ nhất, đó là ở thân chóp tháp này có một lỗ khá lớn để người xưa luồn dây vào kéo lên đỉnh tháp. Và linh vật Linga trải qua ngàn năm lớp ngoài vẫn luôn mịn sạch, chứ không rêu mốc như chóp tháp này.

So với nhiều loại chóp tháp nhiều tầng hình cánh sen còn lưu tại Mỹ Sơn cũng như một số đền tháp miền Trung, chóp tháp này quả là độc đáo không có cái thứ hai.

Hay như tháp Bằng An– một ngôi tháp bát giác cao 21,5 mét, mỗi cạnh 4 mét ở Điện Bàn (Quảng Nam) chính là một ngọn Linga khổng lồ nhất Đông Nam Á duy nhất còn sót lại từ cuối thế kỷ IX tới nay.

Còn có một Linga - Yoni lạ lùng đào được trên một ngọn đồi phía ngoài Khe Thẻ (Mỹ Sơn) trong khi công nhân đang làm đường dẫn vào khu cảnh quan hồi năm ngoái. Bệ Yoni luôn có một cái rãnh dẫn từ điểm tiếp xúc với Linga để dẫn nước thánh tẩy linh vật ra ngoài.

Riêng với bộ ngẫu tượng này, ngoài phần Linga đã bị gãy, thì Yoni hình vuông (mỗi cạnh 41,5 cm) nhưng lại không có rãnh, vì chưa làm hoàn thiện. Nguyễn Thượng Hỷ nhận định, ngọn đồi này cách đây mười mấy thế kỷ có thể chính là xưởng chế tác điêu khắc cũng như tập kết vật liệu của người Chăm trong quá trình tạo tác thánh địa Mỹ Sơn.

Bộ ngẫu tượng đặc biệt này bị những người làm đường giấu đi định đem bán, nhưng công an đã kịp phát hiện giữ lại, hiện để ở Phòng VHTT huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).

Trước đó, khoảng năm 1998, một nông dân Quảng Nam đào được một chiếc mũ Kosa (vật trang trí trên đầu tượng Linga, biểu thị cho gương mặt thần Shiva) bằng vàng nặng 5 lạng, đem bán vào TPHCM, nhưng sau cũng thu hồi lại được. Trong khi tại các bảo tàng như Labit, Guimet (Pháp) có một số vật trang trí hiếm hoi này, thì tại Việt Nam hiện chỉ còn 1 cái.

Câu chuyện đi tìm “đôi chân lưu lạc” cho thần Shiva cũng khá ly kỳ. Từ nhiều năm trước, Nguyễn Thượng Hỷ cùng với Kazik phát hiện tại nhóm tháp A’4 Mỹ Sơn một pho tượng đứng rất đẹp nhưng do bị trúng bom nên mất đầu và hai tay, đôi chân cũng chỉ còn ống thấp ống cao.

Tượng được đưa về Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Năm 2003, Hỷ và các chuyên gia người  Ý tình cờ tìm thấy tại Mỹ Sơn một bệ Yoni bên trên chỉ có hai bàn chân. Đem về Bảo tàng Chăm ráp hai phần lại thì thấy vừa khớp. Đây chính là Linga hiếm hoi dưới hình tượng thần Shiva.

Theo khảo tả của KTS kiêm nhà khảo cổ, nhà Chăm học lừng danh của Pháp Henri Parmentier (1870-1949) từ đầu thế kỷ XX, thì đây chính là tượng “Shiva hành khất”, dưới gương mặt nhà tu khổ hạnh tay cầm bát. Bức tượng - Linga này sau đó đã được các chuyên gia bảo tàng của Pháp sang phục chế gắn nối, và mới đây đã được mượn sang Paris để triển lãm ...   

Mới đây, nhân việc Hội An đặt tượng Kazik và có phương án đặt tên đường mang tên ông, Nguyễn Thượng Hỷ bảo : “Với những gì đã dâng hiến cho nghệ thuật Chămpa, mình nghĩ Kazik không chết. Ông ấy đã hoá thân thành một cột Linga đâu đó ở ngay Mỹ Sơn này!”.

MỚI - NÓNG