Bán kem

Bán kem
TP - Bán kem là cướp tiền của mặt trời. Mặt trời càng rực rỡ người bán kem càng vui vẻ, da phơi nắng càng đen càng hăng hái.

> Quà sinh nhật
> Người lạ ở Bắc Kinh

Minh họa: Huỳnh ty
Minh họa: Huỳnh ty.

Mấy tháng trời từ lúa mì vàng ươm đến lúa nước trổ bông, cũng là thời gian tốt để bán kem. Sáng sớm, rừng cây phía đông ló ra ánh nắng ấm áp, trong lòng những người bán kem cũng mọc lên một vầng thái dương. Những hạt sương đọng trên lá cây, trên lá cỏ, trên lá rau,… đã khô; lợn trong chuồng đã nấp vào một góc tường; những con chó luồn qua cổng trở về nằm bên cạnh những đống rơm, đống cỏ của nhà mình; gà mẹ bới đất thành cái ổ nằm xuống; lũ trẻ con cởi truồng hái những lá sen đội lên đầu. Trời nóng rồi, những người bán kem bèn đeo những thùng kem xuất phát.

Những cô gái chàng trai thôn Vi Đông đi bán kem không ít.

Họ lên đường, bàn chân nổi gió, chạy đua với nhau, những chiếc thùng kem trống rỗng buộc trên những chiếc đèo hàng của xe đạp kêu pưng pưng, đến nhà máy thực phẩm, áo sơ mi ướt sũng mồ hôi dán chặt vào người. Họ vừa lau mồ hôi, vừa chen vào cửa viết phiếu. Khi những que kem ngùn ngụt hơi lạnh đã vào trong thùng kem của mình, vầng mặt trời trong lòng bỗng trở nên mát mẻ. Những thùng kem đều sơn màu trắng, bên trong lót tấm xốp, ngoài ra còn có hai mảnh chăn bông vuông, nhỏ lót đáy thùng, lớn làm nắp đậy. Những người bán kem chạy bổ đi các hướng. Người bán ngay trong nội thành, nhưng phần lớn chọn thị trường nông thôn, tuy lại vất vả, song lại buôn bán tốt hơn. Nơi gặt lúa mỳ, hái dâu, trẩy táo, hoặc tại xưởng gạch ngói, xưởng làm mẫu, người tập trung đông, bán được rất nhiều kem. Bán ở trước làng hay sau nhà chung cư cũng tốt, chỉ cần một tiếng rao “Kem đây!” là trẻ em từ mọi ngõ ngách lao tới.

Tiểu Thố Tử luôn muốn xem Tiểu Song Tử đi bán kem ở đâu. Tiểu Song Tử có lúc bán ở nội thành, có lúc về nông thôn. Bất kể ở đâu, Tiểu Song Tử đều bán chạy. Tiểu Song Tử xinh gái, mắt phượng long lanh, hàm răng đều như hạt lựu, hễ mỉm cười là khuôn mặt tươi như hoa, có thể làm cho đàn ông tan chảy như kem.

Tiểu Thố Tử thường thấy những người đàn ông mua kem rồi vẫn không muốn rời đi, còn kiếm cớ nói chuyện một lát. Trông thấy tình cảnh ấy, Tiểu Thố Tử bực mình. Nhưng bực mình cũng vô tác dụng, Tiểu Song Tử vẫn không cho phép cậu ta theo mình.

Tiểu Thố Tử dứt khoát đi theo cô, nói: “Cậu yên tâm, mình không bán tranh với cậu đâu, có người gọi cậu dừng lại, mình sẽ không đi đến. Hơn nữa, mình theo cậu, lúc cậu không có tiền lẻ, mình còn có thể giúp cậu một tay”.

Tiểu Song Tử hết cách trị cậu ta. Trước đây, Tiểu Song Tử rất thích chơi với Tiểu Thố Tử. Tiểu Thố Tử thông minh lại tài năng, năng động hơn các chàng trai khác, biết làm dáng. Tiểu Thố Tử đã từng nhờ người đến nhà cô mai mối.

