Ban nhạc gọi về tuổi thanh xuân

Ban nhạc gọi về tuổi thanh xuân
TP - Dịp đón chào năm mới 2009, bộ phim tài liệu Young@Heart: Tôi thấy khỏe lắm của Stephen Walker (người Anh) được chiếu đồng loạt tại nhiều nước, như một luồng gió xuân ấm áp tình người, tình nhân loại.
Ban nhạc gọi về tuổi thanh xuân ảnh 1
Áp phích phim tài liệu

Phim được chào đón nồng nhiệt và ca ngợi hết lời. Không hiếm khán giả rơi lệ, rằng xin giới trẻ đừng lãng quên cha mẹ tổ tiên, đừng xem nhẹ gia đình và cốt nhục, rằng các cộng đồng nhớ dành chỗ cho tuổi già vốn xứng đáng được tôn trọng.

Đầu những năm 1980, chàng trai 20 tuổi Bob Cilman (người Mỹ), ngay từ khi còn cắp sánh đến trường đã băn khoăn về một nghịch lý xã hội. Ấy là việc người cao tuổi ở phương Tây thường sống trong cảnh cô đơn trong các nhà dưỡng lão. Thật đau lòng, tỷ lệ tự sát của người lớn tuổi là cao nhất trong mọi lứa tuổi.

Năm 22 tuổi, tốt nghiệp đại học, Bob Cilman được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành của Ủy ban nghệ thuật thành phố nhỏ Northampton, bang Massachusetts.

Để tìm hiểu cụ thể, anh làm tình nguyện viên hàng ngày đưa thức ăn cho các cụ già trong một khu dưỡng lão địa phương. Anh nhận thấy ngay một số cụ không bình thường, có mặc cảm bị hắt hủi. Anh muốn thay đổi không khí chung, từ đó mang về cho các cụ sự đầm ấm và vui vẻ.

Chìa khóa của vấn đề: vượt lên trên hoàn cảnh, sống tích cực và chủ động. Anh bèn động viên một vài cụ lập nhóm ca, hát những bài các cụ thích thú nhất. Nhóm ca đông dần lên và  năm 1982, Young@Heart vào đời.

Tiếng lành đồn xa, nhiều khu dưỡng lão trong nước mời ban nhạc đến phục vụ. Các chuyến lưu diễn bắt đầu, từ Hoa Kỳ sang các nước châu Âu, rồi các quốc gia khác.

Cho đến nay, Bob Cilman vẫn là người điều hành và chăm lo cho ban nhạc. Ông vẫn làm việc cho Tòa thị chính như xưa, nhưng ban nhạc đã trở thành một kỳ tích và niềm hạnh phúc của ông.

Young@Heart, có thể hiểu là “Tuổi trẻ trong tim”, là ban nhạc độc nhất vô nhị trên toàn cầu. Độc đáo thứ nhất, ban nhạc quy tụ, khi đầy đủ, 24 thành viên toàn các bậc cao niên, tuổi trung bình 80. Các cụ đương nhiên nghỉ làm việc đã lâu, gia đình mỗi người một vẻ, sức khỏe không tránh khỏi vấn đề này nọ. Cụ là cựu thủy thủ, cụ chuyên gia mỹ thuật, cụ lái xe, cụ giáo viên,  cụ kỹ sư…, nghĩa là mọi ngành nghề đều góp mặt trong Young@Heart.

Nói thế là vì họ đều được tuyển chọn kỹ càng, có khả năng ca hát thực sự và có đủ sức theo đuổi các chuyến lưu diễn. Không hiếm khi, người ta thấy một đôi gậy chống hay xe lăn trên xe ô tô, trong các chuyến đi của ban nhạc.

Các thành viên như lá vàng rụng dần. Nếu một người ra đi ngay trước một buổi diễn, kế hoạch vẫn không thay đổi. Đau buồn được giấu kín trong lòng, thậm chí gieo vào chương trình một âm hưởng thánh thiện khác lạ.

Các cụ đều say mê công việc. Người con cháu đề huề, vẫn thích đến với ban nhạc hơn là chỉ ru rú xó nhà; độc thân thì xin được giữ chìa khóa phòng chung trong khu dưỡng lão để đêm về muộn không gây rắc rối cho người ngủ sớm.

Người bị ung thư, vẫn phải chạy xạ, nhưng không vắng mặt trong bất kỳ đêm diễn nào. Người bị thấp khớp, song mỗi lần lên sân khấu, lại nén và quên cái đau ê ẩm và hát như chưa bao giờ được hát. Cứ đà ấy, Young@Heart sẽ vĩnh viễn trẻ trung, dồi dào sức sống và đổi mới không ngừng.

Thoạt đầu, những tưởng các cụ sẽ trình diễn âm nhạc cổ điển, nhưng họ đã bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, nghĩa là các cụ hát lại những ca khúc vang vọng nhất của các ca sỹ và ban nhạc đương thời, từ Prince, Radiohead, Jimi Hendrix, tới Sonic Youth, Coldplay, James Brow, qua Bruce Springsteen, Rolling Stones, Bob Dylan.

Phần lớn các cụ chơi nhạc và hát nghiệp dư, cho nên những lỗi kỹ thuật thường khó tránh khỏi. Nhạc đệm thì tùy hứng, có gì dùng nấy, kể cả kèn harmonica.

Giọng hát tất nhiên hoặc đã khàn khàn, yếu ớt, hoặc không vút cao được và đôi lúc run rẩy, các bài hợp ca và đồng ca thì không cần bàn, còn các bài đơn ca vẫn gây ấn tượng mạnh, chủ yếu do các cụ đưa vào đó nhiều tâm sự  và nỗi niềm, thậm chí, các ca khúc quen thuộc bỗng như tái sinh hay mới sinh ra lần đầu. Những thành tựu phi thường như thế của Young@Heart đang nối dài.

Bob Cilman phục vụ các cụ tận tình nhưng cũng đòi hỏi khá khắt khe. Ví như dứt khoát phải từ 73 tuổi trở lên mới được vào ban nhạc. Số lượng “biên chế” không vượt quá 24 người. Chính nhờ có sự lựa chọn khắt khe ấy nên khi cụ bà Eileen Hall, 93 tuổi, vẫn làm choáng váng người nghe mỗi lần cất lên khúc ca tủ của cụ “Tôi sẽ ở hay tôi sẽ đi” của nhóm Clash.

Cụ ông Steve Martin, 78 xuân xanh, vẫn lái một chiếc xe thể thao, trên xe luôn có một “nàng” mà cụ khoe rằng tình yêu không có tuổi. Với các nghệ sỹ nghiệp dư lụ khụ, cuộc đời vẫn đẹp sao. Hãy yêu đời, đó là cách giữ mãi hay lấy lại tuổi thanh xuân và tuổi thọ. Đó là phương thức hữu hiệu để bảo vệ và duy trì hạnh phúc cá nhân, sự lành mạnh và an toàn của xã hội.

Phú Khê
Theo nhiều tài liệu nước ngoài

MỚI - NÓNG