Vừa nghe, bố đã xua tay nói: “Không được không được, thằng nhóc ấy không vững vàng, mặc quần cứt bò (quần bò), áo sơ mi hoa, tao trông không quen mắt!”.

Tiểu Song Tử nói với bố: “Những cái bố trông không quen nhiều lắm cơ…”.

Bố nói: “Tao trông không quen mắt là không được!”.

Bố cô vội nhờ người tìm rể, bên nhà trai là Hải Hỉ người thôn Vi Tây. Hải Hỉ thật thà khuôn phép, cùng cậu của chàng làm thợ mộc tại Thượng Hải, đã làm nhà mái bằng từ lâu rồi. Ngoài hai điểm ấy ra, Tiểu Song Tử không cảm thấy cậu ta hơn Tiểu Thố Tử những chỗ nào.

Bố nói: “Điều kiện như vậy tìm đâu ra, mau mau lấy chồng đi!”.

Tiểu Song Tử không nói gì, gia đình nhận bao nhiêu tiền ăn hỏi, cô cũng không hỏi. Nhưng, vì đã ăn hỏi, Tiểu Song Tử không muốn làm to chuyện làm gì.

Tiểu Thố Tử rủ cô đi xem phim, cô lắc đầu: “Không đi!”.

Tiểu Thố Tử mời cô uống nước mát, cô đẩy xe đi: “Không uống!”.

Tiểu Thố Tử mua cho cô kính râm, cô xua tay: “Bạn tự đeo đi!”.

Người khác thì đã thất vọng từ lâu, nhưng Tiểu Thố Tử mặt dày, cô đến đâu, cậu đi theo đó. Buổi sáng lúc ra khỏi cổng, rõ ràng không thấy cậu đâu, thế mà giữa đường, Tiểu Thố Tử bèn ló ra, lao đến trước cô, quay ngoắt một cái, dùng bánh sau xe đạp gạt vào bánh trước xe của cô, làm cô hoảng hồn.

Cô rủa: “Cậu muốn chết à?”.

Cậu nâng kính râm lên trán: “Muốn chết cũng muốn cậu chết theo tớ!”. Nói xong, huýt sáo miệng: “Ai biết cái góc nhỏ này, tình yêu đã quên nó từ lâu…”.

Có một buổi chiều, Tiểu Thố Tử cùng Tiểu Song Tử đến thị trấn
Tống Kiều.

Đến đấy, bán mấy que kem, cậu không thấy Tiểu Song Tử đâu nữa. Cậu đoán cô đến xưởng gạch ngói ở phía đông thị trấn, vội vàng men theo sông Hàn Sa đi về hướng đông.

Đi được hơn một dặm đường, thấy xe đạp của Tiểu Song Tử dựng ven đường, cậu dừng lại, nghe thấy tiếng khóc của Tiểu Song Tử từ trong rừng cây ở phía bắc đường vọng ra, cậu gọi lớn: “Tiểu Song Tử! Tiểu Song Tử!”. Không có người đáp. Cậu chui vào trong rừng cây, đi được một đoạn đường, thấy hai người đàn ông chạy về hướng bắc, tiếp theo lại nhìn thấy đôi chân trần…

Tiểu Song Tử chạy ra khỏi rừng cây.

Tiểu Thố Tử nói: “Đi! Mình và cậu đến đồn công an!”.

Tiểu Song Tử nói: “Mình không đi. Cậu cũng không nên đi. Mình về nhà đây!”.

Buổi tối, Tiểu Song Tử gọi Tiểu Thố Tử đi đến ven ruộng ngô ở ngoài làng.

Tiểu Song Tử nói: “Mình muốn xin cậu một việc!”.

“Việc gì cơ?” - Giọng nói của Tiểu Thố Tử khản đặc, giống như đã khóc.

“Cậu hứa với mình, chuyện hôm nay, không được nói với bất kỳ người nào, đến già cũng không được nói!”.

“Mình sẽ không nói, Tiểu Song Tử, cậu yên tâm, đến già mình cũng sẽ không nói!”.

“Thật chứ?”.

“Ừ! đến già cũng sẽ không nói!”.

“Còn một tháng nữa mình kết hôn rồi, mình không muốn bất cứ người nào hiểu rằng…”.

“Mình không nói!”.

Tiểu Thố Tử ngồi xuống, khóc oà.

Tiểu Song Tử lấy khăn tay đưa cho cậu, Tiểu Thố Tử không nhận, dùng ống tay áo lau nước mắt: “Từ bé đến lớn, mình đều thích cậu, chúng mình cùng nhau đi học, cùng nhau nghỉ học, cùng nhau đi lấy rau lợn, cùng nhau đi trẩy táo, cùng nhau đi
bán kem…”.

Tiểu Song Tử nói: “Mình hiểu, mình hiểu cả…”.

Ngày hôm sau, lại là một ngày nóng nực, Tiểu Song Tử lại đi bán kem như cũ. Buổi sáng không gặp Tiểu Thố Tử, buổi chiều cũng không gặp, cho đến buổi tối trở về nhà mới nghe người ta nói, Tiểu Thố Tử đi Trấn Giang tìm việc làm.

Đến năm thứ hai, khi thu hoạch lúa mì, Tiểu Thố Tử mới trở về.

Tiểu Song Tử trở về nhà mẹ đẻ, thu hoạch lúa mì đỡ mẹ, hai người gặp nhau trong ruộng lúa mì.

Tiểu Song Tử bước nhanh tới, bộ ngực căng tròn đung đưa: “Cậu về rồi à?”.

Tiểu Thố Tử cười cười, gật gật đầu: “Trở về rồi, trở về xem sao!”.

Tiểu Song Tử ngắm nhìn cậu từ trên xuống dưới, nói vẻ rất tự nhiên: “Cậu trắng ra nhiều!...Lâu như vậy mới trở về…”.

Tiểu Thố Tử cười cười, ánh mắt dừng lại trên ngực cô, rồi lại nhìn ra chỗ khác, chỉ lướt qua một cái. Thế mà Tiểu Song Tử vẫn đỏ mặt, kéo vạt áo xuống: “Ừ! Hơn ba tháng rồi!”.

Tiểu Song Tử trầm mặc một lát, rồi ngẩng mặt lên nói: “Trời nóng thật!”.

“Đúng thế! Đúng thế!” - Tiểu Song Tử gạt những sợi tóc loà xoà cuối mắt, cũng liếc nhìn bầu trời một cái.

Sau đó, cô và cậu không nói
gì nữa.

Những cây lúa mì trong ruộng bát ngát trên thảo nguyên cũng không phát ra âm thanh nào, ngọn lúa mì lấp lánh ánh mặt trời như những làn sóng. Tận cuối bờ ruộng lúa mì, một bóng người cưỡi xe đạp đi tới ngày càng rõ, một giọng rao vọng lại.

“Kem đây! Bán kem đây! Kem…đây!”

VŨ PHONG TẠO giới thiệu và chọn dịch
Theo www.xiaoxiao.shuo.com, 7/7/2010

Truyện ngắn của VƯƠNG VÃNG (Trung Quốc)

Nhà văn Vương Vãng, người huyện Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Hiện là nhà văn chuyên nghiệp công tác tại Viện văn học nghệ thuật thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô; Bắt đầu sáng tác truyện cực ngắn từ năm 1995, đến nay đã công bố trên 400 truyện cực ngắn, trên 50 tác phẩm truyện ngắn, truyện vừa và gần 100 bài thơ; Đã được trao Giải thưởng truyện cực ngắn xuất sắc toàn quốc năm 1997, 2006, 2012 và “Giải thưởng văn học Ngô Thừa Ân” năm 2007.

Bán kem ảnh 2

Tác phẩm “Bán kem” của nhà văn Vương Vãng là một trong những tác phẩm được trao Giải thưởng Chim sẻ vàng truyện cực ngắn Trung Quốc lần thứ 5 (2009-2010).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG